Đó là phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2016).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi gặp mặt diễn ra chiều qua, 21/6.
|
|
Chiều ngày 21/6/2016, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức buổi gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2016). Tới dự và chủ trì buổi gặp mặt có ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; ông Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân dân.
Về phía Bộ TT&TT có ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT; nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT: ông Nguyễn Bắc Son, ông Lê Doãn Hợp; các Thứ trưởng Bộ TT&TT; nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT phụ trách công tác báo chí; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT; cùng các Ủy viên Trung ương Đảng, các nhà báo lão thành và đông đảo lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trên toàn quốc.
Báo chí luôn giữ vững bản chất cách mạng
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã ôn lại truyền thống 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2016). Cách đây 91 năm, sự ra đời của báo Thanh Niên đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam mang tính chiến đấu, gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu tại buổi gặp mặt |
|
Nhìn lại quá trình ra đời và phát triển 91 năm qua, báo chí Việt Nam đã có bước trưởng thành vượt bậc cả về số lượng, nội dung, hình thức và chất lượng thông tin. Đội ngũ những người làm báo giỏi về nghiệp vụ, vững về chính trị, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng đang tiếp bước cha anh phát huy truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam. Ôn lại truyền thống báo chí cách mạng, chúng ta tự hào vì ngày nay những người cầm bút vẫn là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, vì cuộc sống của nhân dân.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: Trong những năm qua, nhất là năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, báo chí đã tích cực tuyên truyền có hiệu quả về các sự kiện quan trọng của đất nước, như: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; bầu cử Quốc hội khóa XIV, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo; ổn định dư luận xã hội liên quan sự cố môi trường ở các tỉnh miền Trung.
Cùng với việc làm tốt công tác tuyên truyền, công tác xây dựng pháp luật, chính sách được chú trọng. Luật Báo chí năm 2016 được Quốc hội thông qua tạo hành lang pháp lý thông thoáng, rõ ràng, giúp báo chí phát triển lành mạnh. Quy hoạch báo chí là một chủ trương lớn trong phát triển sự nghiệp báo chí đã có tác động lớn tới sự phát triển của báo chí, giúp tinh gọn hệ thống báo chí, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để làm tốt hơn công tác tuyên truyền.
Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện xử lý các sai phạm trong hoạt động báo chí đã được tập trung, đẩy mạnh có tác dụng lập lại trật tự kỷ cương thông tin.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên được Bộ quan tâm chỉ đạo. Đến nay, đã có hàng ngàn phóng viên, biên tập viên được đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề báo, tiếp cận với phương pháp làm báo hiện đại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa các cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí |
|
Bộ trưởng cũng lưu ý, trong bối cảnh hiện nay, nhất là trước những tác động bởi mặt trái của truyền thông xã hội, báo chí cần giữ vững và phát huy hơn nữa bản chất cách mạng, là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Báo chí phải tham gia tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng và mục tiêu phấn đấu của Đảng và nhân dân ta, đồng hành cùng Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí và phát huy vai trò của báo chí cách mạng là yêu cầu khách quan, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Hiện nay, báo chí của chúng ta đang còn gặp nhiều khó khăn, đang phải đối mặt với những thách thức trong kỷ nguyên số, song với truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng, các cơ quan báo chí, các nhà báo của chúng ta sẽ vượt qua thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao phó, đưa sự nghiệp báo chí nước ta ngày càng phát triển, xứng đáng với niềm tin và sự gửi gắm của nhân dân - Bộ trưởng tin tưởng.
Báo chí làm tốt sứ mệnh đối với xã hội
Phát biểu chỉ đạo tại buổi gặp mặt, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao báo chí cách mạng Việt Nam đã lớn mạnh vượt bậc và có đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng, của dân tộc.
Báo chí là công cụ tuyên truyền bảo vệ lợi ích của dân tộc, của nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Báo chí phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang đã làm tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách pháp luật, sự lãnh đạo, quản lý điều hành của Đảng, Nhà nước; phản ánh mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở trong nước và quốc tế; tăng cường truyền thông về nhân tố mới, mô hình mới, cách làm hay, biểu dương người tốt, việc tốt; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch; góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, tích cực tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nạn suy thoái đạo đức, lối sống; góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam |
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho các nhà báo lão thành |
|
Thủ tướng nhắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người được tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Khi mọi người phát biểu ý kiến đã tìm thấy chân lý lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì? Là vì Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải là chân lý. Ra sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân tức là phục vụ chân lý..”.
Thủ tướng yêu cầu, mỗi nhà báo và toàn ngành Thông tin và Truyền thông thực hiện đúng lời dạy của Bác hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và chân lý. Mỗi người chúng ta đề cao trách nhiệm và sứ mệnh của mình đối với xã hội, nghĩa vụ của công dân đối với đất nước, không ngừng rèn luyện phấn đấu, nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ vững đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.
Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu báo chí làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục phát huy thành quả của báo chí đóng góp trong suốt chiều dài lịch sử của báo chí cách mạng Việt Nam; khắc phục những hạn chế, tồn tại của báo chí; tiếp tục tuyên truyền có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; những gương điển hình người tốt, việc tốt, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong Đảng và trong toàn xã hội.
Thứ hai, có chiến lược thông tin nhanh nhạy, chính xác, khách quan, trung thực, vừa là kênh phổ biến, vừa là kênh phản biện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; vừa tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của người dân, vừa góp phần giám sát đối với hoạt động của cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể nhằm tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Báo chí của chúng ta là báo chí cách mạng, mỗi nhà báo là một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa, phải là lực lượng nòng cốt trong việc đấu tranh chống các thế lực phản động, thù địch; tích cực đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Chủ động thông tin, bác bỏ những nội dung bôi nhọ, bịa đặt, vu khống, gây chia rẽ nội bộ, mất đoàn kết trong Đảng và toàn xã hội.
Thứ ba, các cơ quan chủ quản, các đồng chí lãnh đạo các cơ quan báo chí thường xuyên quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo có phẩm chất chính trị vững vàng, có chuyên môn cao, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Báo chí cách mạng phải làm tốt chức năng định hướng hướng người dân vào giá trị Chân - Thiện - Mỹ, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Song hành với việc khen thưởng kịp thời cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, sai phạm trong hoạt động báo chí, cần tích cực triển khai đưa Luật Báo chí 2016 vào cuộc sống. Đồng thời thực hiện nghiêm túc chủ trương của Trung ương Đảng về Quy hoạch báo chí.
Thứ tư, báo chí cần làm tốt công tác tuyên truyền phản biện các hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính các cấp, cùng chung tay xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, xây dựng Chính phủ, bộ máy hành chính các cấp liêm chính, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, tập trung vào cải cách thủ tục hành chính để phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.
Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập một số cơ quan báo chí chia sẻ những tâm tư, suy nghĩ của mình với người đứng đầu của Chính phủ nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Thay mặt cơ quan chủ trì buổi gặp mặt, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã trân trọng tiếp thu những ý kiến phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giúp cho báo chí nước nhà ngày càng phát triển.
(Theo Mic.gov.vn)
Ý kiến bạn đọc