Né tránh, không cung cấp thông tin cho báo chí phải bị xử phạt

06:39, 22/03/2016
|

(VnMedia) - Đại biểu Huỳnh Văn Tính đề nghị bổ sung quy định về việc xử lý vi phạm đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân cản trở hoạt động báo chí, hoặc né tránh không cung cấp thông tin cho báo chí đúng theo quy định của pháp luật…

báo chí
Ảnh minh họa

Thảo luận tại hội trường chiều 21/3, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) phân tích, quyền góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân trên báo chí là một kênh quan trọng để công dân thực hiện quyền của mình được Hiến pháp quy định.

“Công dân không chỉ góp ý, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước mà còn có quyền này đối với cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước và trong các cơ quan Đảng, nhưng dự thảo luật lại không thấy quy định quyền này của công dân. Đề nghị bổ sung đối tượng là cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước, trong các cơ quan Đảng vào đối tượng góp ý phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân trên báo chí" - đại biểu Tô Văn Tám nói.

Đại biểu Tô Văn Tám cũng cho rằng, Dự thảo mới thể hiện nội dung nhiệm vụ của báo chí, nhưng chưa có điểm nào thể hiện quyền hạn của báo chí.

“Để thực hiện các nhiệm vụ đó, báo chí cần phải có quyền hạn nhất định. Đề nghị bổ sung thêm quyền hạn đó cho báo chí để đảm bảo báo chí thực hiện các nhiệm vụ đó như các quyền được cung cấp thông tin, quyền được đáp ứng các điều kiện, nguồn lực... để báo chí có thể thực hiện được các nhiệm vụ đó" - Đại biểu Tám nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) cho biết: Điều 12 dự thảo luật quy định cơ quan báo chí có trách nhiệm đăng, phát, kiến nghị, phê bình tên, bài, ảnh và tác phẩm báo chí khác của công dân. Trường hợp không đăng phát sóng phải trả lời và nêu rõ lý do khi có yêu cầu trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có chức vụ trả lời bằng thư hoặc trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến.

“Tôi thấy quy định này không có tính khả thi và hầu như cơ quan báo chí nào cũng vi phạm, vì báo chí không thể đăng hoặc phát mọi kiến nghị, phê bình tin, bài, ảnh và tác phẩm khác của công dân, đồng thời, cũng không có khả năng trả lời cho từng công dân và nêu rõ lý do nếu không đăng phát sóng" - đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu ý kiến.

Về việc cung cấp thông tin cho báo chí, Điều 38 Dự thảo Luật quy định giao Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, đại biểu Kim Thúy cho rằng, đây là nguồn thông tin chính thống và nội dung này đã được thực hiện 9 năm theo Quy chế về chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

“Tuy nhiên, thực tế thì việc tiếp cận thông tin, tiếp cận với người phát ngôn thường gặp khó khăn như một số cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương cử người không đủ quyền cung cấp thông tin hoặc chậm đưa thông tin chính thống hay có tâm lý né tránh không muốn trả lời những vấn đề liên quan đến cơ quan, địa phương mình, đặc biệt là những vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật. Tình trạng người phát ngôn, người được uỷ quyền phát ngôn đòi hỏi phóng viên xuất trình giấy tờ vượt quá quy định... Do đó, tôi đề nghị cần quy định nội dung này vào luật sẽ có tính pháp lý cao hơn, để khi luật có hiệu lực là thực hiện được ngay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí đưa tin kịp thời, chính xác, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội" - đại biểu thành phố Đà Nẵng đề xuất.

Đại biểu Kim Thúy cũng cho biết, thực tế, cá nhân có thẩm quyền trả lời trên báo chí thường bận họp hành, đi công tác cho nên nhà báo gặp khó khăn trong việc tiếp cận. Không ít trường hợp người đứng đầu hay người phát ngôn chỉ nắm thông tin chung chung, cho nên không giúp làm sáng tỏ sự việc được bao nhiêu, trong khi người am hiểu tường tận thì lại không có quyền trả lời và nếu vi phạm. nghĩa vụ trả lời trên báo chí thì sẽ xử lý như thế nào, dự thảo cũng chưa đề cập.

“Tôi đề nghị bổ sung chế độ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời trên báo chí về các vấn đề báo chí nêu, trả lời đơn thư của công dân do báo chí chuyển đển, tránh để nhiều vụ việc rơi vào im lặng.” – Đại biểu Kim Thúy đề nghị.

Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) góp ý về điều kiện, tiêu chuẩn được cấp thẻ nhà báo. Theo đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét rút ngắn thời gian công tác liên tục tại cơ quan báo chí, đề nghị cấp thẻ đối với trường hợp cấp thẻ nhà báo lần đầu từ "3 năm trở lên" xuống còn "2 năm trở lên", tính đến thời điểm đề nghị xét cấp thẻ. Quy định này nhằm tạo điều kiện để các lực lượng phóng viên trẻ sớm được cấp thẻ nhà báo, tạo thuận lợi hơn cho họ trong quá trình tác nghiệp.

Đại biểu Huỳnh Văn Tính đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định về việc xử lý vi phạm đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân cản trở hoạt động báo chí, hoặc né tránh không cung cấp thông tin cho báo chí đúng theo quy định của pháp luật, hoặc cung cấp thông tin sai sự thật cho báo chí.

Đồng thời, có quy định xem xét trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp hành hung, truy sát nhà báo trong tác nghiệp, nhằm tạo hành lang pháp lý bảo vệ tốt an toàn tính mạng của nhà báo khi tác nghiệp, góp phần không nhỏ trong phát hiện và đưa ra ánh sáng các vụ tiêu cực trong xã hội hiện nay, phát huy vai trò phản biện xã hội của báo chí.

“Thời gian qua có không ít các hành vi ngăn chặn, cản trở, thậm chí hành hung, truy sát nhà báo tác nghiệp. Mức độ và tính chất vi phạm ngày càng lớn, nhưng các điều kiện quy định xử phạt còn rất chung chung và thiếu cơ sở pháp lý, không đảm bảo an toàn cho nhà báo tác nghiệp, thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. Các luật khác điều chỉnh cũng chưa được đề cập và nêu cũng chưa rõ" - đại biểu Huỳnh Văn Tính nói.

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh) đề nghị làm rõ quyền và nghĩa vụ của những người đang hoạt động báo chí mà chưa được cấp thẻ nhà báo. Về các điều cấm trong hoạt động báo chí, đại biểu Thùy Trang đề nghị bổ sung thêm quy định: Cấm phân biệt đối xử khi cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, bởi theo bà, hiện nay đang có việc đối với các cơ quan báo chí khác nhau cũng có sự phân biệt khi cung cấp thông tin.

Về thẻ nhà báo, đại biểu Thùy Trang nêu ý kiến: “Nên xem đây là thẻ hành nghề, đề nghị bỏ quy định về thời hạn 5 năm phải đổi thẻ một lần vì không cần thiết. Điều nên làm là quản lý việc sử dụng thẻ và thu hồi thẻ đúng quy định".

Đại biểu Thùy Trang cũng cho rằng, hiện báo chí truyền thống đang đứng trước sức cạnh tranh rất lớn từ mạng thông tin xã hội. Các cơ quan báo chí sẽ ngày càng khó khăn hơn về cạnh tranh thông tin và vấn đề tài chính. “Dự thảo Luật báo chí sửa đổi cần phải được xây dựng trên thực tiễn này. Vấn đề đặt ra là Nhà nước sẽ tiếp sức gì cho các cơ quan báo chí trước tình hình trên" - Đại biểu nói và nhấn mạnh, với việc sửa đổi luật lần này, các cơ quan báo chí mong chờ Nhà nước sẽ có chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho báo chí phát triển, không phải bằng việc bao cấp mà bằng một cơ chế để các cơ quan báo chí có thể tự chủ và năng động hơn trong việc tạo ra nguồn thu.


Ý kiến bạn đọc