Thông tin "giật mình" của đại biểu tỉnh Đắk Lắk

16:40, 26/07/2016
|

(VnMedia) - "Còn một mảnh rừng cuối cùng là Vườn quốc gia Yoóc Đôn thì người ta cũng lăm le làm nốt thủy điện"; “Tỉnh phải đi xin nước của nhà máy thủy điện mới tổ chức được Lễ hội đua voi trên sông Sêrêpôk” - đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk thông tin...

thủy điện phá rừng

Hàng ngàn ha rừng ở Đắk Lắk đã bị phá để làm thủy điện - ảnh NLĐ

Phát biểu tại phiên thảo luận về chương trình làm luật của Quốc hội sáng nay, ông Nguyễn Duy Hữu, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk nói: "Thực tiễn dưới cơ sở ở Tây Nguyên cho thấy tình trạng rằng, nếu chúng ta không làm nhanh thì chúng ta sẽ không còn Tây Nguyên nữa.”

"Xin báo cáo các đồng chí và báo cáo Quốc hội rằng, giá trị của rừng chúng ta không cần đặt vấn đề, không cần nói ở đây. Tuy nhiên, kính thưa Quốc hội, rừng ở Tây Nguyên có thể nói đã đến đoạn cuối cùng của đoạn cạn kiệt rồi", ông Nguyễn Duy Hữu nói.

Đại biểu tỉnh Đắk Lắk miêu tả: “Do phá rừng để lấy gỗ, lấy đất để sản xuất và để làm thủy điện, dẫn đến tình trạng "voi rừng đánh chết voi nhà".

"Còn một mảnh rừng cuối cùng là Vườn quốc gia Yoóc Đôn thì người ta cũng lăm le làm nốt thủy điện ở ngay lõi của Vườn quốc gia này nữa", đại biểu Đắk Lắk cho biết, đồng thời đưa ra một thông tin đau xót khiến nhiều người giật mình: “Tỉnh muốn làm lễ hội phải đi xin nước của nhà máy thủy điện mới tổ chức được Lễ hội đua voi trên sông Sêrêpôk.”

"Như vậy, tôi thiết nghĩ rằng, để cứu lấy mảnh rừng cuối cùng của Tây Nguyên, để giữ lại những giá trị của Tây Nguyên hùng vĩ, tôi đề nghị xem lại dự kiến chương trình xây dựng pháp luật của năm 2017. Năm 2016 sợ không kịp nữa, tôi nói điều này không biết Bộ NN&PTNT có ủng hộ không, nhưng đề nghị chuyển dự án luật Bảo vệ và phát triển rừng lên để cho ý kiến và thông qua trong năm 2017. Hy vọng rằng với việc này, tuy chậm, nhưng chúng ta sẽ góp phần cứu lấy những cánh rừng Tây Nguyên", đại biểu Nguyễn Duy Hữu nói.

Liên tiếp trong những ngày vừa qua, những vụ việc phá rừng nghiêm trọng đã được báo chí đưa tin và ngay lập tức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm.

Chỉ cách đây vài ngày, hôm 21/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Quảng Nam điều tra, làm rõ vụ việc phá rừng tự nhiên pơ mu tại tiểu khu 351 thuộc khu vực rừng phòng hộ Nam Sông Bung, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam và xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định của pháp luật. Nguyên nhân là bởi ngày 9/7, trong lúc đi rừng, người dân xã La Dêê phát hiện vụ phá rừng quy mô lớn ngay tại khu vực cửa khẩu Nam Giang. Sau đó, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra và đã phát hiện tại khu vực đường vành đai biên giới khu vực cửa khẩu nhiều điểm tập kết gỗ pơ mu đã cưa xẻ không rõ nguồn gốc có tổng khối lượng hơn 48m3.

Sau khi khởi tố vụ án, ngày 16/7, Công an huyện Nam Giang đã phát hiện hơn 100 phách gỗ pơ mu (8,2 khối) bị giấu ngay trong khuôn viên Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nam Giang và lực lượng hải quan không lý giải được về nguồn gốc số gỗ này.
 
Đến trưa 17/7, lực lượng công an lại phát hiện 2 bãi tập kết gồm 85 phách gỗ pơ mu bị giấu trong bụi rậm cách trụ sở hải quan khoảng 50m và cách Trạm Biên phòng Cửa khẩu Đắc Ốc khoảng 500m. 
 
Trong khi đó, tại buổi làm việc với tỉnh Đăk Lăk sáng 21/6, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm hành vi phá rừng trên địa bàn tỉnh này.
 

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc