Càng nhiều đường cao tốc, Hà Nội càng… tắc đường

06:30, 09/12/2015
|

(VnMedia) - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, việc hoàn thành nhiều tuyến đường cao tốc như Hà Nội - Lào Cai và Hà Nội - Hải Phòng… thúc đẩy được kinh tế, giao thương phát triển giữa các địa phương với Hà Nội, nhưng lại khiến giao thông Hà Nội bị quá tải…

Sáng 8/12, tại Hà Nội, Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm công tác bảo đảm trật tự ATGT giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020.

Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng trình bày cho biết, sau 5 năm triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) và 4 năm thực hiện Nghị quyết số 88-NQ/CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ, tình hình TTATGT đã được kiềm chế, tai nạn giao thông giảm liên tục cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với giai đoạn trước. Đặc biệt, năm 2014 là năm đầu tiên trong vòng 14 năm trở lại đây số người thiệt mạng TNGT giảm xuống dưới 9.000 người, mặc dù số lượng phương tiện tăng cao. Trong kỳ, tính từ 2011 đến 2015, TNGT giảm trên 50% số vụ.

Năm 2015, số người chết và số người bị thương vì tiếp tục giảm, đặc biệt, số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế, đồng thời, vi phạm về chở hàng hoá quá tải trọng trên đường bộ đã giảm mạnh.

Tuy nhiên, tình hình TTATGT tiếp tục diễn biến phức tạp trong điều kiện dân số, nhu cầu đi lại và phương tiện cơ giới tăng nhanh. Số người chết và bị thương vì TNGT còn ở mức cao. TNGT đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra mà con số gây nhức nhối là mỗi năm vẫn còn gần 9.000 người chết vì TNGT. Tình trạng xe chở quá tải trọng giảm tới 85% nhưng còn diễn biến phức tạp; tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, Hà Nội có thuận lợi là được Trung ương quan tâm, hỗ trợ nhưng điều đó cũng là một áp lực lớn. Theo đó, vừa qua, Bộ GTVT đã hoàn thành nhiều tuyến đường như Hà Nội - Lào Cai và Hà Nội - Hải Phòng, điều này là rất tốt vì thúc đẩy được kinh tế, giao thương phát triển giữa các địa phương với Hà Nội và ngược lại. Tuy nhiên, chính điều này lại khiến giao thông Hà Nội bị quá tải.

“Giao thông trước đây 4-5 tiếng mới về đến Hà Nội, nay lưu lượng giao thông rất nhanh, đổ về Hà Nội gây ùn tắc giao thông” - ông Hùng nói. Theo ông Hùng, thành phố Hà Nội sẽ phải tổ chức kết nối giao thông thì mới có thể đáp ứng nhu cầu ngày một tăng về giao thông. Ngoài ra, ông Hùng khẳng định, Hà Nội sẽ tập trung phối hợp với bộ, ngành trung ương hạn chế việc xây dựng nhà cao tầng để giảm ùn tắc giao thông.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Trong khi đó, ông Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT Bộ Công an cũng cho rằng, Hà Nội cần nhanh chóng thực hiện các giải pháp như: đưa bệnh viện, trường học, nhà cao tầng ra khỏi Thủ đô, đồng thời phải có các biện pháp cân đối phương tiện gia tăng, đặc biệt là sau sự kiện Việt Nam gia nhập TPP, thuế nhập khẩu xe giảm xuống, lượng xe sẽ tăng lên rất lớn. Thiếu tướng Trần Sơn Hà cũng cho biết, hai thành phố lớn đều có kiến nghị về việc nhiều công trình thi công làm kéo dài gây ùn tắc giao thông.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia yêu cầu các cấp, ngành, địa phương cần thống nhất phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cần tập trung trong giai đoạn 2016 - 2020 để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả tốt nhất công tác đảm bảo TTATGT.

Phó Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của nhân dân bằng các hình thức thích hợp để thay đổi hành vi của người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, phải sửa đổi, bổ sung một số quy định, áp dụng khoa học công nghệ trong bảo đảm ATGT.

Phó Thủ tướng yêu cầu, bên cạnh việc tuyên truyền, cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm để bảo đảm răn đe, hạn chế vi phạm và TNGT; Có đề án truyền thông cụ thể, có quy trình xét nghiệm nồng độ cồn trong máu người tham gia giao thông.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào thi đua bảo đảm ATGT giai đoạn 2016-2020 trong các cơ quan chuyên trách và toàn thể nhân dân.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020 là giảm tiếp 5-10% số vụ TNGT, số người chết, số người bị thương hằng năm; giảm TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến đường sắt, đường thủy nội địa, ô tô kinh doanh vận tải; tiếp tục kéo giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn (đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh), không để xảy ra ùn tắc kéo dài trên 30 phút; tiếp tục thực hiện năm ATGT hằng năm với từng chủ đề phù hợp, với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”.


Ý kiến bạn đọc