Thưởng tết trong thể thao: Bóng đá giữ vị trí số 1

11:39, 25/01/2016
|

Nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2016. Lúc này, huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) nhiều đội thể thao vẫn đang tập luyện và họ đã bắt đầu nhắc nhẩm thưởng tết. Dù thực tế, không phải đội thể thao nào cũng có thưởng hoặc nếu có thưởng là rất ít.

Đội tuyển là không thưởng

Tất cả các VĐV thuộc các đội tuyển quốc gia đều không có thưởng tết. Điều này đã được biết đến từ nhiều năm qua. Trong hoạt động tập luyện và thi đấu, các đội tuyển không có quỹ nào để lấy làm phần thưởng chia tết cho VĐV. Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) và các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia sẽ chỉ hỗ trợ VĐV, HLV một phần ít ỏi là tiền tàu, xe về quê ăn Tết.

Tuấn Anh, Công Phượng từ năm 2016 đã thuộc về đội bóng ở Nhật Bản nên có thể không có thưởng Tết năm 2017.
Tuấn Anh, Công Phượng từ năm 2016 đã thuộc về đội bóng ở Nhật Bản nên có thể không có thưởng Tết năm 2017

Tập luyện trong năm, các tuyển thủ đã được nhận tiền công, tiền dinh dưỡng theo quy định của Nhà nước. Thế nên, dù luôn chia sẻ rất mong ngày nào đó có niềm vui được thưởng tết nhưng các VĐV, HLV đều hiểu điều ấy là không thể. Lãnh đạo ngành Thể thao cũng rất khó giải quyết được điều mong mỏi này. Bởi vì, chế độ tập luyện hằng ngày, hằng tháng, hằng năm của từng VĐV là phần “cứng”, họ nhận đúng theo quy định còn thưởng tết xem như phần “mềm” là không có quy định. Do vậy, đòi hỏi ngành Thể thao vượt nguyên tắc thực hiện hoàn toàn không được. Đồng thời, số HLV, VĐV (chỉ tính riêng các đội tuyển quốc gia) là rất đông đảo nên nếu thưởng tết thì quỹ tiền đội lên rất lớn.

Nhiều năm trước, trước mỗi dịp tết về, một số trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia (nơi quản lý ăn, ở tập huấn của VĐV đội tuyển) sẽ có các món quà ý nghĩa tinh thần là chính thay vì tiền bạc. Trong ngân quỹ vừa đủ của mình, đôi lúc lãnh đạo Trung tâm sẽ tặng quà VĐV về ăn tết là gói bánh, kẹo, chiếc bánh chưng để động viên từng người. Ra năm trở lại tập trung, lãnh đạo sẽ lì xì lấy may mắn đầu xuân. Chính vì vậy, với một VĐV, họ sẽ phải nỗ lực thi đấu trong năm để lấy phần thưởng huy chương xem như thưởng tết cho bản thân.

Các mức thưởng dành cho VĐV, HLV đạt huy chương qua thi đấu các giải quốc tế, đại hội thể thao quốc tế đều có công bố rõ ràng. Thông thường một năm nhiều giải diễn ra và sau những tờ trình thì khi có tiền, Tổng cục TDTT chi trả luôn cho VĐV. Những tháng cuối năm luôn là lúc ngành Thể thao giải quyết xong sớm để những ai còn thưởng nhận nốt.

Nhiều thời điểm, VĐV của đội tuyển thể thao quốc gia không được tiền thưởng tết nhưng họ nhận vài chục, vài trăm triệu đồng. Đấy là tiền thưởng huy chương được gộp trả một lúc vào cuối năm. Nhận được tiền, dù ít hay nhiều, tất cả luôn vui để sắm cái tết sung túc cho riêng mình.

Phụ thuộc ở địa phương

Trên thực tế, VĐV có thưởng tết hay không sẽ do đơn vị quản lý họ thực hiện. Điều này đúng và phù hợp. Bởi vì, đơn vị chủ quản có trách nhiệm với HLV, VĐV của mình chứ tất cả không thể chờ ở đội tuyển quốc gia. Thể thao Hà Nội là một trong những đơn vị có quân số HLV, VĐV đông đảo. Trong khó khăn kinh tế nói chung, theo tìm hiểu, chỉ những HLV, VĐV có hợp đồng tuyển dụng ở đơn vị này mới được nhận thưởng tết. Mức thưởng không cao, trong khoảng 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/người.

Thể thao TP Hồ Chí Minh cũng có số VĐV, HLV đông không kém Hà Nội. Đơn vị này nhiều năm cũng không thưởng Tết bởi quỹ tiền không nhiều. Tuy nhiên, thể thao TP Hồ Chí Minh lại có cách làm là cho VĐV hưởng chế độ đãi ngộ tốt khi đạt huy chương ở các đại hội thể thao lớn từ SEA Games, ASIAD tới Olympic (kéo dài đúng bằng chu kỳ thời gian từ khi giành huy chương tại đại hội lần trước đến đại hội mới kế tiếp). Vì vậy, mức thu nhập của VĐV không thấp. Vì thế, VĐV không có thưởng tết cũng không vấn đề.

Một số đơn vị thể thao của Quân đội như Trung tâm Thể thao Quân đội, Đoàn thể thao Biên phòng, Đoàn thể thao Phòng không Không quân, Đội bóng chuyền Thông tin Lienvietpostbank (thuộc Binh chủng Thông tin liên lạc)... trong các năm đều có thưởng tết cho cán bộ, chiến sĩ. Mức thưởng rất ít nhưng đúng theo đặc thù của thể thao người lính và nó xem như mang ý nghĩa hỗ trợ HLV, VĐV thêm phần quà về sum vầy với gia đình.

Ngoài địa phương, đơn vị chủ quản, một số liên đoàn, hiệp hội thể thao trong vai trò là tổ chức nghề nghiệp xã hội vào dịp cuối năm sẽ tiến hành thưởng thành tích thi đấu quốc tế cho VĐV. Các khoản chỉ mức 3 đến 5 triệu đồng và không phải để thưởng tết nhưng được nhận tiền cuối năm, nhiều VĐV đều thấy vui.

Bóng đá vẫn thưởng cao nhất

Bóng đá Việt Nam sẽ có trận Siêu cúp 2015 (thi đấu ngày 30-1) trước khi các đội nghỉ tết chuẩn bị cho vòng 1 V-League 2016 (dự kiến khởi tranh ngày 20-2). Nhiều cầu thủ các đội bóng hiện vẫn đang tham dự các giải giao hữu nhưng rất ít thông tin chia sẻ rằng sẽ được thưởng tết bao nhiêu. Theo tìm hiểu, trung bình mức thưởng tết sẽ không vượt quá con số 10 triệu đồng. Mức quen thuộc sẽ nằm ở 4-5 triệu đồng/người.

Đơn cử, đương kim vô địch Becamex Bình Dương có thể sẽ thưởng tết cầu thủ trong mức 4-5 triệu đồng/người. Các đội bóng đã trả lương cầu thủ hằng tháng với chi phí cao, lương phù hợp nên thưởng tết lại phải chi trả vài tỉ đồng nữa là điều không thể. Các đội bóng được xem là rủng rỉnh nhất lúc này có Hà Nội T&T, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và FLC Thanh Hóa đều có thưởng nhưng không quá vượt trội.

HAGL vẫn thực hiện như hằng năm là mỗi cán bộ, HLV, VĐV được 1 tháng lương. Mức thưởng tết ở nhiều đội bóng đá ở mức 5 triệu đồng thì so với các đồng nghiệp tại những môn thể thao khác, thưởng tết của họ vẫn cao. Thực tế, HLV, VĐV của bóng đá đang là những cá nhân được hưởng lương cao nhất trên mặt bằng chung của thể thao Việt Nam và các đội bóng luôn thưởng sau từng kết quả thi đấu tốt nên thưởng tết có ít cũng là bình thường.


Ý kiến bạn đọc