(VnMedia) -
Bến xe Lương Yên không nằm trong quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chính vì vậy, việc di dời bến xe này để tránh việc ùn tắc giao thông tại khu vực đường Nguyễn Khoái đang là vấn đề cấp bách.
Bến xe Lương Yên |
Bến xe là điểm đỗ cho phương tiện thực hiện hoạt động vận tải (đón - trả hành khách và hàng hóa) và là đầu mối chuyển tiếp nhu cầu vận tải đối ngoại, nội thị, địa điểm cố định được chính quyền cho phép, tuân thủ sự quản lý của Nhà nước và địa phương (nơi xuất phát và kết thúc).
Hà Nội dù đã mở rộng với diện tích 3.348,5km2, nhưng hiện cũng chỉ hơn 10 bến xe khách liên tỉnh hoạt động gồm bến xe Phía Nam, Mỹ Đình, Gia Lâm, Nước Ngầm, Lương Yên, Yên Nghĩa, Sơn Tây, Đan Phượng, Thường Tín, Chúc Sơn, Hoài Đức. Với diện tích, dân số lớn như vậy mà chỉ có hơn 10 bến xe là quá thiếu.
Tuy nhiên, điều đáng nói là những bến xe này hiện được quy hoạch khá lộn xộn, chưa có một quy chuẩn nào.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, hiện nay các bến xe tại Hà Nội đang được quy hoạch không khoa học và thiếu đầu tư quy hoạch lâu dài, nên vẫn khập khễnh, chắp vá, đặt doanh nghiệp vận tải và người dân trước nhiều vấn đề phiền hà.
"Tôi có thể nói là quy hoạch các bến xe tại Hà Nội hiện nay đang được thực hiện theo kiểu giật gấu vá vai, thiếu tư duy khoa học", ông Liên nói.
Thực tế, hiện nay, một số bến xe được đầu tư bài bản, hiện đại nhưng công suất khai thác lại không đạt như mong muốn. Ví dụ, bến xe Yên Nghĩa được đầu tư bài bản, hiện đại nhưng vẫn vắng khách.
Ngoài ra, nhiều bến xe được “xã hội hóa”, bị bó buộc bởi mặt bằng hạn hẹp nên việc đầu tư mở rộng là bất khả thi.
Có thể kể đến ví dụ điển hình nhất là bến xe Lương Yên (Hà Nội). Bến xe Lương Yên nằm trên đường Nguyễn Khoái, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Vốn là một nhà máy xay xát lương thực, nhưng theo chủ trương quy hoạch của Hà Nội, việc duy trì một nhà máy như vậy tại khu đông dân cư ở Hà Nội là không phù hợp. Các hoạt động tại đây đã gây ra tình trạng ô nhiễm, ồn ào, nhếch nhác. Nhà máy xay xát đã phải dừng hoạt động.
Năm 2004, nhằm giải quyết tình trạng lao động dôi dư và để tận dụng quỹ đất trống, Công ty Lương thực cấp 1 Lương Yên (nay là Công ty TNHH MTV Lương thực Lương Yên) đã đề xuất Hà Nội tạm thời quy hoạch khu đất này thành bến xe khách với diện tích 10.200 m2, nhưng sẽ chỉ là một bến xe hoạt động tạm thời để giải quyết các vấn đề trước mắt.
Đến năm 2011, do nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại bến xe Lương Yên, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc đề nghị Sở GTVT Hà Nội sắp xếp lại các tuyến giao thông ra vào bến xe Lương Yên trên phần diện tích 5.576 m2 phía Bắc bến xe Lương Yên trong giai đoạn Tổng công ty triển khai xây dựng khu tổ hợp công trình cao tầng ở khu vực phía Nam bến xe. Sở GTVT Hà Nội đã chấp thuận phương án này, thu hẹp lại diện tích sử dụng bến xe Lương Yên, cho phép bến xe tiếp tục hoạt động tạm thời cho đến năm 2013.
Năm 2013, sau gần 10 năm hoạt động trong tình trạng tạm bợ, bến xe Lương Yên nhận được kiến nghị dừng hoạt động. Tuy nhiên, do đề xuất của Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng như của các doanh nghiệp đang khai thác, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định gia hạn thời gian hoạt động của bến xe này cho đến tháng 7 năm 2016.
Trong quyết định số 1593/QĐ-SGTVT ra ngày 29/7, bến xe khách Lương Yên tiếp tục được gia hạn thêm 3 năm nữa nhưng sẽ phải chấm dứt mọi hoạt động vào ngày 26/7/2016.
Hai tháng trước thời điểm bến xe Lương Yên chấm dứt hoạt động, Công ty TNHH Một thành viên Lương thực Lương Yên – đơn vị đang quản lý khu đất, đã gửi văn bản kiến nghị Sở GTVT Hà Nội phải đưa ra phương án di dời bến xe này trước ngày 26/7, để bàn giao lại khu đất cho đơn vị.
Sau nhiều lần gia hạn dừng hoạt động, bến xe Lương Yên đang ngày càng xuống cấp bởi tình trạng nhếch nhác, tạm bợ, gây ùn tắc giao thông và làm xấu bộ mặt Thủ đô.
Mới đây, theo quy hoạch GT-VT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bến xe Lương Yên không nằm trong danh mục các bến xe được nâng cấp, cải tạo để tiếp tục chủ trương chỉnh trang đô thị mang lại không gian xanh sạch, văn minh cho Thủ đô.
Gây ùn tắc giao thông
Theo nhiều người dân sống quanh khu vực đường Nguyễn Khoái, việc tồn tại bến xe Lương Yên tại khu vực này nhiều năm nay đã gây nên tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng, nhất là vào giờ cao điểm.
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng cho rằng, việc ùn tắc trên đoạn đường gần bến xe Lương Yên cũng là 1 vấn đề. Bởi lẽ các phương tiện lưu thông trên đường Nguyễn Khoái khá nhiều, trên là cầu Chương Dương, dưới là cầu Vĩnh Tuy, vì thế gây khó khăn cho mật độ giao thông tại khu vực này.
Theo đại diện Công ty Lương thực Lương Yên, năm 2004, theo đề nghị của Công ty Lương thực cấp 1 Lương Yên (nay là Công ty lương thực Lương Yên), bến xe khách Lương Yên với diện tích 10.200 m2 được đưa vào khai thác, trong thời điểm các bến xe trên địa bàn thành phố Hà Nội còn thiếu, đã đáp ứng được một phần nhu cầu đi lại của người dân.
Tuy nhiên, theo đánh giá, bến xe Lương Yên nằm trên trục đường Nguyễn Khoái, cũng như đường Trần Khát Chân vừa được thông xe nối với Nguyễn Khoái nên thường xuyên gây ùn tắc, đặc biệt trong khung giờ cao điểm. Trong khi đó, theo Quyết định 1593/QĐ-SGTVT ngày 29/7/2013 của Sở GTVT Hà Nội thì ngày 26/7 tới đây, bến xe Lương Yên sẽ hết hiệu lực hoạt động. Do vậy, Công ty Lương thực Lương Yên đề nghị Sở GTVT Hà Nội di dời hoạt động của bến xe Lương Yên sang các bến xe khác trên địa bàn thành phố trước thời điểm nói trên.
Để di dời hoạt động của bến xe Lương Yên, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở dự kiến xây dựng 2 phương án di dời xe khách sang các bến xe khác trên địa bàn Hà Nội.
Phương án 1, sẽ điều chuyển các tuyến xe, phương tiện đang hoạt động tại bến xe Lương Yên về các bến xe còn khả năng tiếp nhận trên địa bàn thành phố.
“Phương án này có ưu điểm là góp phần giảm ùn ứ giao thông trên trục đường Nguyễn Khoái. Tuy nhiên, nhược điểm là sẽ làm xáo trộn nhu cầu đi lại của nhân dân trong một thời gian, tăng ùn ứ giao thông tại các bến xe tiếp nhận các tuyến và phương tiện từ bến xe Lương Yên chuyển sang, và đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của đơn vị vận tải đang hoạt động tại bến xe này”, ông Linh nhìn nhận.
Phương án 2, Sở GTVT Hà Nội tính toán đến việc điều chuyển toàn bộ luồng tuyến và phương tiện từ bến xe Lương Yên sang sau khi bến xe khách Cổ Bi (Gia Lâm) đủ điều kiện tiếp nhận. Nếu lựa chọn phương án này thì việc thực hiện các thủ tục pháp lý đơn giản hơn so với phương án 1 và ít ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị vận tải vì điều chuyển nguyên trạng sang bến xe mới. Nhưng để làm được thì còn phụ thuộc vào tiến độ đầu tư xây dựng bến xe Cổ Bi của Tổng công ty vận tải Hà Nội.
Còn theo ông Bùi Danh Liên, để thuận tiện cho nhu cầu đi lại của người dân, nếu có thể, Thành phố nên dành quỹ đất ở khu vực cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy để di dời bến xe này, bởi lẽ đây là khu vực có đường cao tốc và đường năm nên rất thuận tiện cho giao thông đi lại của người dân.
Ý kiến bạn đọc