Cơ quan chức năng đã triệu tập lấy lời khai, củng cố hồ sơ và dựng lại chân chung kẻ cầm đầu đường dây phá rừng ở khu vực cửa khẩu Nam Giang, Quảng Nam.
Lực lượng kiểm lâm điều tra tại hiện trường |
Một quy trình khép kín hoàn hảo từ việc chọn vị trí, khai thác, vận chuyển và tiêu thụ gỗ pơ mu tại khu vực cửa khẩu Nam Giang, nơi được xác định là “bất khả xâm phạm”, đã dần lộ diện.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu trong báo cáo gửi Thủ tướng đã khẳng định: Nếu không có sự tiếp tay, giúp sức của một số cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ khu vực biên giới cửa khẩu Nam Giang thì dù lâm tặc có ba đầu sáu tay cũng không thể lọt vào khu vực này để khai thác lượng gỗ quý hiếm lớn đến vậy.
Việc có hay không sự dung túng, tiếp tay này đang được 5 cơ quan (Cơ quan điều tra của Bộ tư lệnh Biên phòng; Cơ quan điều tra của Cục Kiểm lâm VN; Cơ quan điều tra công an Quảng Nam; Cơ quan điều tra của Cục Hải quan và UB Kiểm tra Tỉnh ủy) cùng nhiều cơ quan chức năng khác của địa phương 2 tỉnh Sê Kong (Lào) và Quảng Nam, phối hợp điều tra để bóc tách và làm rõ.
Các cơ quan chức năng khẳng định toàn bộ số pơ mu bị chặt hạ nằm trên đường vành đai biên giới. Một số cây nằm ở vùng chồng lấn của 2 nước, muốn xác định cần phải định vị tọa độ và xác định trên bản đồ.
Một cán bộ điều tra cao cấp tham gia chuyên án cho biết: “Các đối tượng trong đường dây phá rừng này là người Việt Nam, qua Lào thuê đất làm kinh tế. Dưới vỏ bọc này, họ hình thành nên đường dây phá rừng. Toàn bộ số gỗ khai thác được ở vùng chồng lấn và đường vành đai biên giới sẽ thuê người địa phương vận chuyển đến nơi tập kết, sau đó đưa qua Lào. Số gỗ này sau đó được hợp thức giấy tờ, đưa qua cửa khẩu Nam Giang về Việt Nam tiêu thụ”.
Quy trình hô biến gỗ pơ mu VN thành gỗ Lào
Các điều tra viên đã lần theo dấu vết con đường đi của số gỗ khai thác trái phép này. Theo phân tích, đối tượng cầm đầu có mối quan hệ mật thiết với một số cán bộ quản lý khu vực cả hai bên biên giới.
Đối tượng này thuê lâm tặc chuyên nghiệp từ các tỉnh phía Bắc vào khai thác, cưa xẻ gỗ thành phẩm, mỗi phách gỗ có khối lượng bình quân khoảng 50kg.
Khi số lượng gỗ đầy đủ theo đơn hàng, đối tượng cầm đầu hợp thức giấy tờ gỗ khai thác từ Lào và vận chuyển qua cửa khẩu về Việt Nam tiêu thụ.
Theo lời khai của một số đối tượng với cơ quan điều tra, bình quân mỗi m3 gỗ sau khi khai thác và hợp thức hóa giấy tờ có giá khoảng 17-20 triệu đồng. Khi chuyển về Việt Nam tiêu thụ tại các thành phố lớn, giá tăng lên gấp đôi (35-40 triệu).
Tại khu vực cách cửa khẩu Nam Giang bên kia biên giới khoảng 10km thuộc địa phận Đắk Chưng, tỉnh Sê Kông (Lào), lực lượng trinh sát ngoại biên đã xác định một xưởng gỗ với hệ thống nhà kho chứa khối lượng gỗ pơ mu lớn. Số gỗ này được Công an Lào xác định từ cửa khẩu Nam Giang, Việt Nam chuyển sang.
Lực lượng kiểm lâm xác định bình quân 60 cây pơ mu bị đốn hạ, mỗi cây có khối lượng 10m3 gỗ sau khi cưa xẻ. Nếu tính theo giá thị trường, khi vận chuyển trót lọt đến nơi tiêu thụ, mỗi cây có giá 300-400 triệu đồng.
Như vậy, với 60 cây pơ mu bị triệt hạ tại khu vực, theo định giá tạm thời, số tiền lên tới 18-24 tỷ đồng.
Đó là chỉ mới tính đến giá trị vật chất của tài nguyên rừng.
Cái mất lớn hơn, theo Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu, đó là mất lòng tin của nhân dân và ảnh hưởng tình hình an ninh quốc phòng, nên cần phải được xử lý nghiêm theo qui định của pháp luật.
Để điều tra làm rõ đường dây phá rừng xuyên quốc gia này, sáng nay, lãnh đạo và cơ quan chức năng 2 tỉnh Quảng Nam (VN) và Sê Kông (Lào) đã có cuộc làm việc khẩn.
Ngày 9/7, thông tin về 280 phách gỗ pơ mu có khối lượng khoảng 28m3 tập kết tại một con suối cách Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang (thuộc Đồn Biên phòng La Dêê), khoảng 500m đã được một người dân phát hiện và mật báo với lực lượng công an và kiểm lâm Nam Giang.
Cơ quan chức năng vào cuộc đã phát hiện ra nhiều bãi tập kết gỗ, ngay trong trụ sở cơ quan quản lý cửa khẩu, dưới khe suối, trên rừng. Tổng khối lượng gỗ được thu giữ lên đến 43m3. Lượng gỗ bị tẩu tán hiện vẫn chưa xác định được khối lượng.
Theo Vietnamnet
Ý kiến bạn đọc