(VnMedia) - Chiều 21/3, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị mạng xã hội để văn bản pháp luật khác điều chỉnh chứ không phải là Luật Báo chí |
Nhà báo có quyền không tiết lộ người cung cấp thông tin
Báo cáo giải trình do ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng, về việc bảo vệ người cung cấp thông tin cho báo chí, một số ý kiến đề nghị không nên yêu cầu tiết lộ người cung cấp thông tin cho việc điều tra xét xử tội phạm nghiêm trọng, vì loại tội phạm này rất phổ biến và quy định như dự thảo Luật sẽ gây khó khăn cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin.
Có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “nếu có hại” cho người đó, vì cụm từ này mang tính định tính, phụ thuộc vào suy nghĩ chủ quan của mỗi người.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã sửa đổi thể hiện tại khoản 4 Điều 38 dự thảo Luật. Theo đó, cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Có ý kiến đề nghị bổ sung trách nhiệm của cơ quan điều tra trong việc bảo vệ người cung cấp thông tin mà báo chí, nhà báo đã cung cấp. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật bổ sung quy định: “Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ được tiết lộ; các cơ quan bảo vệ pháp luật có trách nhiệm phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương bảo vệ người cung cấp thông tin”.
Về quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định về các trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung quy định như tại khoản 2 Điều 38 dự thảo Luật.
Cụ thể, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng; thông tin về các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan điều tra cần thông tin trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; Thông tin về các vụ việc đang trong quá trình thanh tra; nghiên cứu giải quyết khiếu nại, tố cáo; những vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cơ quan, đơn vị nhà nước đang trong quá trình giải quyết, chưa có kết luận chính thức của người có thẩm quyền mà theo quy định của pháp luật chưa được phép công bố; Những văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép công bố.
Về chế độ cung cấp thông tin cho báo chí, có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể về chế độ cung cấp thông tin cho báo chí ngay tại Luật, không để Chính phủ quy định. Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng, vấn đề cung cấp thông tin cho báo chí gồm nhiều nội dung như: người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, quyền và trách nhiệm của người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn, hoạt động phát ngôn và cung cấp thông tin định kỳ, trong trường hợp đột xuất, bất thường. UBTVQH cho rằng luật chỉ quy định nguyên tắc, còn những nội dung cụ thể nên quy định ở văn bản hướng dẫn để có thể linh hoạt điều chỉnh.
UBTVQH từ chối can thiệp vào facebook
Có ý kiến đề nghị xem xét đưa một số sản phẩm thông tin có tính chất báo chí như trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội vào điều chỉnh tại luật này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị nên tiếp tục điều chỉnh các sản phẩm thông tin trên tại các văn bản dưới luật hiện hành.
Về vấn đề này, theo UBTVQH, ở nước ta, báo chí là sản phẩm thông tin do cơ quan báo chí thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh báo chí còn có một số sản phẩm thông tin có tính chất báo chí do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện như đặc san, bản tin, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.
Các sản phẩm này có phương thức tổ chức và quản lý hoạt động khác nhau. Theo đó, đặc san, bản tin, trang thông tin điện tử tổng hợp là những sản phẩm thông tin do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xuất bản, có đội ngũ biên tập, có người chịu trách nhiệm về nội dung thông tin và phải được cơ quan quản lý nhà nước về thông tin cấp giấy phép. Dự thảo Luật đã có quy định về đặc san, bản tin (các khoản 18, 19 Điều 3; các Điều 34 và 35).
Khác với những sản phẩm trên, mạng xã hội là hệ thống thông tin cung cấp cho người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin. Mạng xã hội hoạt động trong môi trường ảo, thường không có người chịu trách nhiệm, đồng thời người viết và tham gia bình luận thường cũng chỉ sử dụng biệt danh. Hiện nay, hoạt động của mạng xã hội đang được điều chỉnh bởi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 174/2013/NĐ-CP.
Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép giữ nguyên quy định như dự thảo Luật đối với đặc san, bản tin; đồng thời bổ sung một số quy định phù hợp với đặc điểm của trang thông tin điện tử tổng hợp thể hiện tại các khoản 17 và 20 Điều 3, khoản 13 Điều 9 và Điều 36 dự thảo Luật, còn mạng xã hội để văn bản pháp luật khác điều chỉnh.
Cũng liên quan đến vấn đề này, thảo luận tại Hội trường, ông Hà Minh Huệ, nguyên Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam đề nghị Luật Báo chí đưa vào điều khoản cấm nhà báo đưa thông tin trái với quan điểm đã đưa trên báo chí chính thống.
"Hiện có nhiều nhà báo sử dụng mạng xã hội tuyên truyền khác với thông tin chính thống trên chính cơ quan báo chí của mình. Các cơ quan báo chí nước ngoài cũng cấm, đây là chuyện đạo đức nghề nghiệp", ông Hà Minh Huệ nói khi thảo luận dự thảo luật Báo chí sửa đổi hôm nay. Anh không thể hai mặt, nói ở cơ quan chính thống thế này, lên mạng xã hội lại nói khác. Theo tôi nên cấm luôn điều này" - ông Huệ đề nghị.
Ông Huệ cũng cảnh báo tình trạng một số tổ chức nhân danh các nhà báo, cũng là các tổ chức chính trị - xã hội và không loại trừ có những tổ chức phản động. Do đó cần quy định rõ hơn địa vị pháp lý của Hội Nhà báo VN trong luật.
Ông Hà Minh Huệ cũng muốn nhà nước có sự ưu tiên đối với các cơ quan báo chí làm nhiệm vụ chính trị như báo Nhân dân, VTV, VOV...
"Các cơ quan báo chí đang rất khó khăn, sống dở chết dở, quảng cáo giờ đâu có dễ xin doanh nghiệp. Có chính sách gì về đầu tư, ưu đãi không, trong dự thảo luật chưa thể hiện.", ông Huệ nói.
Có thể dùng giấy giới thiệu thay thẻ nhà báo Có ý kiến cho rằng quy định thẻ nhà báo là loại thẻ duy nhất được pháp luật công nhận trong hoạt động báo chí là không khả thi vì hiện nay có một số lượng lớn cộng tác viên, phóng viên sử dụng thẻ cộng tác viên, giấy giới thiệu để hoạt động báo chí. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bỏ quy định này. |
Ý kiến bạn đọc