Tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ

09:52, 02/04/2016
|

(VnMedia) - Sáng nay (2/4), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu chức danh Chủ tịch nước đối với ông Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an sau khi các đại biểu bỏ phiếu kín bầu chức danh này.

Theo đó, kết quả bỏ phiếu kín như sau: 483 có mặt trên tổng số 494 đại biểu. Số phiếu phát ra 483; số phiếu thu về là 483; số phiếu hợp lệ 481; số đại biểu đồng ý là 452 (chiếm 91,50%); số phiếu không đồng ý là 29 (chiếm 5,87%).

Còn theo kết quả biểu quyết Nghị quyết, trong tổng số 465 đại biểu có mặt (chiếm 94,13% tổng số đại biểu), có 460 đại biểu tán thành (chiếm 93,12%). Duy nhất có 1 đại biểu không tán thành và 4 đại biểu không đồng ý.

kết quả
Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết
 

Như vậy, ông Trần Đại Quang đã chính thức trở thành Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngay sau đó, vào lúc 8h45, tân Chủ tịch nước thực hiện nghi thức tuyên thệ, theo quy định tại Hiến pháp với một tay đặt lên quyển Hiến pháp, một tay giơ lên.

trần đại quang
Tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ nhậm chức

"Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước, tôi - Trần Đại Quang - Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; nỗ lực làm hết sức mình hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó" - Tân Chủ tịch nước phát biểu.

Trần Đại Quang
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Sau khi nhận bó hoa chúc mừng của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu: "Tôi rất xúc động, một lần nữa, xin trân trọng cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu tôi giữ chức vụ Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Cảm ơn Quốc hội đã dành cho tôi những tình cảm và những lời chúc mừng tốt đẹp.

Với niềm vinh dự, trách nhiệm lớn lao của người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, tôi nguyện làm hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, kế thừa và phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc và kinh nghiệm của các vị Chủ tịch nước tiền nhiệm, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích và an ninh quốc gia, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; chủ động, tích cực hội nhập, nâng cao vị thế và uy tín của VN trên trường quốc tế, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội trên thế giới.

Tôi chân thành cảm ơn nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các vị Chủ tịch nước tiền nhiệm đã có những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hết lòng hết sức vì đất nước, vì nhân dân.

Xin kính tặng đồng chí Trương Tấn Sang bó hoa tươi thắm. Chúc đồng chí và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc, tiếp tục có những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Xin trân trọng cảm ơn".

Tiểu sử Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Trần Đại Quang
Tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang

1. Họ và tên: TRẦN ĐẠI QUANG

2. Ngày, tháng, năm sinh: 12/10/1956

3. Quê quán: xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình

4. Nơi đăng ký thường trú: phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội

5. Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không

6. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Tiến sĩ Luật học, Đại học An ninh

- Học vị: Tiến sĩ; Học hàm: Giáo sư

- Lý luận chính trị: Cao cấp

- Ngoại ngữ: Cao học tiếng Trung

7. Nơi làm việc: Bộ Công an, số 44 Yết Kiêu, Hà Nội

8. Ngày vào Đảng: 26/7/1980; Ngày chính thức: 26/7/1981

9. Đại biểu Quốc hội Khóa XIII

10. Tóm tắt quá trình công tác:

- Từ tháng 7/1972 - tháng 10/1975: Học viên Trường Cảnh sát nhân dân Trung ương và Trường Cao đẳng Ngoại ngữ, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

- Từ tháng 10/1975 - tháng 6/1987: Cán bộ Cục Bảo vệ chính trị I, sau tách thành Cục Bảo vệ chính trị II, giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Trinh sát, Cục Bảo vệ chính trị II, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

- Từ tháng 6/1987 – tháng 6/1990: Trưởng phòng Tham mưu và Trưởng phòng Trinh sát, Cục Bảo vệ chính trị II, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

- Từ tháng 6/1990 - tháng 9/1996: Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

- Từ tháng 9/1996 - tháng 10/2000: Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh, Bộ Công an; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng cục An ninh, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục An ninh, Bí thư Đảng ủy Cục Tham mưu An ninh, Bộ Công an.

- Từ tháng 10/2000 - tháng 4/2006: Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an; được phong cấp bậc hàm Thiếu tướng (2003); được phong học hàm Phó giáo sư (2003).

- Từ tháng 4/2006 - tháng 1/2011: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; được phong cấp bậc hàm Trung tướng (2007); được phong học hàm Giáo sư (2009).

- Từ tháng 01/2011 - tháng 8/2011: Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an.

- Từ tháng 8/2011 đến nay: Ủy viên Bộ Chính trị (khóa XI, XII), Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; được phong cấp bậc hàm Thượng tướng (2011), Đại tướng (2012); Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên; đại biểu Quốc hội khóa XIII; Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Phó Trưởng Tiểu ban bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương.

- Ngày 2/4/2016, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


Ý kiến bạn đọc