Hà Nội đã bắt giữ 2 đối tượng sàm sỡ trên xe buýt

07:02, 01/06/2016
|

(VnMedia) - Trong 5 tháng đầu năm 2016, đã bắt giữ 11 vụ với 11 đối tượng trộm cắp, móc túi trên xe buýt và tại các điểm dừng. Ngoài ra, tổ công tác phối hợp cũng đã phát hiện và bắt giữ 2 vụ đối tượng có hành vi quấy rối, sàm sỡ hành khách đi xe...

sàm sỡ
Hà Nội đã bắt giữ 2 đối tượng sàm sỡ trên xe buýt (Ảnh minh họa)

Chiều 31/5, tại hội nghị Giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, đại diện Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho biết, năm 2016, đơn vị tiếp tục phối hợp có hiệu quả với các lực lượng liên ngành Thanh tra GTVT, CSGT, CSTT và CSHS để thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho hành khách đi xe buýt.

Theo đó, đơn vị đã phối hợp với phòng CSHS - CA TP Hà Nội trong việc triển khai theo dõi, quét vét các đối tượng trộm cắp, móc túi tại các điểm trung chuyển xe buýt, các đầu bến bãi, điểm nóng và trên xe buýt vào tất cả các cung giờ, đặc biệt là giờ cao điểm sáng và chiều theo kế hoạch 142 của CA TP Hà Nội.

Kết quả, trong 5 tháng đầu năm 2016, đã bắt giữ 11 vụ với 11 đối tượng trộm cắp, móc túi trên xe buýt và tại các điểm dừng. Ngoài ra, tổ công tác phối hợp cũng đã phát hiện và bắt giữ 2 vụ đối tượng có hành vi quấy rối, sàm sỡ hành khách đi xe, bước đầu tạo ra sự an tâm, môi trường an toàn cho hành khách đi xe buýt.

Theo ông Hà Huy Quang, Phó GĐ Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện tổng số phương tiện xe buýt trợ giá là 1.221 xe.

Trong đó, phương tiện lớn là 456 xe, chiếm 37%, buýt trung bình là 728 xe, chiếm 60%, buýt nhỏm 37 xe, chiếm 3%, phương tiện dưới 5 năm là 461 xe chiếm 37,7%, phương tiện từ 5 năm đến 9 năm là 492 xe, chiếm 40.2%; phương tiện trên 9 năm là 268 xe chiếm 22,1%.

Trong 6 tháng đầu năm, số vi phạm của xe buýt đã giảm 19,5% so với cùng kỳ năm 2015. Theo thống kê, 5 tháng đầu năm 2016 có gần 40 vụ vi phạm Luật Giao thông vận tải.

Cùng với đó, trong tổng số 369 biên bản bi phạm thì có 147 biên bản về lỗi doanh thu, chiếm 40% tổng số vi phạm. Ngoài ra, vẫn còn vi phạm về dừng đỗ với 66 biên bản, chiếm 18%.

Hiện tượng bỏ chuyến lượt giảm từ 480 lượt 5 tháng đầu năm 2015 xuống còn gần 364 lượt/5 tháng đầu năm 2016.

Kinh phí trợ giá cũng giám từ 1.078 tỷ đồng năm 2014, xuống 973,6 tỷ năm 2015 và dự kiến năm 2016 là 823 tỷ đồng. Tỷ lệ trợ giá/chi phí năm 2014 là 55,3%, năm 2015 giảm xuống 54% và dự kiến 6 tháng đầu năm 2016 giảm đến 50,7%.

Tiến độ xe buýt nhanh... không nhanh

Về tuyến xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa, ông Quang cho hay, theo dự kiến cuối năm nay sẽ đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, việc khó nhất chính là đường dành riêng cho tuyến này.

Cũng theo ông Quang, đây là loại hình giao thông mới, đi rất nhanh nhưng vì còn khó khăn về đường ưu tiên và vấn đề sắp xếp giao thông nên Sở đang phối hợp cùng các đơn vị tiến hành bàn bạc, báo cáo Thành phố để sớm đưa tuyến BRT vào hoạt động, dự kiến trong quý III/2016.

“Tuyến buýt BRT được duyệt quy hoạch đường ưu tiên 3,5 m, tuy nhiên khi triển khai đã nảy sinh bất cập. Nguyên tắc xe buýt nhanh là phải có đường ưu tiên. Nhưng thực tế giao thông của Hà Nội hiện nay nếu không cho các phương tiện đi vào đường ưu tiên thì rất nhiều vấn đề, đặc biệt với các đoạn có mật độ giao thông đông”, ông Quang nói.

Ông Quang cũng bác bỏ việc cho rằng xe buýt gây ùn tắc giao thông, bởi theo ông Quang, thực tế hiện nay, lượng xe buýt của Thành phố chiếm tỷ lệ nhỏ so với lượng ô tô tham gia giao thông.

“Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đề xuất với Thành phố tăng cường lượng xe buýt phục vụ hành khách” – ông Quang nói.


Ý kiến bạn đọc