Gói 30 nghìn tỷ: Ngân hàng mập mờ vốn rẻ để câu khách!

13:48, 17/03/2016
|

(VnMedia) - Sau thời gian bơm vốn “mồi” cho thị trường bất động sản  hồi phục, đến nay, do nguồn lực có hạn, sự hỗ trợ của Nhà nước không kéo dài cho một đối tượng... Hàng chục nghìn người đã trót vay ưu đãi gói 30 nghìn tỷ sẽ phải chịu lãi suất cao hơn.

Những ngày qua, báo chí liên tục phản ánh những ý kiến, phản ứng gay gắt, hoang mang, giận dữ của người dân về việc cắt gói 30.000 tỷ đồng và không duy trì lãi suất 5%/năm như công bố trước đó.

Ngày 11/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lên tiếng giải thích, chỉ rõ quy định cho vay vốn gói 30.000 tỷ đồng sẽ kết thúc vào ngày 1/6/2016 hoặc khi giải ngân hết gói. Phần dư nợ vay được giải ngân sau thời điểm này sẽ không được hưởng lãi suất 5%/năm, mà thả nổi theo thị trường.

Vốn rẻ… không vô hạn!

Tháng 5/2013, NHNN đã ban hành Thông tư 11 quy định rõ thời điểm triển khai là ngày 1/6/2013 và kết thúc ngày 31/5/2016. Đối tượng hưởng lợi chính của gói 30.000 tỷ đồng là các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp để bán, cho thuê; người vay mua nhà ở diện này…

Đến năm 2014, nhiều ngân hàng được tham gia cho vay từ nguồn vốn này cùng với sự mở rộng cho vay cả nhà ở thương mại (có giá trị dưới 1,05 tỷ đồng) nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng đang quá ì ạch. Điểm lưu ý, mức lãi suất vay được NHNN công bố theo từng năm, trong đó lãi suất cố định trong năm 2013 là 6%/năm, năm 2014-2015 giảm xuống 5%/năm…

Tuy nhiên, quá trình thực thi gói 30.000 tỷ đồng đã và đang khiến người dân lầm tưởng rằng nguồn vốn rẻ này là vô hạn, lãi suất ưu đãi 5%/năm cố định suốt thời gian vay tối đa tới 15 năm. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (thuộc NHNN), gói tín dụng 30.000 tỷ đồng được đưa ra trong bối cảnh thị trường BĐS khó khăn, tồn kho rất lớn… Đến nay, chính sách đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra, giúp thị trường BĐS đã phục hồi và phát triển khởi sắc.

“Trong điều kiện nguồn lực có hạn, sự hỗ trợ của Nhà nước chỉ nên có tính chất thời điểm, không kéo dài sự hỗ trợ cho một đối tượng”- thông báo của NHNN nhấn mạnh. Do đó, chỉ chừng ba tháng nữa, nguồn cung vốn rẻ 30.000 tỷ đồng sẽ bị cắt (dự kiến ngày 1/6/2016) và người dân có nhu cầu vay mua nhà sẽ phải xoay sở, tìm kiếm các nguồn vốn khác.

Hơn nữa, mức lãi suất ưu đãi 5-6%/năm chỉ áp dụng trong ba năm đầu tiên. NHNN chỉ rõ Thông tư 11 đã quy định: Phần dư nợ được giải ngân từ ngày 1/6/2016 trở về trước được hưởng lãi suất vay ưu đãi của gói 30.000 tỷ đồng. Còn dư nợ giải ngân sau thời điểm này sẽ chịu lãi suất vay thương mại thông thường do khách hàng và ngân hàng tự thoả thuận.

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, đến ngày 31/12/2015, các ngân hàng đã cam kết cho vay 26.999 tỷ đồng, đạt 90% hạn mức của gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng cho bất động sản. Nhưng thực tế, tổng số tiền đã giải ngân mới được 59%, tương ứng 17.711 tỷ đồng, tức còn khoảng 9.288 tỷ đồng sẽ được giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2016.

Có thể thấy, hàng nghìn khách hàng mua nhà tại các dự án có thời gian bàn giao nhà sau ngày 1/6/2016, còn được cam kết vay vốn rẻ, sẽ vẫn bị tính lãi suất vay vốn thương mại.

Chính sách tín dụng ưu đãi chỉ nên có tính thời điểm, dành cho đúng đối tượng, thay vì tạo kẽ hở cho cá nhân, doanh nghiệp trục lợi.

Mập mờ vốn rẻ để câu khách

Việc cắt cầu gói tín dụng 30.000 tỷ đồng là theo lộ trình đã định từ trước, không phải điều bất ngờ, được truyền thông rộng rãi. Quá trình triển khai gần ba năm qua, đã nảy sinh nhiều vấn đề cần phải xem xét lại, như trục lợi vốn rẻ, cho vay không đúng đối tượng, chi phí “bôi trơn” để được giải ngân…

Tuy nhiên, trên thực tế, có hiện tượng các sàn bán BĐS, nhân viên ngân hàng không tư vấn đầy đủ cho người mua nhà, người vay vốn. Thậm chí, thông tin gói 30.000 tỷ đồng và lãi suất cố định 5%/năm được “khuếch đại” rầm rộ, khiến người dân lầm tưởng nguồn vốn rẻ này là vô hạn, dự án nào cũng có thể vay được.

Theo tìm hiểu của PV, hàng loạt dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, căn hộ thương mại được chủ đầu tư khởi công, mở bán thời gian qua đều “mượn” gói 30.000 tỷ đồng để câu khách hàng. Đơn cử, năm 2015 khi chưa xong phần móng, dự án nhà ở xã hội Đồng Mô (Hoàng Mai, Hà Nội) đã được chào bán rầm rộ với căn hộ diện tích nhỏ từ 53-70m2, giá bán từ 13,5-14,95 triệu đồng/m2. Trong đó, đơn vị bán hàng quảng cáo rằng: “Dự án này thuộc diện được vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng, và ngân hàng BIDV tài trợ vốn, lãi suất chỉ từ 5%/năm, thời hạn vay tới 15 năm…”

Thế nhưng, dự án nhà ở xã hội Đồng Mô dự kiến sẽ bàn giao vào tháng 6/2017. Có nghĩa, phần vốn giải ngân từ gói 30.000 tỷ đồng sẽ không được hưởng lãi suất 5% trong hơn một năm kể từ 1/6/2016 cho đến lúc bàn giao nhà. Trong khi đó, trước việc cắt gói 30.000 tỷ đồng, một số chủ dự án lại tìm cách “lách” khi tăng tốc thu tiền của khách hàng, tăng lượng vốn giải ngân trước thời điểm 1/6/2016 để người mua nhà được hưởng ưu đãi vốn rẻ.

Đáng nói, có những dự án không đủ điều kiện vay gói 30.000 tỷ đồng, hay chỉ mới khởi công đầu năm 2016, vẫn rao bán “chui” dưới dạng hợp đồng góp vốn với chủ đầu tư mà lừa người mua là được vay vốn ưu đãi… Đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa có cuộc kiểm tra tổng thể, chưa phát hiện, xử lý trường hợp nào thông tin quảng bá sai sự thật, lừa người mua có thể vay gói 30.000 tỷ đồng.


Ý kiến bạn đọc