(VnMedia) - Hội đồng bầu cử quốc gia đã chỉ đạo Ủy ban bầu cử các cấp tiếp đặc biệt lưu ý việc hướng dẫn cử tri thực hiện đúng nguyên tắc và trình tự, cách thức bỏ phiếu; cử tri không được bầu cử hộ, bầu cử thay cho cử tri khác...
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tại buổi họp báo |
Chiều 20/5, thông tin tại buổi họp báo về công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong thời gian qua, Hội đồng bầu cử đã tiếp nhận được nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Trong những đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, có nhiều đơn, thư không liên quan đến cuộc bầu cử; có nhiều đơn, thư nặc danh, nội dung không rõ ràng và trùng lặp, một số trường hợp lợi dụng dịp bầu cử để khiếu nại, khiếu kiện những vấn đề đã khiếu kiện trước đây đã được giải quyết.
Theo ông Phúc, hầu hết các đơn, thư khiếu nại, tố cáo đã được nghiên cứu, xem xét chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền, các tổ chức bầu cử xem xét, giải quyết. Trình tự xem xét, giải quyết được thực hiện đúng quy trình, thủ tục của pháp luật về bầu cử. Đến nay, Hội đồng bầu cử quốc gia không nhận được đơn thư kiến nghị nào về việc không đồng ý với kết luận trả lời của Ủy ban bầu cử của tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp sau ngày 12/5/2016 mà vẫn còn có đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử thì Hội đồng bầu cử quốc gia cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức phụ trách bầu cử phải thông báo cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị biết về việc ngừng giải quyết 10 ngày trước ngày bầu cử (Điều 61 Luật bầu cử), đồng thời tiếp tục nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Về công tác bảo vệ an ninh trật tự, bước vào giai đoạn này, công tác bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội trong cuộc bầu cử được hết sức chú trọng. Càng gần đến ngày bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai các phương án, tăng cường bảo đảm công tác an ninh, trật tự, an toàn cho ngày bầu cử.
Các cơ quan được giao nhiệm vụ đã triển khai lực lượng nắm địa bàn, theo sát tình hình ở địa phương, chủ động rà soát, tham mưu giải quyết những vấn đề phức tạp về an ninh, chú trọng an ninh trật tự, an toàn ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng giáp biên giới; thực hiện các biện pháp đấu tranh, phòng chống âm mưu phá hoại cuộc bầu cử để đảm bảo an toàn tuyệt đối trước, trong và sau ngày bầu cử.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Hội đồng bầu cử quốc gia đã chỉ đạo Ủy ban bầu cử các cấp tiếp tục tập huấn nghiệp vụ cho các tổ bầu cử, trong đó đặc biệt lưu ý việc hướng dẫn cử tri thực hiện đúng nguyên tắc và trình tự, cách thức bỏ phiếu; cử tri không được bầu cử hộ, bầu cử thay cho cử tri khác.
“Bầu cử là quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc thực hiện trách nhiệm đối với nhà nước và xã hội, để người khác bầu thay lại bầu theo tiêu chí của người ta, không nên để bầu hộ bầu thay” - ông Nguyễn Hạnh Phúc giải thích.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, ngay sau khi hoàn tất việc kiểm phiếu và xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội, chậm nhất là 20 ngày sau bầu cử, Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố gửi biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội kèm theo danh sách những người trúng cử và các loại tài liệu khác có liên quan gửi về Hội đồng bầu cử quốc gia để lập biên bản tổng kết và công bố danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội trong cả nước.
Căn cứ kết quả tổng kết bầu cử đại biểu Quốc hội, kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến người trúng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia tiến hành xác nhận tư cách người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV cho người trúng cử vào báo cáo Quốc hội khóa mới về kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc một số nhà mạng chặn tin nhắn có chữ “bầu” trong những ngày gần đây, ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết cho đến nay, ông chưa nhận được thông tin này và sẽ cho kiểm tra ngay.
Phóng viên báo điện tử VnEconomy có nêu ra một vấn đề là đơn vị bầu cử số 2 tại tỉnh Yên Bái, trong 5 người thì có 3 chị là nông dân và đều là 9X, trong đó có 2 chị cùng một thôn. “Xin được hỏi là trong trường hợp cả 3 nông dân này đều trúng cử thì ông bình luận gì về việc trong 500 đại biểu Quốc hội của cả nước mà có tới 2 nông dân tại cùng một địa phương, ở cùng một thôn?” - phóng viên đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, ông Trần Văn Túy, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia cho biết: “Không thể đòi hỏi được tất cả các ứng viên có trình độ ngang nhau, đến giờ phút này vẫn là quyền lựa chọn của cử tri."
Với câu hỏi rằng làm thế nào để có thể giám sát được những lời hứa mà các ứng cử viên đã đưa ra trong Chương trình hành động của mình, mà theo phóng viên là "nếu thực hiện được thì đất nước chúng ta sẽ sớm vượt qua mọi khó khăn", ông Nguyễn Hạnh Phúc nói: ”Anh hứa trước cử tri, cử tri sẽ giám sát việc này. Đó là quyền của cử tri”.
Ý kiến bạn đọc