Đại biểu Dương Trung Quốc: "Làm sai phải xin lỗi là ứng xử đáng khuyến khích"

07:11, 05/04/2016
|

(VnMedia) - “Làm sai phải xin lỗi là ứng xử đáng khuyến khích, nhưng cái đáng khuyến khích hơn là nhận lỗi và sửa lỗi...” - đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói.

Dương Trung Quốc
Đại biểu Dương Trung Quốc

Bình luận về thông tin mà Bộ trưởng Cao Đức Phát nói trên diễn đàn Quốc hội về thực phẩm bẩn và lời xin lỗi của Bộ trưởng sau đó, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, điều quan trọng là phải đi đến cùng của sự thật.

“Anh nói quá sự thật cũng không nên, mà nói thấp hơn sự thật cũng không nên, cho nên rất cần nhà nước, các cơ quan có trách nhiệm phải đánh giá đúng mức để đủ sức thuyết phục cho người dân, trên cơ sở đó triển khai. Nếu đặt địa vị một người nước ngoài nào đọc báo thấy tình trạng như thế này không ai dám đến, không ai dám ăn cái gì cả. Những chuyện đó rất có hại cho mặt bằng chung. Nhưng quan trọng nhất, thông số đưa ra chính xác đến đâu thì nhà nước phải quan tâm. Nếu Bộ trưởng nói không đúng thì phải đưa ra bằng chứng, còn ngược lại, Bộ trưởng nói đúng cũng phải đưa ra bằng chứng. 

Tất nhiên, một bài phát biểu giữa Quốc hội thì không thể diễn giải được nhiều, nhưng nhân cái đó chúng ta thử làm đến cùng xem. Về cách nói thì người ta có thể nói là “khắc phục”, “sửa chữa”, “xin lỗi”... nhưng bản chất sự việc là như thế nào thì đây chính là cơ hội mà cơ quan có trách nhiệm phải làm cho rõ"- ông Dương Trung Quốc nói.

- Ông cho rằng cần đưa thông tin đúng sự thật, nhưng có ý kiến lại lo ngại rằng, nếu sự thực thật sự nghiêm trọng thì việc đưa thông tin sẽ khiến người dân hoang mang, lo lắng?

Tôi cho rằng minh bạch là quan trọng, nhưng minh bạch phải dựa trên khoa học, không thể cảm tính được. Cho nên tôi nghĩ sau lời xin lỗi, chúng ta có thể giải quyết được mối thông cảm, chia sẻ với Bộ trưởng nhưng Bộ trưởng phải đưa ra thông điệp chính xác về kết luận của mình đúng đến mức độ nào, còn nếu sai, thông điệp không đúng thì cũng phải nêu rõ thực trạng như thế nào? Nếu thực trạng mà không nắm được thì chúng ta không bao giờ khắc phục được. Đừng nên giấu.

- Có nhiều ý kiến cho rằng muốn hạn chế được thực phẩm bẩn tràn lan thì chúng ta phải có hình thức xử lý thật nặng hơn nữa. Ông thấy ý kiến đó như thế nào?

Chính Bộ trưởng cũng đưa ra thông tin cho thấy chế tài là khá nặng, nhưng từ cái nặng trong giấy tờ cho đến ngoài đời sống nó khác, bởi vì thông qua con người, bộ máy đó có thực thi nghiêm chỉnh hay không? Về góc độ pháp luật thì chúng ta không thiếu, nhưng có đi vào đời sống hay không, hay nó bị méo mó, bị khúc xạ bởi những cái trung gian?

- Bộ trưởng sắp hết nhiệm kỳ, vậy làm sao để những lời hứa của Bộ trưởng thành hiện thực được, thưa ông?

Dẫu nhiệm kỳ này Bộ trưởng có thể không đi trọn vẹn nhưng người tiếp tục phải nhìn câu chuyện theo hướng kế thừa nhau, kế thừa cả những di sản tiêu cực.

Trở lại câu chuyện của Bộ trưởng Bộ Văn hóa (Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh từng nói trước Quốc hội rằng “trách nhiệm để dành cho Bộ trưởng sau trả lời - PV) cũng là một cách trả lời vụng về, nhưng nó cũng phản ánh đúng sự thực là các vị phải kế thừa nhau, chứ đừng “tân quan tân chính sách” rồi lại xóa bỏ hết cả những cái của người đi trước, từ nhân sự cho đến mọi cái đều làm mới mà không có kế thừa. Đó là một chuyện siêu hình và thường để lại những hậu quả vừa lãng phí về thời gian và công sức.

- Ông đánh giá như thế nào về góc độ văn hóa của lời xin lỗi?

 Làm sai, xin lỗi là ứng xử đáng khuyến khích, nhưng cái đáng khuyến khích, như tôi đã từng nói cách đây 3 năm, là nên giã từ lời xin lỗi. Nhận lỗi và sửa lỗi là chính. Điều đó mới đáng làm.

- Xin cảm ơn ông.

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc