(VnMedia) - Theo luật sư, đề thi bằng thơ của Trường ĐH Luật hay nhưng chưa phù hợp trên thực tiễn cuộc sống và mất đi sự trang nghiêm của ngành đào tạo pháp luật.
Vừa qua, đề thi hết học phần môn Kỹ năng chung về tư vấn pháp luật do Trung tâm tư vấn pháp luật (Trường ĐH Luật Hà Nội) đưa ra cho học viên hệ văn bằng 2 khiến nhiều người bất ngờ.
Hình ảnh đề thi của Trường ĐH Luật được chia sẻ trên mạng xã hội |
Nội dung của đề thi được tóm tắt trong bài thơ gồm 43 câu: “Hai vợ chồng anh A./ Sinh được một cậu bé/ Dễ thương và mạnh khỏe/ Nay đã 4 tuổi rồi/ Rồi một hôm đang ngồi/ Cô vợ liền tâm sự/ Anh ạ! Con vẫn bú/ Dù em hết sữa rồi/ Nó vẫn cứ nhằn thôi/ Nhiều hôm em đau quá/ Anh A. cười ha hả/ Việc đó dễ thôi mà/ Bôi chút dung dịch là/ Con ngậm cay bỏ bú...!/ Mặt trời vừa mới nhú/ A. liền mang sang/ Lọ dung dịch màu vàng/ Bôi đôi gò bồng đảo/ Hôn vợ yêu một cái/ Anh A. vội đi làm/ Anh đến thẳng cơ quan/ Làm lu bu công việc/ Một hồi sau mới biết/ Mình lấy nhầm lọ rồi/ Lọ thuốc cực độc ôi/ Con ơi, Ba có tội/ Ba đã giết con rồi/ Hốt hoảng lẫn rối bời/ Anh A. liền tức tốc/ Phóng vội xe về nhà/ Nhìn thấy từ xa xa/ Nhà đông người qua lại/ Người thì hô cấp cứu/ Kẻ bảo nó chết rồi/ Ôi ba giết con rồi/ Anh A. khuỵu trước cổng/ Như phép tiên rồi bỗng/ Đứa bé từ trong nhà/ Rẽ đám đông chạy ra/ Ôm chầm lấy người cha/ Hổn hển mách rằng là/ Chú HÀNG XÓM gần nhà/ Chết trong kia ba ạ!”.
Câu hỏi đưa ra là sinh viên hãy đặt câu hỏi và sắp xếp thành bảng hỏi để hỏi anh A, nhằm làm rõ nội dung vụ việc và làm rõ yêu cầu tư vấn của anh A…". Đề thi cho phép học viên được sử dụng tài liệu.
Đề thi ngay khi được đưa lên mạng xã hội đã khiến nhiều người bất ngờ, tò mò về đáp án.
Theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội): đề thi nói trên có nội dung và hình thức chưa từng có từ trước đến nay trong ngành đào tạo luật.
Về hình thức, đề thi được thể hiện dưới dạng bài thơ. Đây có thể coi là cách làm mới và đột phá trong cách ra đề. Nhưng về nội dung đề thi, theo quan điểm của Luật sư nó chưa phù hợp trên thực tiễn cuộc sống và mất đi sự trang nghiêm của ngành đào tạo pháp luật.
Đây là đề thi có thể nói là khó đối với học viên và nội dung đặt ra khá rộng. Để trả lời được các câu hỏi trong đề thi, trước hết học viên phải có kinh nghiệm về pháp luật và có tư duy lý luận vững chắc về cấu thành tội phạm cơ bản trong luật hình sự.
Theo dữ liệu đề thi, nguyên nhân anh hàng xóm bị tử vong chưa được làm rõ. Do vậy sẽ có nhiều giả thiết đặt ra liên quan đến cái chết của anh hàng xóm như:
1. Nguyên nhân bệnh lý: huyết áp, tim mạch, …
2. Nguyên nhân bị tai nạn do bất cẩn như: trượt chân ngã đập đầu, gẫy cổ,..
3. Nguyên nhân bị tử vong do đột nhập vào nhà chiếm đoạt tài sản khi bị phát hiện hoảng hốt ngã tử vong..
4. Nguyên nhân tử vong bị người vợ phản kháng đánh gây tử vong khi xâm hại tình dục
5. Nguyên nhân trong khi xâm hại tình dục trái ý muốn người khác bị tác động của thuốc độc trên ngực người vợ
6. Nguyên nhân trong khi giao cấu với người vợ đã bị tác động của thuốc độc trên ngực người vợ
Giả thiết trường hợp nếu có căn cứ chứng minh (Kết luận giám định của cơ quan chuyên môn) về nguyên nhân tử vong của anh hàng xóm là do tác động của chất độc trên ngực chị vợ, trong vai trò là người tư vấn pháp luật, luật sư Nguyễn Ánh Thơm khẳng định: Hành vi của anh A không có dấu hiệu tội phạm.
Nếu là người tư vấn pháp luật, Luật sư sẽ đưa ra quan điểm bảo vệ quyền lợi cho anh A như sau:
Hành vi của anh A không có dấu hiệu tội phạm trong vụ việc này.
Căn cứ vào dữ liệu đề thi, nguyên nhân chết của anh hàng xóm có liên quan đến thuốc độc do anh A bôi lên ngực người vợ. Hành vi của A là vô ý do cẩu thả nên lấy nhầm lọ thuốc độc mà đáng lẽ ra A đã lấy lọ dung dịch màu vàng (không phải là loại thuốc độc) để nhằm không cho con bú (cai sữa). Như vậy, xác định về yếu tố lỗi của anh A trong vụ việc này là lỗi vô ý do cẩu thả. Để xem xét trách nhiệm của A có dấu hiệu của Tội vô ý làm chết người theo Điều 98 BLHS 1999 hay không chúng ta căn cứ:
Điều 10 BLHS 1999 qui định: Vô ý phạm tội
“Vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
1. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xẩy ra hoặc có thể ngăn ngừa được;
2. Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó”
Lỗi vô ý do cẩu thả là lỗi quy định tại Khoản 2 Điều 10 Bộ luật hình sự 1999, là lỗi trong trường hợp người phạm tội đã gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội nhưng do cẩu thả nên không thấy trước được khả năng gây ra hậu quả đó mặc dù điều kiện khách quan buộc họ phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Như vậy, trong vụ việc này A do cẩu thả lấy nhầm lọ thuốc độc nên không thấy trước được hậu quả gây ra mặc dù điều kiện khách quan buộc A phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó . Thực tế điều luật buộc A thấy trước hoặc có thể thấy trước hậu quả chết người xảy ra chỉ đối với cậu con trai hoặc đối với người vợ mà thôi. Anh hàng xóm sang nhà tác động vào thuốc bôi trên ngực người vợ là sự kiện khách quan nằm ngoài ý chí chủ quan của A và A không thể biết trước được khi đi làm.
Nếu hậu quả cậu con trai hoặc người vợ bị tử vong do A vô ý bôi nhầm thuốc độc thì A sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vô ý làm chết người theo Điều 98 BLHS 1999.
Mặt khác, cái chết của anh hàng xóm không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi A bôi nhầm thuốc độc vào ngực vợ để không cho con bú nhằm mục đích cai sữa với hậu quả là hàng xóm bị tử vong do tác động vào ngực người vợ. Mối quan hệ nhân quả chỉ phát sinh nếu cậu con trai 04 tuổi (hoặc người mẹ) bị tử vong do A bôi nhầm lọ thuốc độc lên ngực vợ.
Từ những căn cứ nêu trên, theo quan điểm của Luật sư hành vi của anh A trong vụ việc này không thỏa mãn yếu tố lỗi, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả theo qui định của Bộ luật hình sự nên A không có dấu hiệu phạm tội.
Ý kiến bạn đọc