Người không trung thực không được ứng cử đại biểu Quốc hội

17:00, 05/01/2016
|
Người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, cục bộ, bảo thủ, đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng sẽ không được đưa vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa tới.

Ngày 4/1, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành chỉ thị số 51 về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Chỉ thị nêu rõ bối cảnh quốc tế và khu vực có những thuận lợi và khó khăn đan xen, các thế lực thù địch chưa từ bỏ âm mưu, hoạt động chống phá chế độ, cản trở sự nghiệp đổi mới của nhân dân. Tổ chức tốt cuộc bầu cử là để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền do nhân dân, vì nhân dân. Vì vậy việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong năm 2016. 

Người dân đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 12. Ảnh: X.H.
Người dân đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 12. Ảnh: X.H.

Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đạt kết quả cao, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo thực hiện tốt 8 nhiệm vụ.

Về công tác nhân sự, Tổng bí thư nhấn mạnh cần lãnh đạo tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ; gắn kết quả nhân sự của đại hội Đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn, có năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

"Không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; đã bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận không trung thực; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng", văn bản nêu rõ.

Chỉ thị nêu rõ, việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và việc tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải bảo đảm theo đúng quy trình pháp luật và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền; cần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bầu cử; bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử.

Các cấp ủy và tổ chức Đảng cần chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng phương án bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân; ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật về bầu cử. Có phương án chủ động đối phó với những tình huống thiên tai có thể xảy ra trong thời gian tiến hành bầu cử. 

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 dự kiến tiến hành vào ngày 22/5.

 


Ý kiến bạn đọc