(VnMedia) - Sáng nay (6/4), với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật tiếp cận thông tin, với nhiều điểm đáng lưu ý, trong đó có quy định các cơ quan nhà nước phải chủ động cung cấp thông tin do mình tạo ra.
Báo cáo giải trình tại Quốc hội về dự thảo Luật tiếp cận thông tin do ông Phan Trung Lý, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật trình bày cho biết, quá trình lấy ý kiến, có đại biểu đề nghị quy định rõ phạm vi và trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước, tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đã cho chỉnh lý nội dung này như được thể hiện tại khoản 1 Điều 9 của dự thảo Luật.
Theo đó, cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra, trừ một số trường hợp được quy định tại Điều 6 của Luật; Một số trường hợp (quy định tại Điều 7) thì cung cấp thông tin khi công dân đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
UBND cấp xã có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra và thông tin do mình nhận được để trực tiếp thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, trừ trường hợp quy định tại Điều 6 của Luật này; đối với trường hợp quy định tại Điều 7 của Luật này thì cung cấp thông tin khi công dân đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
Về hình thức yêu cầu cung cấp thông tin (Điều 24), có ý kiến đề nghị cần bỏ quy định khi yêu cầu cung cấp thông tin phải nêu rõ “Lý do, mục đích yêu cầu cung cấp thông tin” (điểm d khoản 2 Điều 24). Tuy nhiên, theo UBTVQH, việc quy định công dân phải nêu lý do, mục đích khi yêu cầu cung cấp thông tin nhằm tăng cường trách nhiệm của công dân, hạn chế hành vi lạm dụng, lợi dụng việc tiếp cận thông tin làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan; đây cũng là cơ sở để UBND cấp xã cung cấp thông tin cho người có quyền lợi liên quan (điểm h, khoản 2 Điều 9). Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.
Về trách nhiệm của cơ quan cung cấp thông tin (Điều 34), có ý kiến đề nghị cần quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước phải thường xuyên cập nhật thông tin, cung cấp thông tin cho công dân phải kịp thời để thông tin không bị lạc hậu, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của công dân. Tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đã cho chỉnh lý nội dung này.
Theo đó, cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin quy định Điều 9 của Luật này có trách nhiệm công khai, cung cấp thông tin một cách kịp thời, chính xác, đầy đủ; trong trường hợp phát hiện thông tin đã cung cấp không chính xác hoặc không đầy đủ thì phải đính chính hoặc cung cấp bổ sung thông tin;
Cơ quan nhà nước cũng phải chủ động lập, cập nhật, công khai Danh mục thông tin phải được công khai, thông tin cung cấp theo yêu cầu và đăng tải Danh mục trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử; thường xuyên cập nhật và công khai thông tin theo đúng thời điểm, thời hạn và hình thức theo Danh mục thông tin phải được công khai; duy trì, lưu giữ, cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin có trách nhiệm cung cấp, bảo đảm thông tin...
Về từ chối yêu cầu cung cấp thông tin (Điều 28), có ý kiến cho rằng tại điểm đ khoản 1 Điều 28 của dự thảo Luật quy định việc từ chối cung cấp thông tin trong trường hợp “thông tin được yêu cầu vượt quá khả năng đáp ứng của cơ quan hoặc làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của mình” là chưa cụ thể, dễ tạo lý do để từ chối cung cấp thông tin.
Tuy nhiên, theo UBTVQH, các cơ quan nhà nước ở các cấp khác nhau hoặc trên các địa bàn khác nhau thì có bộ máy tổ chức với quy mô khác nhau. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương mà các cơ quan cũng được tổ chức cho phù hợp. Vì vậy, Luật không thể quy định việc định lượng mức độ, trường hợp cụ thể nào có thể vượt quá khả năng đáp ứng của cơ quan. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.
Về chi phí tiếp cận thông tin (Điều 12), có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết việc người yêu cầu cung cấp thông tin phải trả chi phí thực tế để in, sao, chụp, gửi thông tin là không phù hợp. Tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đã cho chỉnh lý theo hướng giao Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết về chi phí tiếp cận thông tin và được thể hiện tại khoản 2 Điều 12 của dự thảo Luật.
Theo đó, công dân được cung cấp thông tin không phải trả phí, lệ phí, trừ trường hợp luật khác có quy định. Người yêu cầu cung cấp thông tin phải trả chi phí thực tế để in, sao, chụp, gửi thông tin. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết khoản này.
Về khiếu nại, khởi kiện, tố cáo (Điều 14), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về các trường hợp cụ thể công dân được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện để tránh phát sinh nhiều khiếu nại, khởi kiện, tố cáo không cần thiết. Tuy nhiên, theo UBTVQH, quyền khiếu nại, khởi kiện là quyền cơ bản của công dân, Luật này không nên đặt ra các điều kiện khiếu nại, khởi kiện, vì như vậy sẽ làm hạn chế quyền khiếu nại, khởi kiện của công dân. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định tại Điều 14 của dự thảo Luật, theo hướng viện dẫn thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố tụng.
Theo đó, người yêu cầu cung cấp thông tin có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với cơ quan nhà nước, người có trách nhiệm cung cấp thông tin quy định tại Điều 9 của Luật này; Công dân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin. Công dân cũng có quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo trong việc tiếp cận thông tin được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về tố tụng hành chính.
Về xử lý vi phạm (Điều 15), có ý kiến cho rằng, khoản 2 Điều 15 của dự thảo Luật chỉ quy định việc bồi thường, hoàn trả thiệt hại đối với lỗi cố ý là không phù hợp, không nghiêm minh và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của công dân.
Theo UBTVQH, hiện nay, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có quy định một số việc bồi thường chỉ đặt ra khi người thi hành công vụ thực hiện hành vi với lỗi cố ý (Điều 38, Điều 39…). Hơn nữa, do Luật tiếp cận thông tin mới ban hành, để bảo đảm tính khả thi thì Luật chỉ nên quy định trách nhiệm bồi thường đối với những hành vi của người thi hành công vụ được thực hiện với lỗi cố ý mà gây thiệt hại. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định trong dự thảo Luật.
Ý kiến bạn đọc