Trong khi hàng loạt khu dân cư tại Hà Nội đang ngột ngạt do thiếu trầm trọng diện tích công viên cây xanh, thì tình trạng lấn chiếm, "xẻ thịt" công viên lại diễn ra ở nhiều nơi khiến dư luận bức xúc.
Toàn bộ diện tích của nhà hàng Lộc Việt phía giáp hồ Thành Công được dựng rào chắn kiên cố. |
Nằm ở khu "đất vàng" của một quận trung tâm, trái với quy hoạch ban đầu đã được phê duyệt, Công viên hồ Thành Công (còn gọi là Công viên Indira Gandhi) đang bị bao vây bởi hàng loạt tòa nhà cao tầng, nhà hàng, quán cà phê…, trong đó nhiều diện tích đang bị sử dụng sai mục đích.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1529/QĐ-TTg ngày 26-7-2011, khu đất này thuộc khu vực hạn chế phát triển, được xác định chức năng là đất công cộng, hỗn hợp, đất hồ nước, cây xanh và công viên vui chơi giải trí. Quy hoạch là vậy, song theo phản ánh của cư dân, hiện nhiều diện tích xung quanh hồ, phía giáp đường Huỳnh Thúc Kháng đang được chia thành những khu vực khép kín, có tường rào bao quanh khiến diện tích hồ Thành Công vốn đã nhỏ nay càng bị thu hẹp.
Có mặt tại CV hồ Thành Công sáng 14/4/2016, phóng viên tận mắt chứng kiến tình trạng mới 8h sáng nhưng toàn bộ vỉa hè trước cổng CV phía đường Huỳnh Thúc Kháng, kéo dài từ khu vực giáp tòa nhà của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đến trước Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam (NHCMN) đã chật kín ô tô. Vỉa hè của tuyến đường này có chiều rộng khoảng 6m nhưng chỉ còn chừa lại lối đi nhỏ sát hàng rào CV dành cho người đi bộ.
Nằm sát tòa nhà Tập đoàn PVN, khu đất rộng của Hội Cây cảnh nghệ thuật Thăng Long (CCNT) đã được đơn vị này xây cổng trụ, quây thành hàng rào chắn xung quanh rất kiên cố. Tiếp đó là bãi đỗ xe ngầm của Tập đoàn PVN và lối đi rộng dẫn vào khu nhà hàng cà phê Lộc Việt.
Tuy nhìn ra hồ nhưng toàn bộ khu đất của nhà hàng Lộc Việt cũng được quây thành một khu vực riêng biệt bằng tường kính và hàng rào sắt cao chừng 2m, ngăn cách hoàn toàn với lối đi dạo quanh CV. Tiếp giáp lối ra vào bãi đỗ xe ngầm, trên phần đất của NHCMN là một công trình kiên cố treo biển hiệu cà phê - phở sáng. Hằng ngày lượng khách ra vào khu vực này khá tấp nập, kéo theo lượng phương tiện không hề nhỏ.
Toàn bộ diện tích của nhà hàng Lộc Việt phía giáp hồ Thành Công được dựng rào chắn kiên cố. Làm việc với phóng viên, ông Ngô Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công cho biết, CV hồ Thành Công được cải tạo từ năm 1997, sau khi kè hồ, Công ty Hà Thủy chịu trách nhiệm quản lý khu vực này. Năm 2013, thành phố chính thức giao UBND quận Ba Đình tiếp nhận việc quản lý CV hồ Thành Công.
Về diện tích 2.000m2 đất ven hồ Thành Công tại địa chỉ số 4 phố Huỳnh Thúc Kháng của Hội CCNT, ngay từ năm 2000 nhân dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, Hội CCNT đã được UBND TP Hà Nội tạo điều kiện cho thuê lại diện tích đất tại địa chỉ trên để trưng bày cây cảnh. Tuy nhiên, quá trình sử dụng, đơn vị này đã dùng lưới B40 quây xung quanh khu vực trưng bày, xây dựng một nhà tạm trên diện tích 15,5m2, tiến hành sản xuất chậu cây tại chỗ... không phù hợp với nội dung chấp thuận của thành phố.
Trước những bức xúc của dư luận, năm 2015 UBND quận Ba Đình đã yêu cầu Hội CCNT phá dỡ phần nhà tạm và hàng rào B40, khẩn trương khắc phục các tồn tại trong khu vực trưng bày, đồng thời yêu cầu phải tạo không gian mở, không thực hiện rào chắn bằng bất cứ vật liệu gì từ 6h đến 21h hằng ngày, không để ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân và du khách.
Tuy nhiên, đến nay Hội CCNT chưa thực hiện đúng đề nghị của UBND quận Ba Đình. Cũng theo ông Lâm, về bãi đỗ xe ngầm của Tập đoàn PVN tại số 6 phố Huỳnh Thúc Kháng, năm 2006 UBND thành phố đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) số CQ-448 kèm Quyết định số 3531/QĐ-UB ngày 9/8/2006, cho phép PVN sử dụng 8.019m2 tại địa chỉ 18 Láng Hạ và số 6 phố Huỳnh Thúc Kháng để làm cơ sở sản xuất, kinh doanh, thời gian sử dụng 50 năm, kể từ ngày 28/11/2003. Tuy nhiên, sau khi xây dựng bãi đỗ xe ngầm, phần diện tích phía trên bãi đỗ xe ngầm đã "biến" thành diện tích kinh doanh của nhà hàng cà phê Lộc Việt.
Riêng diện tích 6.754m2 tại số 8 Huỳnh Thúc Kháng đã được thành phố giao cho NHCMN tại Giấy phép sử dụng đất số 1062 UB/XDCB ngày 1/6/1992. Theo tờ khai hiện trạng sử dụng nhà, đất do NHCMN kê khai năm 2010, hiện ngoài diện tích xây dựng trụ sở làm việc và công trình sự nghiệp, trên khu đất này còn có 200m2 được sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Theo ông Lâm, thời gian trước, trên phần đất của NHCMN, khu vực giáp lối đi vào bãi đỗ xe ngầm có "mọc" lên nhà hàng ẩm thực Mái Đỏ. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhà hàng này đã ngừng hoạt động, biển hiệu đã được tháo dỡ, thay vào đó là quán cà phê - phở sáng.
Ông Lâm khẳng định: "Nếu có tình trạng sử dụng đất sai mục đích trên diện tích đất được giao, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính đơn vị sử dụng. Trường hợp phát hiện việc sử dụng đất sai mục đích được giao, cơ quan nào cấp giấy chứng nhận, cơ quan đó có quyền thu hồi". Trước thực trạng trên, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và các cơ quan có trách nhiệm tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, trả lại không gian cho CV hồ Thành Công.
Ý kiến bạn đọc