Sẽ trình Chính phủ để xử lý vấn đề "hoàng hôn nhiệm kỳ"

16:29, 21/12/2015
|

Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng cho biết, sẽ nghiên cứu, trình Chính phủ xin ý kiến xử lý tình trạng địa phương tổ chức cho cán bộ đi du lịch cuối nhiệm kỳ.

“Hoàng hôn nhiệm kỳ” thực tế là đi du lịch "trá hình"

Mới đây các đại biểu Quốc hội đã từng chất vấn về tình trạng các địa phương, bộ ngành tổ chức cho cán bộ, lãnh đạo sắp nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu đi nước ngoài diễn ra phổ biến. Hiện tượng này được ghi nhận nhiều hơn ở các cấp chính quyền địa phương từ quận, huyện, xã phường... và được nhiều đại biểu chất vấn là một biểu hiện của tham nhũng.

Như trường hợp của Quảng Nam, tỉnh này đã phê duyệt cho một loạt quan chức "hoàng hôn nhiệm kỳ" đi Nam Phi để ‘khảo sát, học tập kinh nghiệm’ về công tác quy hoạch, xây dựng các khu đô thị, khu kinh tế, quản lý du lịch, bảo tồn thiên nhiên.

Tại quyết định số 2977 do ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký ngày 21/8/2015 ghi rõ, 26 thành viên này ‘đi khảo sát các cơ sở du lịch, dịch vụ, thương mại; học tập kinh nghiệm về công tác quy hoạch, xây dựng các khu đô thị, khu kinh tế, quản lý du lịch, bảo tồn thiên nhiên tại Nam Phi’. 

Thời gian dự kiến 9 ngày, từ ngày 05/09/2015 đến ngày 13/09/2015. Về kinh phí, hầu hết các trường hợp chi từ nguồn lợi nhuận kinh doanh kinh tế Đảng cấp qua cho Sở Ngoại vụ theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước. Một số trường hợp, cá nhân tham gia đoàn tự đảm bảo kinh phí.
 
Trong danh sách này phần lớn là các quan chức ở 'hoàng hôn nhiệm kỳ', 15 người đã và sắp về hưu, số còn lại hầu như không tái cử ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2015-2020 vì hết tuổi.
 
Theo ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, những chuyến đi vội vàng, chóng vánh của nhiều cán bộ địa phương, kể cả Trung ương vào thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ” thực tế là đi du lịch "trá hình".

“Tôi có được xem qua chương trình đi công tác nước ngoài của một số tỉnh, thấy số buổi dành để nghiên cứu học tập là rất ít, chỉ chiếm 1/5-1/6 lịch trình (khoảng 1-2 buổi) nhưng cũng không rõ ràng. Không có đề cương làm việc cụ thể, hầu hết là đi du lịch, thăm quan thắng cảnh. Ví dụ đi Ý, thì thăm những di sản văn hóa, đấu trường, nhà thờ… Tôi từng nói thẳng đây không phải là đi công tác mà là đi du lịch “trá hình””, ông Tiến thẳng thắn.

Ông Tiến còn nói thẳng, sử dụng ngân sách địa phương tổ chức cho cán bộ, lãnh đạo cuối nhiệm kỳ đi du lịch có thể xem là một biểu hiện của tham nhũng.

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt. Ảnh: Báo Giao thông
Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt (Ảnh: Báo Giao thông)

Sai rõ rồi

Trước ý kiến cho rằng "đi du lịch trá hình cũng là một hiện tượng tham nhũng", ông Đạt cho hay: "Lấy tiền ngân sách của địa phương tổ chức cho cán bộ cuối nhiệm kỳ đi học tập, tập huấn là sai mục đích hoàn toàn. Biểu hiện rất rõ ràng có thể ghi nhận ngay là cho cán bộ đi học tập về nghỉ hưu chứ không phải đi học tập để phục vụ.

Trong bối cảnh Chính phủ và Quốc hội đang kêu gọi thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, trường hợp của Quảng Nam cũng có thể xem là đã đi ngược chủ trương chỉ đạo chung. Biểu hiện không tiết kiệm, sử dụng ngân sách sai mục đích, không hiệu quả là sai rồi, cần phải xử lý nghiêm".

Tuy nhiên, có coi đây là hiện tượng tham nhũng hay không, vị lãnh đạo Cục tỏ ra rất thận trọng.

"Có phải là hành vi tham nhũng hay không thì cần phải được nhìn nhận từ nhiều khía cạnh khác nhau. Từ quyết định cho đi, tới xác định nguồn tiền trợ cấp từ đâu... cũng cần phải được tìm hiểu rõ. Dựa trên cơ sở đó sẽ có hình thức xử lý hình sự hay hành chính cho phù hợp.

Trước mắt, chúng tôi đang lắng nghe, tập hợp ý kiến từ nhiều phía, tới đây sẽ có báo cáo Chính phủ xin chỉ đạo nhằm chấn chỉnh hiện tượng này. Về lâu dài sẽ kiến nghị đưa vào Luật quản lý hành chính hoặc Luật phòng chống tham nhũng, đưa ra những chế tài xử lý cụ thể", ông Đạt thông tin.


Ý kiến bạn đọc