Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Cần sớm ban hành Luật quy hoạch

14:24, 15/01/2016
|

(VnMedia) - Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, hiện nay Luật quy hoạch chưa có do đó Bộ Xây dựng cần thiết sớm xây dựng để trình Quốc hội xem xét.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2016 ngành Xây dựng sáng 15/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đánh giá, hiện nay hệ thống chính sách pháp luật về xây dựng ngày càng hoàn thiện và đồng bộ; giá trị sản xuất ngành xây dựng luôn giữ mức cao, bình quân 7% năm, riêng 2015 đạt 11,2%, đóng góp tích cực vào trăng trưởng chung của cả nước. Công tác quy hoach xây dựng được quan tâm hơn, cơ bản đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ phủ kín đô thị đạt 100%. Bộ Xây dựng đã kiến nghị, đề xuất Nhà nước đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cấu trúc được thị trường. Bên cạnh đó còn chăm lo phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng có thu nhập thấp.

Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2016 ngành Xây dựng
Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2016 ngành Xây dựng

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, bên cạnh những thành quả tích cực đã đạt được, năm 2016 ngành Xây dựng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực xây dựng. “Có Nghị định rồi phải có thông tư. Hiện nay Luật chưa có là Luật Quy hoạch nên cần phải làm trong thời gian tới. Bên cạnh đó ngành Xây dựng cần tiếp tục rà soát các quy hoạch hiện có để nâng cao chất lượng các dự án và quản lý thật tốt”. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ, ngành địa phương cần tập trung mọi nguồn lực cho công tác quy hoạch.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, ngành Xây dựng bước vào thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2015 trong bối cảnh có những thuận lợi căn bản đó là: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, kinh tế trong nước tiếp tục hồi phục với mức tăng trưởng khá, khó khăn của doanh nghiệp từng bước được tháo gỡ… nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Năm 2015, giá trị sản xuất ngành Xây dựng đạt khoảng 974 nghìn tỷ đồng (tăng 11,4% so với năm 2014); tính theo giá so sánh năm 2010 đạt khoảng 778 nghìn tỷ đồng (tăng 11,2% so với năm 2014, tăng 40,2% so với cuối năm 2010, bình quân giai đoạn 2011-2015 tăng khoảng 7%/năm). Năm 2015, tỷ lệ đô thị hóa cả nước 35,7% (tăng 1,2% so với 2014 và tăng 5,2% so với 2010), tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100% (tăng 7% so với năm 2010), quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 98,2% (tăng 3,3% so với 2014, tăng 71,8% so với 2010). Tính trong giai đoạn 2011-2015, Bộ Xây dựng đã lập, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 44 đồ án quy hoạch xây dựng , 18 đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật .

Tính đến tháng 12/2015, cả nước có 787 đô thị, trong đó có 02 đô thị đặc biệt, 15 đô thị loại I, 25 đô thị loại II, 42 đô thị loại III, 75 đô thị loại IV và 628 đô thị loại V. Các chỉ tiêu về tỷ lệ đô thị hóa, chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật đô thị đều có chuyển biến tích cực so với năm 2014 và so với đầu nhiệm kỳ 2011-2015 .

Bộ trưởng cũng nêu rõ, năm 2015, ngành Xây dựng đã hoàn thành đầu tư xây dựng 33 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 13 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng 6.164 căn hộ và 20 dự án nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng 8.273 căn hộ. Tính đến nay, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 135 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 51 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, quy mô 25.850 căn hộ và 84 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, quy mô xây dựng 28.550 căn hộ. Hiện ngành Xây dựng tiếp tục triển khai 108 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng 61.290 căn hộ và 63 dự án nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 69.300 căn hộ.

Tính đến hết tháng 12/2015, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 22,0m2 sàn/người (tăng 1,1m2 sàn/người so với năm 2014, tăng 4,5m2 sàn/người so với năm 2010).

Các nhiệm vụ trọng tâm ngành

Theo Bộ trưởng Xây dựng, mặc dù ngành Xây dựng đạt được nhiều thành tựu nhất định nhưng vẫn còn một số hạn chế như: Chất lượng một số công trình xây dựng còn thấp; tình trạng thất thoát, lãng phí, chậm tiến độ thi công vẫn còn là vấn đề gây nhiều bức xúc; việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, công bố một số định mức kinh tế kỹ thuật phục vụ quản lý đầu tư xây dựng vẫn còn chậm. Công tác phát triển nhà ở tại một số địa phương chưa thực sự được quan tâm đúng mức, chưa thu hút được các doanh nghiệp tham gia đầu tư; nguồn cung nhà ở xã hội còn thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế; chất lượng dịch vụ, công tác quản lý sử dụng chung cư ở một số nơi còn nhiều bất cập.

“Nguyên nhân chủ yếu do một số văn bản dưới Luật ban hành chậm do có nhiều nội dung đổi mới, phạm vi điều chỉnh liên quan đến nhiều đối tượng, Bộ, Ngành và địa phương, một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau nên cần có thời gian để lấy ý kiến, tiếp thu, giải trình. Trong một số trường hợp nguyên nhân gây ra thất thoát, lãng phí, mất an toàn trong đầu tư xây dựng là do thiếu vai trò quản lý, kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, áp dụng không đúng các định mức kinh tế – kỹ thuật, sự hạn chế về năng lực hoặc thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa thực sự quan tâm, quyết liệt trong triển khai công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị; kinh phí dành cho công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị còn hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước, chưa đa dạng hóa, xã hội hóa được các nguồn lực để thực hiện” - Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng cũng đưa ra một số chỉ tiêu Ngành Xây dựng phấn đấu đạt được trong năm 2016 như: Tỉ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 36,8%. Tỷ lệ quy hoạch vùng tỉnh đạt 100%, quy hoạch chung đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt khoảng 75%, quy hoạch chi tiết đạt khoảng 35%, quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 100%. Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 22,6m2 sàn/người. Tổng sản lượng xi măng tiêu thụ đạt khoảng 74-75 triệu tấn. Giá trị sản xuất xây dựng toàn Ngành tính theo giá hiện hành tăng khoảng 10% so với năm 2015.

Năm 2016, ngành Xây dựng cũng đề ra 12 nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện như: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành; tập trung triển khai Luật Xây dựng và các Nghị định; Thông tư hướng dẫn Luật; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia…


Ý kiến bạn đọc