Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Formosa không nên tồn tại!

19:12, 21/07/2016
|

(VnMedia) - “Tới đây, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ủy ban Môi trường… phải tăng cường giám sát để trả lời thỏa đáng cho cử tri rằng, dự án Formosa này có xứng đáng tồn tại hay không. Theo tôi là không!” - đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân thẳng thắn nói.

formosa
Đại biểu Trần Hoàng Ngân

Sáng nay (21/7), trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho biết, tất cả các dự báo cho thấy kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng cao. “Và điều quan trọng hơn là chúng ta đang đi đúng hướng. Đó là điều quan trọng chứ không phải chỉ số tăng trưởng cao hay thấp" -  ông Ngân khẳng định.

Theo ông Trần Hoàng Ngân, trong 6 tháng đầu năm, chỉ số VN-Index tăng trên 100 điểm, tăng trên 20%. Vấn đề đặt ra cho kinh tế vĩ mô là GDP tăng trưởng thấp, thế giới dự báo tăng trưởng thấp, bất ổn, tiêu cực, nhưng VN-Index vẫn tăng.

“Các nhà đầu tư cho rằng yếu tố quan trọng là niềm tin. Họ tin tưởng bộ máy Chính phủ mới sẽ làm quyết liệt, mạnh tay trong việc tạo ra môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và Việt Nam đang quyết tâm chống tham nhũng, quyết liệt xử lý các dự án, cả tham nhũng và môi trường. Thị trường đang nhìn thấy triển vọng tương lai, đặt niềm tin vào sự triển vọng đó và tin tưởng bộ máy mới, sẽ cải thiện tốt" - ông Trần Hoàng Ngân cho biết.

Theo ông Ngân, với những lý do trên, nên dù GDP không đạt kế hoạch đề ra, số lượng doanh nghiệp mới đăng ký vẫn tăng rất nhiều so với những năm vừa qua, kể cả về vốn đăng ký. “Hiện tại GDP thấp, nhưng triển vọng tương lai là tốt" - ông Ngân lạc quan nói.

Tuy nhiên đại biểu Trần Hoàng Ngân lại lo lắng về các vấn đề xã hội như biến động thiên tai, hạn hán ảnh hưởng đến khu vực nông nghiệp, nông thôn, đến ổn định đời sống, hộ nghèo và hộ cận nghèo. Ông Ngân cũng cho rằng, vấn đề trong cơ cấu quản lý nhà nước về xã hội, môi trường, trật tự và an toàn vệ sinh thực phẩm “đang có vấn đề".

“Việc phân công, phân cấp trong vấn đề xử lý chất thải như xử lý chất thải rắn là của Bộ Xây dựng, chất thải nguy hại là Bộ Tài nguyên và Môi trường, chất thải Y tế là của Bộ Y tế..., chia thành nhiều Bộ là không ổn. Hay như vấn đề xây dựng, nhiều thanh tra và Bộ, Ngành nhưng nhà xây dựng trái phép vẫn mọc lên. Cần phải phân cấp lại" - ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

- Nhân nói đến vấn đề môi trường, theo ông, trách nhiệm trong vụ Formosa như thế nào?

Theo tôi là phân công trách nhiệm không rõ ràng, nói tại Bộ TN&MT cả thì cũng không hẳn. Họ có trách nhiệm phê duyệt báo cáo nhưng theo dõi kiểm tra thì sẽ như thế nào? Lãnh đạo Chính phủ mới nhận nhiệm vụ đã tập trung xử lý ngay, tìm ra nguyên nhân và quy trách nhiệm cụ thể. Nhưng vấn đề chúng ta muốn là với lý lịch không tốt của Formosa về môi trường, đáng lý ra, Formosa thì phải được “ưu tiên” hàng đầu về giám sát. Đó là bài học lớn cho vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là FDI thời gian qua.

Vấn đề nữa là cạnh tranh trong thu hút vốn FDI của các địa phương. Formosa không còn là của Hà Tĩnh mà là dự án liên quan đến hàng loạt các tỉnh miền Trung, liên quan đến ngành về kinh tế biển, ngành về du lịch và liên quan đến đất nước, nền kinh tế quốc gia. Do đó, khi giải quyết vấn đề Formosa phải xem đây là dự án quốc gia, không thể giao cho UBND tỉnh Hà Tĩnh hay sở TN&MT tỉnh giải quyết. Tất cả xử lý đó phải là của một đơn vị, của một ủy ban quốc gia.

Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng cần phải tăng cường giám sát. Đây là nội dung đặt hàng của cử tri. Tới đây, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ủy ban Môi trường… phải tăng cường giám sát để trả lời thỏa đáng cho cử tri rằng, dự án này có xứng đáng tồn tại hay không. Theo tôi là không!

- Theo ông, vấn đề tiếp theo sau đây trong đền bù cho người dân, hồi phục môi trường nên được thực hiện như thế nào?

Vừa qua ta đã có chính sách hỗ trợ cho người dân và đây cũng là nhiệm vụ của Chính phủ trong thời gian tới, cũng như đang triển khai, nhưng cũng không thể bù đắp được những tổn thương cho ngành kinh tế biển, người dân. Lòng biển và tài nguyên thiên nhiên biển là không thể bù đắp được, do đó, nên xem xét thận trọng và có cơ quan để khẳng định rằng Formosa có nên tồn tại nữa hay không ở vùng Hà Tĩnh.

-  Nếu không tồn tại thì giải quyết vấn đề đầu tư như thế nào, thưa ông?

Chính phủ nên có giải quyết minh bạch. Khi giải quyết các vấn đề về môi trường, không chỉ nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài mà tất cả doanh nghiệp hoạt động trên đất nước Việt Nam cần rà soát lại toàn bộ vấn đề môi trường, đảm bảo kinh tế phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên và không ảnh hưởng môi trường Việt Nam.

Những dự án nào không thỏa mãn tiêu chí môi trường thì phải ngừng ngay và Formosa là dự án tiêu điểm. Hậu quả về môi trường hiện tại không bằng hậu quả khi để một nhà đầu tư nước ngoài đã có lý lịch không tốt về môi trường lại tiếp tục tàn phá môi trường. Chúng ta phải chấp nhận và thuyết phục vì có thể ảnh hưởng đến nhà đầu tư khác. Nếu không có cơ sở khoa học thì sẽ thiếu tính thuyết phục.

Đài Loan cũng có nhiều vốn đầu tư rót vào Việt Nam nên cần phải có cơ chế rõ ràng và minh bạch. Ta phải có Ủy ban giám sát, Ủy ban khoa học và Ủy ban Kiểm tra để làm rõ và công bố sớm trong việc dừng dự án này.

-  Về việc khắc phục hậu quả bước đầu, ông có gợi ý gì?

Cần nhanh chóng hỗ trợ cho ngư dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ dân đang bị tổn thương từ môi trường biển. Ngành du lịch tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng lớn cũng cần nhanh chóng có chính sách hỗ trợ. Cần rà soát phục hồi môi trường biển hiện nay, kiểm tra xử lý hệ thống chất thải DN ven biển...

Hơn nữa, phải có kiến nghị kịp thời, sửa và hoàn thiện thể chế, phân công phân cấp thống nhất giao về một bộ duy nhất.  

-  Xin cảm ơn ông!

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Bài học Formosa rất đắt giá về việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước, phải chú ý nhiều hơn đến môi trường vì đây là lĩnh vực ảnh hưởng lâu dài đến đời sống của người dân, đến những tài nguyên thiên nhiên của chúng ta. Chúng ta không phát triển kinh tế bằng mọi giá, đi đôi với đó là phải bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường sống của người dân, để phát triển kinh tế mới bền vững như Nghị quyết Đại hội Đảng đã nêu. Người dân, DN, các ngành các cấp phải thực hiện. Khi nhà đầu tư vào VN, phải kiểm soát, để tránh VN trở thành nơi xử lý rác thải, ô nhiễm. Đã có nhiều bài học đắt giá của các nước đi trước, chúng ta đi sau không nên lặp lại.

Về giám sát, đây là vấn đề phân cấp, tuỳ từng dự án sẽ phân cấp cho địa phương hay cơ quan trung ương, bộ, ngành. Những dự án lớn, rất nhạy cảm thì phải cáo QH, hoặc Chính phủ quyết định.  Nhưng có những dự án nhỏ nhưng ảnh hưởng môi trường lớn, ví dụ như đập thuỷ điện nhỏ  nhưng có thể xảy ra ảnh hưởng môi trường lớn. Nên bài học từ Formosa cho thấy, từ trung ương đến địa phương cùng phải quản lý , chứ không phải nơi nào biết nơi đấy. Nhiều dự án nhỏ có thể dẫn đến ô nhiễm lớn. Kiểm soát môi trường là một vấn đề quan trọng khi phát triển kinh tế.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau):  Với cá nhân tôi là thành viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường thì bản thân không thoái thác trách nhiệm trong việc này. Mình cũng cố gắng kiểm tra, giám sát, phát hiện sau đó cương quyết gửi văn bản kiến nghị và bám kiến nghị đó. Tuy nhiên, hậu giám sát thì chưa đến nơi đến chốn và quyết liệt. Với những vụ việc như Formosa thì tới đây mỗi thành viên của đoàn giám sát phải tăng cường hơn chức trách, nhiệm vụ của mình.

Hiện nay, các đoàn cơ quan chức năng đang làm rõ. Qua các phương tiện thông tin đại chúng  thì các cơ quan, các Bộ đang làm. Tuy nhiên có phần chậm và cần phải đốc thúc hơn nữa.  Còn ở đây, sẽ đối chiếu lại các văn bản quy định Pháp luật để xem chức trách, thẩm quyền của ai để chỉ đạo, xử lý nghiêm và theo tôi cần phải quy trách nhiệm rõ ràng cho các cá nhân, tổ chức liên quan.

 

Xuân Hưng (ghi)


Ý kiến bạn đọc