Đã khắc phục được tình trạng thu hồi đất tùy tiện, tràn lan

17:59, 05/01/2016
|

(VnMedia) - Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất theo Luật Đất đai năm 2013 đã khắc phục được tình trạng thu hồi đất tràn lan như trước đây, đồng thời đã sàng lọc được các nhà đầu tư có năng lực bảo đảm đưa đất vào sử dụng, không để đất đai lãng phí bỏ hoang...

Sáng nay (5/1/2016), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức tổng kết công tác năm 2015, triển khai kế hoạch công tác năm 2016.

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất năm qua đã được các địa phương cơ bản triển khai thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt, bảo đảm đúng các quy định của pháp luật về đất đai, khắc phục được tình trạng thu hồi đất tràn lan như trước đây, đồng thời sàng lọc được các nhà đầu tư có năng lực bảo đảm đưa đất vào sử dụng, không để đất lãng phí bỏ hoang.

Theo báo cáo của 56/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đã thực hiện giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích hơn 69.000 ha cho hơn 3.000 tổ chức và gần 2.500 hộ gia đình, cá nhân để thực hiện các công trình, dự án phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng và đảm bảo nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đưa nguồn thu từ đất đai trong 9 tháng đầu năm 2015 lên đạt 39,4 tỷ đồng.

thu hồi đất tràn lan
Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, Luật Đất đai 2013 đã khắc phục được tình trạng thu hồi đất tùy tiện, tràn lan

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tập trung chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp để hoàn thiện hồ sơ địa chính, đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Đến nay, cả nước cơ bản hoàn thành mục tiêu cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, đạt trên 94,9% tổng diện tích các loại đất cần cấp, trong đó riêng trong 11 tháng đầu năm 2015 cả nước đã cấp được hơn 200.000 Giấy chứng nhận. Hệ thống hồ sơ địa chính tiếp tục được hiện đại hóa, cả nước có đã có 107 đơn vị cấp huyện đang vận hành cơ sở dữ liệu đất đai nhiều địa phương đã thực hiện liên thông với hệ thống cơ quan thuê để phục vụ đa mục tiêu (trong đó có 59 đơn vị cấp huyện đã vận hành và quản lý cơ sở dữ liệu đất đai liên thông ở cả 3 cấp), có 9.027 đơn vị cấp xã xây dựng cơ sở dữ liệu đất lúa.

Năm qua, Bộ đã hoàn thành giai đoạn I Dự án hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (VLAP) trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long. Bộ đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng văn kiện giai đoạn II của Dự án.

Đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định, khiếu nại trong lĩnh vực đất đai đã giảm, chỉ có 45/1.214 vụ việc khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính thực hiện theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Cụ thể, tính từ 15/8/2014-15/8/2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được 1.813 vụ việc (chiếm 94% số vụ việc) liên quan đến lĩnh vực đất đai, trong đó có 1.214 vụ việc khiếu nại liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai, chủ yếu là thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cưỡng chế thu hồi đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hầu hết các vụ việc khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính được thực hiện theo chính sách, pháp luật đất đai trước thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực (chỉ có 45/1.214 vụ việc khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính thực hiện theo quy định của Luật Đất đai năm 2013). Đối với vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ và vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao đều là các vụ việc phát sinh trước thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực.

Về mặt hạn chế, Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tại một số địa phương, việc áp dụng thực hiện quy định về thu hồi đất, điều kiện để được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chưa thực sự thực hiện triệt để theo tinh thần tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Ngoài ra, mặc dù tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cơ bản hoàn thành nhưng kết quả cấp Giấy chứng nhận trên cơ sở bản đồ địa chính, trích đo địa chính có tọa độ còn hạn chế. Số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất tại các cấp còn ít; việc thanh tra, kiểm tra đối với các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai tại các địa phương chưa được tăng cường mạnh mẽ; việc xử lý vi phạm còn chậm, kéo dài, kết quả xử lý còn khiêm tốn so với số lượng các vi phạm đã phát hiện; tính răn đe, ngăn chặn của công tác thanh tra, kiểm tra chưa cao. Việc rà soát, tổ chức lại Văn phòng đăng ký đất đai và Trung tâm phát triển quỹ đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 còn chậm. Một số địa phương chưa thật sát sao, quyết liệt trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải tiếp tục nghiên cứu những giải pháp thúc đẩy giải phóng mặt bằng nhanh hơn để ít xảy ra khiếu kiện hơn. “Cần nghiên cứu mô hình, đưa ra dự án thí điểm cho phép thuê tổ chức định giá. Nếu cứ như thế này thì không phát triển được. Cơ sở hạ tầng còn rất yếu kém, dù đột phá nhưng vẫn còn rất yếu kém. Cứ đền bù giải phóng mặt bằng như vậy thì không có cách gì tránh được trượt giá.” Phó Thủ tướng nói.


Ý kiến bạn đọc