Xử phạt người đi bộ: Ai cho tôi đi đúng đường?!

08:41, 19/02/2016
|

(VnMedia) - Phạt người đi bộ sai phần đường là cần thiết, tuy nhiên, không phải lúc nào người đi bộ cũng có cơ hội được đi đúng phần đường dành cho mình, càng không phải lúc nào đi đúng phần đường cũng sẽ đảm bảo an toàn...

Đi bộ tùy tiện gây nguy hiểm

Những ngày đầu năm 2016 vừa qua, người dân Hà Nội đặc biệt chú ý đến thông tin xử phạt người đi bộ khi đi sai phần đường. Rất nhiều người được hỏi, đặc biệt là những người đi ô tô, xe máy đều cho rằng, xử phạt người đi bộ sai phần đường là điều cần thiết để họ có ý thức tuân thủ các quy định, nhằm giảm nguy cơ gây tai nạn cho chính họ và cho những người tham gia giao thông khác.

Anh Nguyễn Tuấn Anh, một lái xe taxi cho biết, anh hoàn toàn ủng hộ việc xử phạt người đi bộ sai phần đường. “Tôi là người lái xe, suốt ngày đi trên đường nên tôi biết, người đi bộ sai phần đường cực kỳ nguy hiểm. Có nhiều lúc, tôi đang tập trung lái xe theo đường 1 chiều, nhưng bụp một cái, có người bất ngờ nhảy qua dải phân cách xuống ngay đầu mũi xe. Nếu gặp lúc mình đang vượt xe khác lên thì không thể nào quan sát và xử lý kịp. Hoặc nhiều người từ trên vỉa hè bước xuống để qua đường ở những chỗ bất kỳ cũng rất dễ gây tai nạn. Tôi đã chứng kiến nhiều vụ chết người do cách đi lại, sang đường không đúng của người đi bộ” - anh Tuấn Anh chia sẻ.

Đây cũng là suy nghĩ của nhiều người, đặc biệt là những người đi ô tô. “Nhiều lúc đang đi, nhất là đường một chiều, mà thấy người đi bộ họ cứ băng băng qua đường, nhìn rất nguy hiểm. Chỉ lơ là một chút xíu hoặc không xử trí kịp là gây tai nạn” - chị Hương (34T, Trung Hòa, Nhân Chính) nói.

"Cần phạt nặng những người đi bộ không đúng phần đường, nhất là ở những nơi đã kẻ vạch hoặc có cầu vượt mà họ không chịu đi" - chị Hương đề nghị.

Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, họ có muốn đi bộ đúng đường cũng không phải dễ, thậm chí là không thể.

đi bộ
Người đi bộ đúng vạch cũng bị uy hiếp an toàn như đi vào bất kỳ chỗ nào khác, trừ khi là ở ngã tư có đèn đỏ - ảnh: Kiến Thức

Đường nào an toàn cho người đi bộ?

Theo thống kê, năm 2015, riêng Hà Nội có tới 102 người bộ hành vi phạm chết vì TNGT. Tuy nhiên, không phải không có những băn khoăn khi Hà Nội triển khai xử phạt người đi bộ. Trên thực tế, mặc dù quy định này đã có từ lâu, nhưng việc xử phạt người đi bộ trước đó hầu như chưa được thực hiện.

Lần này, phản hồi trên các trang mạng xã hội, một mặt người dân ủng hộ phạt, mặt khác cũng có nhiều băn khoăn khi hạ tầng giao thông chưa thực sự phù hợp và quan tâm đến người đi bộ. Đơn cử như vỉa hè bị lấn chiếm, các ngã tư cho phép rẽ phải khi đèn đỏ… Mặt khác, nhiều người cũng cho rằng, cần phạt nặng người không nhường đường cho người đi bộ khi họ đi đúng vạch, đúng nơi quy định.

Chị Kim Oanh (phố Quán Sứ, Hà Nội) cho biết, mỗi khi đi bộ sang đường, chị cực kỳ lo lắng cho sự an toàn của mình. “Nếu có điều kiện, tôi luôn chú ý tìm đúng vạch để sang đường, tuy nhiên, hầu như chẳng có ai nhường đường cho tôi. Ngay cả khi đèn xanh cho người đi bộ thì nhiều chiếc xe máy vẫn hoặc là cố vượt đèn đỏ mà phóng lên, hoặc là chưa đến đèn xanh đã lao đi.” - chị Oanh nói.

đi bộ
Người đi bộ ở Hà Nội khổ sở tìm lối đi bất kỳ, chứ chưa nói đến phần đường dành riêng cho người đi bộ

Trong khi đó, nhiều người cho biết, ở Hà Nội, hầu như không có những vị trí để sang đường được an toàn. “Đa số các ngã tư bây giờ đều có biển “đèn đỏ được phép rẽ phải”. Mặc dù biển hiệu này có “chua” thêm dòng chữ “chú ý nhường đường cho người đi bộ” nhưng hầu như không người đi xe máy, ô tô nào để ý mà họ cứ lao vù vù. Vì vậy, tôi không dám đi ở đúng vạch gần ngã tư mà phải sang đường ở cách đó một quãng xa. Biết là không đúng chỗ quy định nhưng như thế còn an toàn hơn” - cụ bà Nguyễn Thị Thanh (phố Ngọc Khánh, Ba Đình) chia sẻ.

Trong khi đó, rất nhiều người đi bộ phàn nàn rằng vỉa hè dành cho họ đã bị chiếm dụng khiến nhiều người phải đi xuống lòng đường. “Nếu tôi len lỏi đi trên vỉa hè, không chỉ vướng xe máy, ô tô, hàng hóa mà đôi khi còn bị người bán hàng xua đuổi. Tôi từng chứng kiến người vừa bước trên vỉa hè xuống lòng đường vì vướng xe thì đã bị xe máy tông phải” - một du khách đi trên đường phố cho biết.

Ngay cả những chiếc cầu vượt dành riêng cho người đi bộ, dù phải leo cao rất bất tiện, nhưng không phải chỗ nào cũng có.

Đơn cử như khu vực trước cổng trường THPT Amsterdam (đường Hoàng Minh Giám, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Đây là một ngôi trường có tới hàng nghìn học sinh. Vào giờ tan học, hàng trăm học sinh phải băng qua đường để đi xe buýt, nhưng ở đây không hề được xây dựng một cây cầu vượt cho người đi bộ. Còn việc đi qua những vạch kẻ, thật sự là rất nguy hiểm bởi lượng xe máy, ô tô qua lại khu vực này luôn đông như nêm. “Ngày nào đi đón con, tôi cũng xót xa nhìn các cháu sang đường. Thật quá nguy hiểm vì chẳng có ai nhường đường cho các cháu” - anh Thanh, một phụ huynh học sinh trường Amsterdam cho biết.

Em Hoàng, học sinh lớp 11 cho biết, khu vực này có bố trí bấm đèn để ưu tiên người đi bộ, tuy nhiên chỉ có những xe ô tô lớn thì còn dừng lại nhường, còn xe máy thì hầu như đi bình thường như không có tín hiệu.

Hay ở một con đường khác như đường Kim Mã. Suốt một đoạn dài từ ngã tư Kim Mã – Nguyễn Chí Thanh cho đến tận ngã ba Núi Trúc, không có một vị trí nào mà người đi bộ có thể yên tâm qua đường mà không lo bị xe máy, ô tô tông phải.

“Vấn đề là người ta thấy đi đúng vạch kẻ hay không cũng chẳng có gì là an toàn hơn bởi ý thức nhường đường cho người đi bộ là quá kém nếu không nói là hầu như không có. Người đi bộ toàn phải tự mình len lỏi, tránh né ô tô xe máy để tìm đường sang. Cứ bảo người đi bộ phải đi đúng đường, nhưng ai đảm bảo cho tôi là đi đúng đường thì an toàn?” - một người dân đặt câu hỏi.

Bài 2: Phạt người đi bộ, cần nhiều giải pháp đồng bộ


Ý kiến bạn đọc