(VnMedia) - Một mình câm nín chịu đựng sự hành hạ dã man của chồng mà không có sự vào cuộc của chính quyền, pháp luật, khiến có người đã tự tử, có người mang theo cả những đứa con sang thế giới bên kia và nay, một người cha vợ đã chém chết con rể…
Điều gì đã khiến một người cha sẵn sàng "mạng đổi mạng", giết chết con rể? |
Hai ngày qua, mạng xã hội đã rúng động chia sẻ hình ảnh và tin tức về một người cha vợ chém chết con rể bằng những nhát dao oan nghiệt, sau đó vắt xác lên xe máy chở đến đồn công an tự thú. Vụ việc là một tiếng chuông mạnh mẽ, đau đớn về thực trạng bạo hành phụ nữ, vẫn đang xảy ra hàng ngày trên khắp đất nước, từ nông thôn đến thành thị, từ những người chồng ít học cho đến cả những người đã làm “ông nọ bà kia”…
Mỗi ngày, tin tức về những vụ bạo hành phụ nữ vẫn dồn dập trên báo. Không chỉ đơn thuần là đánh chửi vợ, có kẻ còn đốt chết cả vợ con; có kẻ cắt gân tay chân vợ; có kẻ dắt nhân tình về ngủ, bắt vợ nằm bên cạnh chứng kiến...
Đa số những người vợ bị bạo hành đã nín nhịn, hoặc được khuyên hãy nín nhịn vì “một điều nhịn là chín điều lành”, vì “xấu chàng hổ ai”…; Rồi có người bị đuổi ra khỏi nhà với 2 bàn tay trắng; Có người dứt ruột bỏ con ở lại để chạy trốn một mình; Có người không có cơ hội bỏ đi, bị giữ lại để tiếp tục chịu đựng sự hành hạ; Có người chịu đựng mãi sinh ra thù hận tới mức cuối cùng đã ra giết chết chồng...
Cũng có người sáng suốt hơn, dũng cảm hơn, quyết tâm ly hôn hoặc chí ít thì ly thân bằng cách về nhà cha mẹ đẻ, nhưng những kẻ vũ phu cũng không buông tha, vẫn tiếp tục bám theo hành hạ, làm nhục và vụ việc người cha vợ chém chết con rể mới đây là một ví dụ.
Từng có những lời kêu gọi “im lặng là chết đấy” để động viên những người phụ nữ bị bạo hành hãy lên tiếng, không nên tiếp tục im lặng chịu đựng sự hành hạ. Đây quả là một ý kiến hay, tuy nhiên, không phải lúc nào sự lên tiếng của họ cũng đem đến kết quả tốt đẹp.
Nếu tìm kiếm trên mạng, người ta cũng có thể thấy hàng loạt vụ: Con rể giết mẹ vợ, con rể giết bố vợ, con rể giết vợ và cha vợ, con rể giết vợ rồi truy sát mẹ vợ, vv và vv… Đó đều là những vụ mà người vợ do không còn chịu đựng được cuộc sống địa ngục nữa đã bỏ về tìm chốn nương thân nơi cha mẹ đẻ, nhưng kết cục thì không chỉ họ mà có trường hợp, cả gia đình họ đã bị rơi vào vòng oan nghiệt. Đã từng có trường hợp con rể cầm chầy đập chết cả nhà bố vợ.
Cho dù chọn cách nào trong số những cách ở trên thì đại đa số, người phụ nữ sẽ phải chịu đựng sự bất hạnh. Như với trường hợp này, giờ đây người phụ nữ ở vào cảnh chồng chết, cha ruột mắc trọng tội.
Nhiều người đặt câu hỏi: “Chính quyền ở đâu, luật pháp ở đâu khi những người phụ nữ phải chịu đựng sự bạo hành như thế này, hàng ngày, trước mắt tất cả mọi người và cuối cùng thì đi đến con đường “tự xử” như vậy?"
Việt Nam đã có Luật phòng chống bạo lực gia đình với nhiều điều khoản khá chặt chẽ, tuy nhiên, trên thực tế, những quy định này hầu như không được áp dụng, chỉ đến khi xảy ra những vụ án đau lòng thì lúc đó đều đã quá muộn.
Điều đáng nói nhất vẫn là việc thực thi pháp luật ở địa phương. Như trong vụ việc người cha giết con rể nói trên thì một số thông tin cho biết, người chồng do ghen tuông nên đã từng nhiều lần đánh vợ.
Mặc dù luật đã quy định “Nạn nhân bạo lực gia đình được bảo vệ, giúp đỡ kịp thời phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của họ và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, người cao tuổi, người tàn tật và phụ nữ...”, tuy nhiên, trao đổi với VnMedia, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá cho rằng, luật đã có đủ nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống, nhất là ở các địa phương, do chưa được thực hiện “đến nơi đến chốn”, khiến người dân chưa thể tin tưởng mà tìm đến.
“Luật phòng chống bạo lực, bình đẳng giới… đã ban hành nhưng hình như ở các địa phương, luật chưa thực sự đi vào cuộc sống. Chính quyền thì không vào cuộc, hàng xóm thì bàng quan” - bà Khá nói.
Đặc biệt, vị đại biểu Quốc hội cho rằng, khi có các vụ việc nghiêm trọng về bạo lực gia đình xảy ra ở địa phương thì chưa từng có vụ việc quy được trách nhiệm cho cá nhân mà chỉ có trách nhiệm tập thể, trách nhiệm chung chung.
Còn theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới – gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), để xảy ra những vụ việc đáng tiếc như vậy là do hệ thống dịch vụ hỗ trợ các vấn đề gia đình, trong đó có vấn đề phụ nữ và bạo lực chưa sẵn có mặc dù đã có luật. Ngoài ra, luật/kỹ năng hỗ trợ nạn nhân bạo lực/kỹ năng thoát hiểm, xử lý vấn đề chưa đến với người dân. Do người dân chưa có niềm tin vào hệ thống thực thi pháp luật - nên mọi việc đều "tự xử".
Theo bà Vân Anh, để khắc phục tình trạng này, những nhà quản lý cần rà soát lại hệ thống thực thi luật, có các phương pháp/chế tài để đem luật/kỹ năng xử lý vấn đề khi có mâu thuẫn đến với dân.
“Tôi muốn gửi lời nhắn cho hệ thống can thiệp, thực thi luật tại tất cả các địa phương, rằng đừng thờ ơ với những vụ việc bạo lực khi nó mới chớm nở” - bà Vân Anh nói.
Ý kiến bạn đọc