Việt Nam tự nguyện đóng góp 1 triệu đô la vào Quỹ Khí hậu xanh

21:23, 16/12/2015
|

(VnMedia) - Ngoài việc cam kết sẽ giảm phát thải khí nhà kính so với kịch bản cơ sở 8% thì Việt nam sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016 - 2020.

Đây là thông tin được Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết tại buổi họp báo cung cấp thông tin về kết quả Hội nghị và hoạt động của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21).

Cop21

Hội nghị lịch sử

Tại cuộc họp báo tổ chức chiều 16/12, ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khi tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu cho biết, Hội nghị COP21 diễn ra từ ngày 29/ 11 đến ngày 12/12 với sự tham gia của 36.000 đại biểu, trong đó có 23.000 đại biểu các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), 9.400 đại biểu từ các tổ chức và các cơ quan UN, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và các tổ chức dân sự xã hội khác. Cùng với đó là 3700 đại biểu từ các cơ quan thông tấn báo chí.

Sau 2 tuần họp báo căng thẳng với các phiên họp kéo dài suốt đêm trong giai đoạn nước rút, vào lúc 19h28 (giờ Paris) ngày 12/12, đại diện của 195 nước tham dự Hội nghị COP21 đã chính thức thông qua Thỏa thuận Paris.

“Thỏa thuận khí hậu vừa đạt được tại Hội nghị là một bước đột phá quan trọng trong nỗ lực của Liên hợp quốc suốt hơn hai thập kỷ qua nhằm thuyết phục chính phủ các nước hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm, hạn chế việc gia tăng nhiệt độ của trái đất” – ông Nguyễn Văn Tuệ thông tin.

Bản thỏa thuận Paris có 31 trang, 29 điều khoản và sẽ thay thế Nghị định thư Kyoto từ năm 2020. Thỏa thuận Paris sẽ có hiệu lực trong vòng 30 ngày sau khi có ít nhất 55 quốc gia, chiếm ít nhất 55 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu phê chuẩn.

Ông Tuệ cho biết, về mục tiêu, thỏa thuận này đặt ra mức tăng nhiệ độ của trái đất đến năm 2100 là thấp hơn đáng kể so với ngưỡng 2 độ C và gắng tiến tới ngưỡng thấp hơn 1,5 độ C.

Thỏa thuận Paris còn đề ra cơ chế để mỗi nước tự nguyện rà soát, theo đó, từ năm 2023, cứ 5 năm/lần, Liên hợp quốc sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả tổng hợp về các nỗ lực chống biến đổi khí hậu của các nước. Việc đánh giá này sẽ giúp các nước có thêm thông tin để cập nhật và tăng cường các cam kết của họ.

Trong điều khoản về “tổn thất và thiệt hại”, các bên sẽ tăng cường hiểu biết, hành động và hỗ trợ thông qua cơ chế quốc tế về tổn thất và thiệt hại cùng với tác động của biến đổi khí hậu.

Các nước phát triển sẽ cung cấp nguồn lực tài chính để hỗ trợ các nước đang phát triển thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và các bên được khuyến khích cung cấp hoặc tiếp tục cung cấp hỗ trợ này trên cơ sở tự nguyện. Mức đóng góp 100 tỷ đô la mỗi năm cho đến năm 2020 tiếp tục được khẳng định lại nhưng quan trọng là thỏa thuận Paris xem con số 100 tỷ USD này không đủ và đang kêu gọi tăng thêm. Đến năm 2025 sẽ lại đưa ra được một con số cụ thể khác về đóng góp tài chính.

Đặc biệt, theo đánh giá ban đầu, Thỏa thuận đã đề cập đến các vấn đề mà Việt Nam đang quan tâm trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việt Nam tự nguyện đóng góp 1 triệu đô la trong 5 năm

Tại Hội nghị, trong phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra cam kết mạnh mẽ của Việt Nam góp phần cùng cộng đồng Quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời tuyên bố: “Việt Nam sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016 – 2020. Về đóng góp giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam sẽ thực hiện giảm phát thải so với kịch bản co sở là 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.

Trao đổi với PV VnMedia, PGS. TS Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu cho biết, việc cam kết đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh này là hoàn toàn tự nguyện. Quỹ này sẽ được điều hành bởi một tổ chức và việc dùng Quỹ để giúp lại đối với các nước đang hoặc chưa phát triển, như Việt Nam. Số tiền mà Việt Nam sẽ được hưởng lợi có thể lớn hơn gấp nhiều lần mức mà chúng ta đóng góp vào.


Ý kiến bạn đọc