(VnMedia)
- Dự án Tháp truyền hình cao nhất thế giới do Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và hai đối tác là Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tập đoàn BRG sẽ có tổng mức đầu tư lên tới 1,3 - 1,5 tỷ USD.
Dự án được xây dựng trên khu đất diện tích hơn 14ha tại Khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây thành phố Hà Nội . Sau khi hoàn thành, đây sẽ là công trình tháp biểu tượng cao nhất thế giới, “vượt mặt” tòa tháp Tokyo Skytree của Nhật Bản hiện cao 634m.
Dự án bao gồm khối tháp (cao 636m) và khối đế tháp, ngoài ra có khối phụ trợ bao gồm cả các chung cư, văn phòng, khách sạn, khu dịch vụ , vui chơi giải trí và tổ chức sự kiện.
Mới đây, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và hai đối tác là Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tập đoàn BRG của nữ đại gia Nguyễn Thị Nga đã thành lập Công ty cổ phần tháp truyền hình Việt Nam để xây dựng tòa tháp này.
Được biết, 900 triệu USD là con số riêng để làm khối tháp, còn tổng mức đầu tư cả dự án này khái toán lên tới 1,3 - 1,5 tỷ USD.
Trước đó, hồi cuối năm 2014, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý với phương án này của VTV, đồng thời giao UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Đài Truyền hình Việt Nam xác định cụ thể ranh giới và thực hiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ tỷ lệ 1/500 về chức năng, cơ cấu sử dụng đất tại vị trí được lựa chọn, phù hợp với nội dung đầu tư và đặc thù Dự án Tháp Truyền hình Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật . VTV chủ động lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện lập phương án kiến trúc cho Dự án Tháp Truyền hình Việt Nam và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Đại diện của VTV cho biết, tháp truyền hình sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trong 6 năm, trong đó thời gian thực hiện chuẩn bị đầu tư hơn 2 năm và sẽ hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2021.
Theo thiết kế, đây là công trình vĩnh cửu, có tuổi thọ hàng trăm năm và với tính toán sơ bộ của đơn vị tư vấn, thời gian hoàn vốn cho tổ hợp dự án tháp truyền hình khoảng 15 năm kể từ ngày đưa vào vận hành khai thác.
Ý kiến bạn đọc