(VnMedia) - “Một hộp thuốc chữa điều trị viêm gan C, giá các nhà thuốc lớn nhập về Việt Nam khoảng 200USD, trong khi đó người bệnh đang phải mua với giá 14 triệu đồng" - đại biểu Nguyễn Sĩ Cương dẫn chứng về giá thuốc cao.
Sáng 25/3, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Dược. Rất nhiều ý kiến của các đại biểu quan tâm đến vấn đề giá thuốc.
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh), Dự thảo luật lần này đã tiếp thu rất nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu và của ngành, cũng như các ý kiến thẩm định của Ủy ban Về các vấn đề xã hội nên đã tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, bà cho rằng, cần bổ sung các biện pháp quản lý giá thuốc trên cơ sở phân tích nguyên nhân một số mặt hàng thuốc giá vẫn còn cao. Đó là độc quyền nâng giá, nhiều tầng lớn trung gian và cũng như tiêu cực trong kê đơn.
“Tôi đề nghị bổ sung quy định hạn chế các tầng lớp trung gian. Nếu như chúng ta hạn chế được tầng lớp trung gian này thì cũng sẽ góp phần sắp xếp lại mạng lưới lưu thông phân phối thuốc đang quá thừa, với gần 2000 công ty phân phối và một loại thuốc nếu như từ lúc nhập khẩu hay sản xuất ra đến tay người bệnh mà trải qua quá nhiều tầng lớp trung gian thì chắc chắn chi phí sẽ đội lên" - bà Phạm Khánh Phong Lan nói.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan |
Về phía bệnh viện, đại biểu đề nghị không chỉ có một giải pháp đấu thầu mà cần phải mở hướng về định suất với khung giá thuốc do Bộ Y tế hay Bảo hiểm y tế đàm phán được. Về chuyên môn, phải lưu ý đồng bộ xây dựng phác đồ điều trị chuẩn, chống lạm dụng thuốc cũng như tăng vai trò của hội đồng thuốc và điều trị thì mới trị tận gốc được vấn đề tiêu cực trong kê đơn.
Về thuốc giả, đại biểu TP Hồ Chí Minh băn khoăn về Khoản 31c, Điều 2 giải thích từ ngữ các trường hợp là thuốc giả có dược chất nhưng không đúng hàm lượng đã đăng ký “do cố ý”.
“Chúng ta phải làm rõ như thế nào là do cố ý, vì khi không chứng minh được cố ý thì không chứng minh được đó là thuốc giả. Nếu không chúng ta phải phân định rõ thuốc giả hay thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, cả hai đều bị nghiêm cấm kinh doanh nhưng mức độ xử lý sẽ khác nhau" - đại biểu Lan phân tích.
Về Điều 7 những hành vi bị nghiêm cấm, bà Phạm Khánh Phong Lan đề nghị phải tách riêng thuốc giả để thấy mức độ nghiêm trọng và xử lý thật nghiêm.
“Thuốc giả ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người dân bên cạnh những thiệt hại kinh tế và chúng ta có khung hình phạt tới tử hình. Như vậy, trách nhiệm bồi thường sẽ được quy định như thế nào khi người bệnh đã sử dụng thuốc giả?” - đại biểu Lan đặt câu hỏi.
Về quản lý thuốc sử dụng sai mục đích, tôi nhận thấy chỉ được đề cập ở Khoản 3, Điều 7 là những hành vi bị nghiêm cấm, kinh doanh sử dụng thuốc nguyên liệu quy định tại Khoản 26, Điều 2 không đúng mục đích mà cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép, xem lại Khoản 26, Điều 2 có quy định về thuốc gây nghiện hướng thần tiền chất dạng phối hợp chứa các chất trên và thuốc thuộc danh mục chất bị cấm trong một số ngành cụ thể theo quy định Chính phủ. Tôi thấy cách viết như thế này chưa thể hiện được sự quyết liệt và rõ ràng trong chính sách quản lý các thuốc dạng này, Luật dược cũ năm 2005 có quy định chương riêng cho thuốc gây nghiện và tiền chất thế mà thực ra việc quản lý trong thời vừa qua còn rất nhiều lỗ hổng. Hiện nay, nếu quy định như thế này thì nhẹ nhàng và cũng như những thuốc và nguyên liệu sử dụng sai mục đích gây hại cho toàn xã hội nhưng hình phạt quy định chưa đủ sức răn đe.
Về thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho biết, bà giữ quan điểm phải có chương riêng về quản lý thực phẩm chức năng và mỹ phẩm vì đang có khoảng trống về cơ sở pháp lý về quản lý.
“Thực tế cho thấy nhiều bất cập từ quảng cáo nhập nhằng với thuốc, tiêu chuẩn đăng ký, thuốc núp bóng thực phẩm chức năng, sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm.v.v... cho nên dự thảo chưa có và theo giải trình lấy lý do sẽ xây luật nhưng bao giờ mới có và tại sao cái đang rất cần thì không tập trung làm? Tôi đề nghị lần này nếu không kịp xây dựng chương riêng thì Luật dược phải có những khoản cấm về những vi phạm trong lĩnh vực này.” Đại biểu Phong Lan đề nghị.
Thảo luận về giá thuốc, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đặc biệt quan tâm đến thuốc giả bởi theo ông, tác hại của thuốc giả là khôn cùng: Một là mất tiền; Hai là không chữa được bệnh, tác dụng phụ; Ba là việc nảy sinh hiện tượng kháng thuốc mà kháng thuốc thì không chữa được bệnh, việc chữa bệnh rất khó khăn, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.
“Một viên thuốc kháng sinh hàm lượng 500mg nếu chỉ đạt 497 thì đã coi là thuốc giả cho nên tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu Phong Lan của Thành phố Hồ Chí Minh là phải bỏ ngay quy định ở Điểm c, Khoản 31, Điều 2 về vấn đề thuốc giả, tức là nói rằng do “lỗi cố ý”. “Ở đây nhà sản xuất phải có trách nhiệm sản xuất thuốc đúng với hàm lượng đã đăng ký, không có lý do gì và cũng không phân biệt lỗi cố ý hay vô ý.” - đại biểu Nguyễn Sĩ Cương nhấn mạnh.
Vô lý dân nghèo mà phải dùng thuốc giá cao
Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương |
Về giá thuốc, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương phân tích: Theo quy định của luật, không có quy định nào về việc độc quyền nhập khẩu thuốc. Tuy nhiên, trong thực tế lại có chuyện hạn chế trong quá trình cấp phép.
“Việc hạn chế sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm thuốc và qua nhiều tầng lớp trung gian đẩy giá thuốc lên. Ví dụ, một hộp thuốc chữa điều trị viêm gan C, giá các nhà thuốc lớn nhập về Việt Nam khoảng 200USD, độ khoảng hơn 4 triệu đồng, trong khi đó người bệnh bây giờ đang phải mua với giá 14 triệu đồng. Tôi nghĩ thật vô lý nếu người dân ta còn nghèo mà dùng thuốc giá cao như vậy. Tôi đề nghị rà soát quy định ở trong luật, bổ sung, làm thế nào đó để không có kẽ hở cho việc hạn chế độc quyền nhập khẩu thuốc, dẫn đến tình trạng khan hiếp thuốc và nâng giá thuốc" - đại biểu Nguyễn Sĩ Cương đề nghị.
Ý kiến bạn đọc