Hà Nội rà soát toàn bộ dự án nước Sông Đà giai đoạn 2, báo cáo Thủ tướng

18:51, 25/03/2016
|

(VnMedia) - Liên quan đến dự án cung cấp nước sạch Sông Đà giai đoạn 2 (doanh nghiệp Trung Quốc vừa trúng thầu cung cấp đường ống - PV), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu rà soát toàn bộ dự án và báo cáo Thủ tướng...

nước sông Đà
Ảnh minh họa

Cụ thể, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát toàn bộ quá trình thực hiện Dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông do Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư.

Trước thông tin gần đây một số cơ quan báo đài có đưa tin liên quan đến việc thực hiện Dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông giai đoạn 2 do Tổng công ty Vinaconex làm chủ đầu tư, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát toàn bộ quá trình thực hiện Dự án, trên cơ sở đó, có đánh giá làm rõ những thông tin gần đây mà dư luận đề cập liên quan đến dự án, khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ (đề xuất rõ những giải pháp (nếu có)) để bảo đảm dự án được thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ và theo đúng quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội báo cáo trước ngày 31/3 tới.

Liên quan đến dự án này, ngày hôm nay (25/3), trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Du Lịch nói: "lâu nay, chúng ta bị "lệch lạc" khi chỉ xem xét đến vấn đề giá và ông cũng từng nêu ý kiến trong Luật Đấu thầu rằng, tiền nào của ấy, dự án giá rẻ nhưng cuối cùng lại đắt".

Theo đại biểu Trần Du Lịch, dự án giá rẻ nhưng cuối cùng chất lượng kém, kéo dài thời gian sẽ thành đắt và đây là bài học “nhãn tiền”. “Nếu đấu thầu những công trình mà chỉ dựa vào giá sẽ là lợi bất cập hại. Còn trong đấu thầu, giá chỉ là một điểm tham khảo còn yếu tố quan trọng hơn, đó là thời gian và cũng chính là tiền bạc" - đại biểu Trần Du Lịch phân tích. Tuy nhiên, đại biểu đánh giá, Việt Nam đã xem thường vấn đề này.

Nêu ý kiến về việc vì sao cứ nhắc đến nhà thầu Trung Quốc thắng thầu thì dư luận lại có vẻ lo lắng, ông Trần Du Lịch cho rằng, đó chính là do lâu nay, chất lượng của nhiều công trình nhà thầu Trung Quốc thi công quá kém dẫn đến tâm lý của người dân cảm thấy sợ.

"Từ xi măng lò đứng, tới nhà máy điện, đường sắt trên cao rồi bao nhiêu công trình do nhà thầu Trung Quốc làm giá rẻ nhưng cuối cùng lại kéo dài thời gian thi công, đội giá lên... đã làm cho người ta mất cảm tình", đại biểu TP. Hồ Chí Minh dẫn chứng.

Tuy nhiên, ông Trần Du Lịch cũng khách quan nói: “Ở đây có một sự hơi ác cảm với nhà thầu Trung Quốc nhưng quan điểm của ông thì không nên như vậy. Nên nhìn từng cái cụ thể và không nên ác cảm. Chúng ta phải nhìn xem công nghệ của đơn vị đó sử dụng như thế nào. Nếu như chất lượng, công nghệ tốt, thời gian thi công tốt... thì chúng ta không nên ác cảm".

Dù vậy, đại biểu Trần Du Lịch cũng đưa ra một thực tế là, nếu cứ đưa ra các nhà thầu của các nước phát triển trong nhóm G7 hay Made in Japan thì người dân sẽ tin ngay, bởi công nghệ của họ đã rất tốt rồi.

Trước đó, thông tin Công ty TNHH Sản xuất ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc) trúng thầu cung cấp đường ống nước Sông Đà đang khiến dư luận hết sức lo ngại. Trong khi chủ đầu tư là Công ty CP nước sạch Vinaconex (Viwasupco) giải thích lý do chọn nhà thầu này vì có giá bỏ thầu thấp hơn khoảng 11,8% so với giá gói thầu được phê duyệt thì nhiều ý kiến băn khoăn về chất lượng sản phẩm. Trên thực tế, đã có không ít công trình quan trọng mà nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm bị chậm tiến độ và đội vốn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 24/3, đại biểu Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho biết, thời gian qua, khi đi tiếp xúc cử tri, ông đã nhận được rất nhiều câu hỏi của người dân, rằng, “tại sao chúng ta lại chỉ chọn những nhà thầu của Trung Quốc?”.

"Không phải chỉ ham rẻ mà còn có cái gì đằng sau đó không? Có lợi ích nhóm trong đó không? Cử tri và người dân đã đặt các câu hỏi như thế", ông Tiến nói. Đại biểu Tiến cũng phân tích, việc đường ống nước sông Đà đầu tiên vừa qua liên tục gặp sự cố, cứ vỡ xong lại vỡ, khiến hàng chục, trăm nghìn người dân phải lao đao, bất ổn chính là lý do để quan tâm nhất đến chất lượng chứ không phải là giá cả.

“Nếu chấp nhận bỏ thầu thấp rồi trong quá trình làm, có khi chúng ta lại rơi vào thế đã cưỡi lên lưng hổ rồi không thể xuống được" -  đại biểu Lê Như Tiến cảnh báo và lo lắng: “Khi công trình dang dở, đình trệ, chậm tiến độ chúng ta lại phải bỏ thêm vốn để làm. Vì thế, tôi đề nghị người có trách nhiệm trong việc quyết định thầu phải hết sức cẩn trọng, vì dân, vì nước nhiều hơn chứ đừng vì bỏ thầu thấp hay gì đó đằng sau", ông Tiến nêu.


Ý kiến bạn đọc