Vụ trao nhầm con: Đứa bé 'gửi nhầm' được về nhà

15:03, 21/07/2016
|
Từ những cố gắng không biết mệt mỏi từ phía người trong cuộc lẫn những người có tâm, kết quả mãn nguyện: chị Liên đồng ý để bé Ngọc Yến về thăm cha mẹ đẻ. Một kết cục có hậu biết bao người chờ đợi đã không còn xa.
 
8h sáng ngày 18/7/2016, điện thoại của PV rung lên, phía bên kia hiện lên số người gọi là chị Liên. Sau khi xin số điện thoại của anh Vũ Đình Khiên, chị Liên chỉ nhỏ nhẹ nói một câu: “Tôi cho cháu về chơi với bố mẹ đẻ và ông bà!”.
 
Lần đầu tiên trong đời, bé Ngọc Yến đã được mẹ đẻ bón từng thìa cơm.
Lần đầu tiên trong đời, bé Ngọc Yến đã được mẹ đẻ bón từng thìa cơm.
 
Dư vị sau khi nhận cuộc điện thoại quả thực khó có thể diễn tả thành lời. PV vẫn không thể quên được 2 cuộc tiếp xúc với chị Liên 2 ngày trước đây: tràn đầy tiếng khóc than, nước mắt, tiếng la hét và sự quằn quại đau đớn! Thời gian quả là quá ngắn, để có thể thích nghi với trạng huống tâm lý thay đổi hoàn toàn, dù nó mang đầy niềm vui.
 
Nhận được điện thoại, anh Khiên ngay lập tức phóng xe lên ấp Tổng Cui Lớn đón 2 bà cháu. Qua quãng đường hơn 8km tràn đầy niềm vui, bé Ngọc Yến đã được ôm vào vòng tay mẹ, lần đầu tiên, tại căn nhà của ông bà ngoại nằm trên đường Bà Triệu, phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước.
 
Chỉ mất một thời gian ngắn, bé Ngọc Yến đã hết sợ sệt bỡ ngỡ, mạnh dạn chơi đùa cùng chị gái và bạn Lan Anh. “Khó lý giải lắm, về đến nhà, chỉ mất một lúc, cháu đã chơi đùa với tất cả mọi người”, anh Khiên kể lại.
 
Sau khi ăn cơm cùng gia đình, 2 bé đã được đưa đi chơi công viên. Đến cuối buổi chiều, anh Khiên lại đưa cả 2 cháu về chơi với mẹ Liên. Khi chia tay bố, cháu Ngọc Yến đã biết tỏ ra quấn bố, ôm cổ bố không rời…
 
“Chuyển giao nhanh chóng là hoàn toàn bất lợi với 2 trẻ”. Đó là ý kiến của chuyên gia Tâm lý Lê Khanh, PGĐ Trung tâm Tâm lý Giáo dục Rồng Việt (Thành phố Vũng Tàu).
 
Theo ông Lê Khanh, một cuộc chuyển giao nhanh chóng, cho dù có thể đáp ứng được lòng khao khát mong con của cả 2 người mẹ, nhưng hoàn toàn bất lợi với hai trẻ, ít nhất là về mặt tâm lý nhận thức. Trẻ sẽ lạc lõng, lo lắng và khủng hoảng trong một thời gian, dù cho lúc đó chính là người mẹ ruột chăm sóc!
 
Điều này cũng tương tự như một đứa trẻ người Việt được làm con nuôi một gia đình phương Tây. Thậm chí có khi còn tệ hơn, bởi vì người mẹ nuôi sẽ chấp nhận giữ một khoản cách tình cảm, tôn trọng những phản ứng của trẻ trước khi chấp nhận người đó là mẹ của mình. 
 
Theo Vietnamnet

Ý kiến bạn đọc