Nên hạn chế chỗ đậu xe: Quan điểm "ngược đời" đáng quan tâm!

13:51, 01/06/2016
|

(VnMedia) - Không có lý do nào bắt buộc chủ tòa nhà phải cung cấp đủ chỗ đỗ xe; tạo điều kiện mở rộng chỗ đỗ xe là “trợ cấp cho người giàu”; hạn chế chỗ đậu xe để giảm sử dụng ô tô... là ý kiến nghe có vẻ “ngược đời” nhưng rất đáng quan tâm...

Đây là quan điểm của bà Debra Efroymson, Giám đốc vùng châu Á của HealthBridge (tổ chức Nhịp cầu sức khỏe).

Theo bà Debra, nỗ lực trong giải quyết vấn đề chỗ đậu xe ở thành phố là đáng hoan nghênh bởi việc đậu xe ở vỉa hè là lòng đường là vấn đề lớn, gây cản trở cho việc đi lại của các phương tiện hoặc những hình thức giao thông hiệu quả hơn, đồng thời làm chậm việc di chuyển của chính xe ô tô trên đường phố. “Đã đến lúc phải giải quyết vấn đề này” - bà Debra nhấn mạnh. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc tập trung nguồn lực để tạo ra nhiều chỗ đậu xe, thậm chí nên làm ngược lại.

hầm để xe
Bà Debra cho rằng, không có lý do nào người chủ tòa nhà/cơ sở bị bắt buộc phải cung cấp chỗ đỗ xe ngoài khả năng hay mong muốn của họ hoặc bị phạt chỉ vì không cung cấp “đủ” chỗ đậu xe

Không trợ cấp cho người giàu!

Theo bà Debra, đường phố là những không gian công cộng chung, trong khi các ô tô là tài sản cá nhân. Những người chủ ô tô nên bị thu phí đậu xe cho phần không gian mà ô tô của họ chiếm hữu, bất kể đó là ở đâu (ngoại trừ tại nhà riêng/bất động sản riêng của người chủ ô tô).

Đặc biệt, bà Debra cho rằng, do đất ở thành phố có giá trị và nhu cầu cao, những người chủ sở hữu ô tô không nên được hưởng trợ cấp đỗ xe ở bất cứ đâu. “Trợ cấp nên để dành cho những người dân cần được trợ cấp và không gian phải thuộc về đa số, chứ không phải thiểu số những người thu nhập cao” - bà Debra nêu quan điểm.

Theo Giám đốc vùng châu Á của HealthBridge, nên quy định số chỗ đậu xe tối đa được phép hơn là yêu cầu số chỗ đậu xe tối thiểu.

“Nếu quy định như vậy thì sẽ phải xóa bỏ yêu cầu phạt người chủ các tòa nhà/cơ sở vì không cung cấp đủ không gian”, bà Debra nói và cho rằng, chính sách cần đảm bảo sẽ không lãng phí nhiều tiền vào việc cố gắng đáp ứng nhu cầu đậu xe mà theo bà là “không bao giờ thỏa mãn được.”

Từ kinh nghiệm làm việc của mình, bà Debra cho biết, nhiều thành phố trên thế giới, như San Francisco (Mỹ) và các thành phố ở Châu Âu đã cũng đã đặt ra hạn chế số chỗ đỗ xe tối đa thay vì số đỗ xe tối thiểu.

“Không có lý do nào người chủ tòa nhà/cơ sở bị bắt buộc phải cung cấp chỗ đỗ xe ngoài khả năng hay mong muốn của họ hoặc bị phạt chỉ vì không cung cấp “đủ” chỗ đậu xe” - bà Debra nhấn mạnh.

Quan điểm này của bà Debra có thể sẽ khiến nhiều người không đồng thuận bởi thực tế ở Hà Nội, những nơi không đủ chỗ đậu xe luôn có tình trạng ô tô, xe máy đỗ tràn lan, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.

Tuy nhiên, Giám đốc vùng châu Á của HealthBridge cho rằng, những biện pháp đưa ra cần tính đến mục tiêu giảm tính hấp dẫn của việc di chuyển bằng ô tô cá nhân.

“Những chỗ đậu xe miễn phí sẽ khuyến khích người dân lựa chọn di chuyển bằng ô tô cá nhân nhiều hơn thay vì nghĩ đến sử dụng các hình thức di chuyển tích cực khác (đi bộ, xe đạp, giao thông công cộng)” - bà Debra phân tích.

Theo bà, song song với việc hạn chế chỗ đậu xe, cần có thêm những biện pháp khác để giảm sử dụng ô tô và cải thiện điều kiện di chuyển bằng các phương tiện khác (giao thông công cộng, xe đạp và đi bộ)...

Bà Debra cũng nhấn mạnh, “việc đậu xe trên đường và vỉa hè cần được coi là bất hợp pháp và việc xử phạt phải được thực thi nghiêm, mức phạt cao và có cả các hình phạt khác nữa.”

Ngoài ra, theo Giám đốc vùng châu Á của HealthBridge, phí thu được từ đậu xe và phạt đỗ xe trái phép có thể dành để trả lương cho những người thi hành công vụ và được dùng để cải thiện điều kiện đi bộ, đạp xe và phương tiện giao thông công cộng.

“Nếu lại dành tiền đó để xây thêm chỗ đậu xe, thì điều này sẽ lại khuyến khích lái xe cơ giới và làm tăng kẹt xe. Bằng việc sử dụng kinh phí thu được để khuyến khích đi bộ, xe đạp và giao thông cộng sẽ làm giảm nhu cầu lái xe và từ đó giảm kẹt xe và ô nhiễm” - bà Debra nói.

bãi đậu xe
Trợ cấp cho chỗ đỗ xe có nghĩa là chỉ một số người có xe hơi nhưng tất cả mọi người đều phải trả tiền
 

17 lý do không nên khuyến khích mở rộng chỗ đậu xe

Dưới đây là một loạt các lý do tại sao không nên khuyến khích mở rộng chỗ đậu xe được bà Debra Efroymson đưa ra:

- Phụ thuộc vào ô tô: Đậu xe miễn phí sẽ khuyến khích người dân lựa chọn di chuyển bằng ô tô cá nhân nhiều hơn thay vì nghĩ đến sử dụng các hình thức di chuyển tích cực khác (đi bộ, xe đạp, giao thông công cộng).

- Hạn chế việc di chuyển bằng các hình thức giao thông thân thiện môi trường: Khi di chuyển trong khoảng cách gần, những người có ô tô sẽ ít lựa chọn đi bộ nếu họ không phải mất hoặc mất ít tiền gửi xe; Có nhiều ô tô đi lại trên đường sẽ khiến việc đi bộ và xe đạp không thoải mái hơn, gây trở ngại trên đường của xe bus, vì vậy khiến dịch vụ xe bus chậm hơn và cũng ít người muốn đi xe đạp, đi bộ hơn.

- Tắc nghẽn giao thông: Khuyến khích lái xe ô tô làm tăng tắc nghẽn giao thông do có nhiều người sẽ mua ô tô hơn và sử dụng chúng cho hầu hết các chuyến đi, ngay cả những quãng đường ngắn.

- Lãng phí năng lượng: Nhiều xe ô tô hơn và phụ thuộc vào chúng ngay cả cho quãng đường ngắn và khi đi một mình gây lãng phí năng lượng.

- Tai nạn: Ô tô đậu trên phố gây cản trở tâm nhìn và khả năng tai nạn cao hơn.

- Ô nhiễm không khí và tiếng ồn

- Biến đổi khí hậu từ khí thải xe hơi

- Tăng giá nhà: Giá xây chỗ đậu xe sẽ bị vào giá thành xây nhà, giá nhà sẽ đắt lên

- Trợ cấp bất bình đẳng: Chỉ một số người có xe hơi nhưng tất cả mọi người đều phải trả tiền

- Bất bình đẳng xã hội: Người nghèo và trung lưu lại phải trợ giá cho người giàu

- Sự lựa chọn đầu tư giao thông không hợp lý: Tập trung vào cung cấp cơ sở hạ tầng cho xe hơi chứ không phải cho con người, dẫn đến việc đầu tư vào xây đường và chỗ đậu xe hơn là cho giao thông công cộng, giao thông phi cơ giới hoặc nhà ở giá rẻ và thành phố sống tốt

- Mở rộng thành phố tràn lan: Không gian dành cho chỗ đậu xe khiến các tòa nhà xây cách xa nhau tạo nên sự mở rộng thành phố tràn lan, dẫn đến tắc nghẽn giao thông do các điểm đến trở nên cách xa nhau không thể đi bộ hay đạp xe đến được

- Tổn hại kinh tế: Tiền đầu tư lãng phí vào chỗ đậu xe và các hạ tầng khác cho xe hơi khiến đất nước nghèo hơn.

- Suy giảm môi trường: Thêm không gian cho đậu xe nghĩa là ít không gian dành cho cây xạnh và không gian xanh hơn.

- Cảnh quan kiến trúc và đô thị: Những khu để ô tô trông rất xấu xí.

- Gánh nặng cho doanh nghiệp: Các doanh nghiệp phải chi tiền cho các chỗ đậu xe cho dù có muốn hay cần không.

- Ngăn cản việc tái sử dụng các tòa nhà cũ: Trong một số trường hợp, quy định yêu cầu chỗ đỗ xe khiến các tòa nhà cũ không đáp ứng được yêu cầu này không thể chuyển đổi cho việc sử dụng mới.   


Ý kiến bạn đọc