(VnMedia) - Nhiều người dân tiểu khu 1, Lương Sơn, Hòa Bình đang rất phẫn nộ cho rằng họ đã bị một doanh nghiệp sản xuất gạch sử dụng chữ ký ma, lập khống hồ sơ để cướp đất nông nghiệp.
Nhiều hộ dân tiểu khu 1 bức xúc vì bị cướp đất |
Cho rằng hồ sơ chuyển nhượng đất bị giả mạo chữ ký để phần đất mà họ bán đã được sang tên, hợp thức hóa cho doanh nghiệp sản xuất gạch, 4 hộ gia đình gồm: ông Nguyễn Văn Cường, bà Trần Thị Liệu, bà Đoàn Thị Phương và bà Nguyễn Thị Nhã ở tiểu khu 1, thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) nộp đơn khiếu kiện đến các cấp có thẩm quyền. Việc khiếu kiện kéo dài 5 năm nay nhưng vẫn chưa có hồi kết.
16 năm trước, người dân tại tiểu khu 1, thị trấn Lương Sơn tỉnh Hòa Bình đã bỏ nhiều công sức để khai hoang đất trồng cỏ voi nuôi bò. Tuy nhiên, do hiệu quả không cao nên nhiều người đã chọn cách chuyển đổi mô hình sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Nhã – tiểu khu 1, thị trấn Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình cho biết, gia đình bà đã bỏ nhiều công sức khai hoang đất để trồng cỏ voi nuôi bò, nhưng thời gian sau nhu cầu của các trang trại không còn nữa, thu nhập bấp bênh, gia đình bà phải chuyển đổi sang trồng các cây nông nghiệp ngắn ngày.
Khác với gia đình bà Nhã, một số gia đình khác trong tiểu khu 1 đã chọn cách bán lại một phần diện tích đất cho ông Chu Đức Trí (tiểu khu 1, thị trấn Lương Sơn). Theo lời ông Nguyễn Văn Chuông, tiểu khu 1, năm 2009, ông Trí có đề nghị gia đình ông Chuông bán lại một phần đất khai hoang cho ông Trí để ông này xây dựng trang trại và phát triển du lịch sinh thái.
“Lúc đó do tôi không có nhu cầu nữa nên đã đồng ý bán lại một phần diện tích đất. Tuy nhiên, sau một thời gian, ông Trí đã chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất của gia đình tôi cho ông Nguyễn Khắc Lưu, Giám đốc Công ty CP gạch tuylen Đại Hưng. Điều bất bình thường mà chúng tôi phát hiện ra, trong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ghi đầy đủ tên, chữ ký của người bán và các hộ có đất giáp ranh. Tuy nhiên, một số hộ dân đã bán đất cho ông Trí cho đó là chữ ký giả vì họ không bán đất cho ông Lưu. Chính vì vậy, 5 năm nay, người dân tiểu khu 1 đã nhiều lần gửi đơn khiếu kiện nhiều cấp chính quyền” – ông Chuông cho biết.
Xác nhận với PV, ông Nguyễn Văn Cường, tiểu khu 1, thị trấn Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình cũng cho biết, năm 2010, ông đang đi làm ăn xa tận trong miền Nam. Gia đình chưa có thỏa thuận mua bán đất với ông Trí và công ty gạch Đại Hưng. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty gạch Đại Hưng đã tiến hành san ủi và xây dựng nhà máy gạch trên phần đất của gia đình khiến nhiều người vô cùng bức xúc.
Các hộ dân khu vực xung quang cho rằng, khi san lấp mặt bằng xây dựng nhà máy, Công ty đã lấn chiếm đất sông Bùi, ngăn dòng chảy làm ngập úng nhiều diện tích canh tác. Việc xây dựng nhà máy cũng đã chặn con đường dân sinh mà các hộ gia đình ở đây vẫn đang sử dụng. Khi nhà máy đi vào hoạt động đã gây tiếng ồn, khói, bụi... ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân
Có hay không việc làm giả hồ sơ?
Để xác minh thông tin có hay không việc trong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty CP gạch tuylen Đại Hưng có ghi đầy đủ tên, chữ ký của người bán nhưng lại là chữ ký giả, nhóm phóng viên đã đi kiểm chứng sự việc trên.
Căn cứ vào bản hợp đồng chuyển nhượng đất thửa số 216, do bên bán là ông Nguyễn Văn Chuông với bên mua là Công ty CP gạch tuylen Đại Hưng, ông Chuông hết sức bất bình. “Tôi khẳng định đây, không phải là chữ ký của tôi, cũng như tôi chưa bao giờ nhìn thấy bản hợp đồng nào như vậy, vì tôi có bán cho Công ty này bao giờ đâu?” – ông Chuông khẳng định.
Điều đáng nói, không chỉ gia đình ông Chuông mà nhiều hộ dân tiểu khu 1 cũng hết sức ngỡ ngàng khi nhìn thấy văn bản chuyển nhượng đất giữa gia đình mình cho công ty gạch tuylen Đại Hưng trong khi chữ ký không phải là của gia đình.
Để kiểm chứng thêm tính xác thực của sự việc, chúng tôi đã tiến hành so sánh các giấy tờ có bút tích của ông Chuông trong gia đình, thì tất cả đều không khớp với chữ ký tại hợp đồng mua bán với Công ty CP gạch tuylen Đại Hưng. Như vậy, ai đã ký vào các bộ hồ sơ này, những người liên quan có biết hay không, cơ quan chức năng có biết hay không?
Theo tìm hiểu của PV, trong bản hợp đồng mua bán đất giữa gia đình ông Chuông và công ty gạch Tuynel Đại Hưng còn có chữ ký xác nhận của ông Phó Chủ tịch tỉnh Hòa Bình Nguyễn Thanh Lâm.
Để có câu trả lời về sự việc trên, phóng viên đã nhiều lần đặt lịch làm việc với ông Nguyễn Khắc Lưu, Giám đốc Công ty CP gạch tuylen Đại Hưng, tuy nhiên đều với lý do bận công việc ông đã né tránh. Sau nhiều lần đi lại xác minh, cuối cùng công ty CP gạch tuylen Đại Hưng cũng cử đại diện ra làm việc với phóng viên.
Trước câu hỏi tại sao chữ ký trong bản hợp đồng là giả mạo, thì đại diện Công ty lại đổ trách nhiệm cho ông Chu Đức Trí .
Ông Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty CP gạch tuylen Đại Hưng nói: "Phần đất của các hộ gia đình nêu trên, Công ty gạch Đại Hưng mua lại của anh Chu Đức Trí. Khi mua đất của các hộ trên, anh Trí có giả mạo chữ ký hay không thì tôi không nắm rõ, còn việc xây dựng nhà máy sản xuất gạch trên địa bàn, chúng tôi đã được UBND tỉnh giao đất và cấp phép hoạt động."
Trong khi đó, ông Chu Đức Trí cho biết, "Đúng là năm 2009 tôi có mua phần đất khai hoang ven sông Bùi của các hộ dân. Việc mua bán được thực hiện dưới hình thức trao tay, tôi đã trả đủ tiền cho các hộ. Sau đó vì không có nhu cầu sử dụng, tôi đã bán lại cho anh Lưu. Việc mua bán cũng được thực hiện dưới hình thức trao tay, sau này, anh Lưu mới làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất."
Với nỗi bức xúc của người dân và “quả bóng trách nhiệm” được đá đi, đá lại giữa ông Chu Đức Trí và ông Nguyễn Khắc Lưu, dư luận hiện đặt ra câu hỏi: Có hay không việc dùng chữ ký giả để chuyển nhượng đất, làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đây? Còn với người dân, những người đã bán đất cho ông Trí, từ năm 2010 đến nay, đã nhiều lần gửi đơn đi các cấp chính quyền để tìm câu trả lời…vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng cho những bức xúc của họ, tại sao vẫn chưa được giải quyết?
Người dân nơi đây cho rằng có rất nhiều điểm nghi vấn trong việc tiến hành các thủ tục chuyển nhượng và cấp sổ đỏ cho công ty CP gạch tuylen Đại Hưng, thậm chí rất có thể đã có sự giả mạo hồ sơ, giấy tờ để chiếm đoạt tài sản của công dân. Và nếu như vậy, việc giả mạo phải có hệ thống với sự “bắt tay” của nhiều cán bộ chính quyền địa phương?
Bài 2: Chính quyền tỉnh Hòa Bình nói gì?
Ý kiến bạn đọc