(VnMedia)- Để có thể tận thu phí của người dân dù có đi qua phạm vi phải thu phí hay không, vị giám đốc công ty công khai mắng dân ngu và tham. Lời xin lỗi sau đó dù được phát đi, nhưng, đơn vị thu phí vẫn tiếp tục thực hiện việc thu tiền của dân. "Nén bạc" đã được chọn để "đâm toạc" vào những người dân...
Những ngày gần đây, người dân và cả lãnh đạo thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) như “ngồi trên lửa” khi chứng kiến trạm thu phí (TTP) BOT án ngữ ngay đầu phía Bắc hầm đường bộ Hải Vân sắp hoàn thành, đưa vào khai thác. TTP này lập ra nhằm thu phí cho 2 hầm đường bộ Phú Gia và Phước Tượng cách thị trấn Lăng Cô trên 10 km về phía Bắc.
Điều bất ổn là khi TTP đi vào khai thác, mọi phương tiện làm ăn của người dân Lăng Cô ra vào Đà Nẵng (dù không qua 2 hầm đường bộ Phú Gia, Phước Tượng) đều phải mua phí qua trạm với mức thấp nhất (dự kiến) là 35.000 đồng/lượt. Cùng với đó, ô tô di chuyển từ Đà Nẵng ra, chỉ dừng lại Lăng Cô nghỉ ngơi (không qua hầm Phú Gia và hầm Phước Tượng) cũng phải mua phí.
Sự ra đời của TTP BOT Phú Gia, Phước Tượng khiến mật độ TTP BOT trên tuyến QL 1A từ Đà Nẵng đến Huế thêm dày đặc. Theo Quy định thì khoảng cách giữa các TTP là 70 km. Nhưng 100 km từ TP Đà Nẵng đến TP Huế có cùng lúc 3 TTP BOT là TTP đường tránh Hòa Phước (phía Nam Đà Nẵng), TTP hầm đường bộ Phú Gia và Phước Tượng (phía Bắc hầm đường bộ Hải Vân) và TTP Phú Bài (phía Nam TP Huế). Để qua 3 trạm thu phí nói trên, một ô tô 5 chỗ ngồi sẽ phải bỏ ra ngót 200.000 đồng mua vé cho cả 2 lượt đi về.
Điều nghịch lý hơn, khi người dân phản ánh về việc thu phí không đúng và dày đặc này, ông Phạm Công Hưng - Tổng Giám đốc Công ty CP Phước Tượng - Phú Gia đã chửi dân "ngu và tham". Phát ngôn thiếu tôn trọng người dân và không đúng mực này sau đó được chính ông Nguyễn Công Hưng rút lại, xin lỗi người dân. Trong lời xin lỗi của mình, ông Nguyễn Công Hưng cũng cho biết việc đầu tư xây dựng công trình là nhằm mục đích để người dân, doanh nghiệp có đường tốt để đi, giảm tai nạn giao thông, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Đối với kiến nghị của người dân Thị trấn Lăng Cô về vị trí lắp đặt trạm thu phí chưa hợp lý, ông Hưng cho biết: "Vị trí lắp đặt trạm thu phí cũng như thời gian thu phí, mức phí đều đã được các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương khảo sát, kiểm tra, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật". Tuy nhiên, ông Hưng cho biết chủ đầu tư sẽ ghi nhận những ý kiến đóng góp của người dân địa phương sống gần khu vực trạm thu phí để tiến hành rà soát lại.
"Nếu các phản ánh là hợp lý chúng tôi sẽ đề xuất các cơ quan chức năng phương án thu phí đảm bảo hài hòa lợi ích cho người dân, Nhà nước và doanh nghiệp".
Tuy nhiên, phát ngôn này dường như chỉ nói ra cho vui và chỉ nhằm mục đích xoa dịu tạm thời đối với người dân ở đây. Đến thời điểm hiện tại, TTP Phú Gia - Phước Tượng đang vào giai đoạn hoàn thiện. Để ngăn sự phản đối của người dân, phía Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp để bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Biện pháp tạm thời trước mắt là 107 phương tiện xe khách, xe tải và xe ô tô con của các cá nhân và tổ chức ở thị trấn Lăng Cô khi đi qua trạm sẽ không phải đóng phí. Tuy nhiên, động thái này của các cơ quan nêu trên mới chỉ giải quyết được một phần vấn đề, bởi thực tế hàng ngày còn có lượng lớn người dân, doanh nghiệp ở TP. Đà Nẵng có phương tiện là ôtô thường xuyên qua về giữa thị trấn Lăng Cô và TP. Đà Nẵng không lưu thông thông qua hầm Phước Tượng- Phú Gia.
Theo thống kê, một ô tô muốn lăn bánh trên đường phải qua đủ “cửa ải” thuế, phí gồm thuế nhập khẩu linh kiện với xe lắp ráp trong nước (doanh nghiệp đóng, tính vào giá xe): 10 – 30% (hoặc thuế nhập khẩu nguyên chiếc - đơn vị nhập khẩu đóng, tính vào giá xe: 50 – 70% tùy loại); thuế tiêu thụ đặc biệt: 40-60%, tùy theo dung tích xe; thuế giá trị gia tăng (VAT): 10%; thuế thu nhập doanh nghiệp (doanh nghiệp đóng, tính vào giá xe): 22%. Để tham gia giao thông, ô tô phải đóng phí trước bạ: 10 – 15% (tùy địa phương); phí cấp biển số: 2 – 20 triệu đồng (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh); phí đăng kiểm: 240.000 đồng – 560.000 đồng (một lần kiểm định); phí cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật: 50.000 đồng – 100.000 đồng (một lần cấp).
Trong các khoản phí phải nộp; phí sử dụng đường bộ (có 2 loại phí sử dụng đường bộ, là phí thu qua trạm thu phí BOT để hoàn vốn xây dựng các công trình giao thông khi ô tô lưu hành qua, và phí bảo trì đường bộ với mức 130.000 đồng đến 1.430.000 đồng/ tháng tùy theo tải trọng xe); phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự; phí bảo hiểm vật chất (không bắt buộc); phí xăng dầu; phí thử nghiệm khí thải; phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu; phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng.
Tổng cộng có tất cả 4 khoản thuế và hơn một chục khoản phí cho xe lăn bánh. Ô tô tham gia giao thông nếu không mua phí đường bộ theo quy định tại Thông tư 186/2013/TT-BTC ngày 5/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý phí, lệ phí sẽ phải chịu mức phạt lên đến 50 triệu đồng.
“Gồng gánh” đủ mọi khoản thuế - phí và đã đóng đủ phí bảo trì đường bộ nhưng mọi ô tô đều không thể lọt qua TTP nếu không bỏ tiền mua vé. Việc đặt TTP ở những nơi vô cùng bất hợp lý và tăng mức phí của các doanh nghiệp BOT không chỉ được giới chuyên môn nhìn nhận thiếu minh bạch, gây xáo trộn đời sống, sinh kế của cộng đồng dân cư (quanh khu vực đặt TTP) mà trên thực tế đã đặt các doanh nghiệp vận tải trước một tương lai không sáng sủa. Trong số trên 20.000 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm dừng hoạt động trong quý I-2016 (theo Tổng cục Thống kê), có rất nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh doanh vận tải đường bộ.
Bất hợp lý từ vị trí đặt TTP BOT Phú Gia, Phước Tượng thêm một lần nữa khiến dư luận hoài nghi về tính minh bạch của các TTP BOT đường bộ. Theo thống kê, cả nước có 96 TTP BOT đã, đang và sẽ đi vào hoạt động. Mọi TTP BOT đều tìm cách này hay cách khác để “tận thu”. Việc tận thu không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh vận tải mà còn gây xáo trộn, bất an ở khu vực dân cư nơi đặt TTP.
Đã có nhiều biện pháp tiêu cực được các lái xe, người dân chọn lựa để phản đối các TTP như dân quây TTP để phản đối chủ đầu tư, không chỉ đỗ xe ở các làn đường, nhiều người còn đứng ở các điểm bán vé để chặn phương tiện qua lại, ngăn cản nhân viên trạm làm việc. Điều này khiến phương tiện ùn ứ kéo dài... Đành rằng, khi đi trên những con đường chất lượng cao mà không phải do ngân sách nhà nước đầu tư thì phải nộp phí cho các nhà đầu tư đã bỏ tiền ra xây dựng, nâng cấp các tuyến đường này, nhưng để nghĩ cách lấy tiền của người dân, mà chủ đầu tư của TTP Phú Gia- Phước Tượng còn xin thu phí bên ngoài phạm vi dự án, thu phí của cả những người không đi qua hầm mà doanh nghiệp này bỏ tiền đầu tư quả là cách chọn "bạc", " đâm toạc" vào người dân...
Ý kiến bạn đọc