Thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng mới mua được nhà

11:15, 21/12/2015
|

(VnMedia) - Báo cáo "Nhà ở giá hợp lý ở Việt Nam - Con đường phía trước" do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố cho biết hiện Việt Nam có tới 40% dân số có thu nhập không đủ để mua nhà.

Báo cáo cũng cho biết, hiện có khoảng gần 20% hoặc khoảng 4,8 triệu hộ gia đình ở Việt Nam vẫn còn đang sống trong điều kiện khó khăn.

Theo WB, hiện nay giá nhà tại Việt Nam vẫn nằm ngoài khả năng chi trả của người thu nhập thấp. Phân tích khả năng chi trả dựa trên nhóm thu nhập cho thấy chỉ những người có mức thu nhập từ 10,3 triệu đồng trở lên mới có đủ khả năng chi trả cho các căn hộ thương mại do các chủ dự án xây.

Theo WB, dù gói kích cầu 30.000 tỷ đã nới rộng khả năng chi trả cho các hộ gia đình thu nhập trung bình bằng việc giảm đáng kể lãi suất cố định xuống thấp hơn so với giá trị trườngn nhưng giá nhà vẫn nằm ngoài khả năng chi trả của các nhóm thu nhập thấp hơn, chiếm tới 40% dân số.

Báo cáo nêu rõ, hạn chế về tiếp cận tài chính nhà ở là một cản trở lớn trong việc cải thiện khả năng chi trả của người dân. Tại Việt Nam, có đến 68% lực lượng lao động thuộc nhóm lao động tự do và do vậy không đủ điều kiện thế chấp.

Bên cạnh đó, thiếu nguồn cung đất đai là cản trở lớn đối với khả năng xây dựng nhà ở giá hợp lý. Hàng năm, nhu cầu đất đô thị ước tính là khoảng 11.500 héc ta. Nguồn cung chính thức hiện nay còn xa mới theo kịp cầu, khiến giá đất tăng cao và bó hẹp khả năng chi trả của người dân.

Tính toán dựa trên ước tính thu nhập sơ bộ (đô thị Việt Nam 2014) từ mẫu rút gọn của VHLSS 2012, số liệu về thu nhập tăng 13% theo CPI và phân tích thị trường tài chính.

Cũng theo WB, hàng năm Việt Nam thiếu hụt khoảng 374.000 căn nhà trong vòng 5 năm tới. Xu hướng dân số tăng và sự hình thành các gia đình mới là nguyên nhân chính của sự thiếu hụt về số lượng nhà ở. Số lượng các hộ gia đình thành thị được dự báo sẽ tăng khoảng 1,9 triệu, từ 8,3 triệu năm 2015 lên đến 10,1 triệu vào năm 2020. Sự gia tăng này chủ yếu do tỉ lệ gia tăng dân số thành thị được dự đoán là 3,03% một năm và việc giảm quy mô hộ gia đình thành thị 1,09% một năm.

WB khuyến nghị Việt Nam nên gia tăng và tái định hướng chi tiêu chính phủ trong lĩnh vực nhà ở. Trong đó, tập trung vào các chương trình hỗ trợ và hướng tới hai nhóm thu nhập thấp nhất, các thành phố có tăng trưởng cao, nơi nhu cầu về nhà ở là cấp thiết nhất.

Đồng thời, xây dựng Chương trình Nhà ở Giá hợp lý Quốc gia, là phương tiện để thực hiện Luật Nhà ở năm 2015 và đưa ra những can thiệp của chính phủ trong lĩnh vực nhà ở. Chương trình này sẽ bao gồm các sáng kiến ​​để tăng cường khả năng tiếp cận tài chính nhà ở, kích thích nguồn cung nhà cho thuê giá hợp lý và thúc đẩy thực hiện xây dựng nhà ở cơ bản  để hỗ trợ khu vực nhà ở tự xây dựng.

Việt Nam cũng cần ưu tiên cải cách cơ cấu để nâng cao khả năng quản trị trong lĩnh vực nhà ở và quản lý đất đô thị. Cụ thể là ưu tiên tăng cường cơ quan điều phối liên ngành phối hợp với tất cả các bên liên quan và tổ chức thực hiện những sáng kiến ​​về nhà ở nhất định, và đưa ra những cải cách về thuế nhà đất.


Ý kiến bạn đọc