Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sáng nay 16.12, bão Melor đã vượt qua khu vực miền Trung Philippines đi vào Biển Đông.
Theo tin từ TTXVN, lúc 8 giờ ngày 16.12, vị trí tâm bão số 5 cách đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa khoảng 680 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (tức là từ 105 đến 135 km một giờ), giật cấp 14-15.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Melor nên đêm qua và sáng nay (16.12), vùng biển Quảng Ngãi có gió giật mạnh dần lên cấp 6- 7, giật cấp 8. Độ cao sóng từ 2 đến 3m. Biển động mạnh, tàu thuyền không ra được khơi. Trong đất liền có mưa, có nơi mưa vừa đến mưa to, đợt mưa này có khả năng kéo dài 3-5 ngày, nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống ở miền núi…
Theo báo cáo nhanh của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 5h30 ngày 16/12, có khoảng 769 tàu với 5.509 ngư dân đang hoạt động trên các vùng biển. Trong đó, vùng biển Hoàng Sa là 61 tàu với 591 ngư dân; vùng biển Trường Sa là 63 tàu với 739 ngư dân; vùng biển tỉnh Quảng Ngãi 166 tàu với 1.092 ngư dân…
Lãnh đạo cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) thông tin: Tuyến vận tải Sa Kỳ - Lý Sơn tạm thời ngưng hoạt động từ chiều 15 vì thời tiết xấu, vùng biển có gió giật mạnh, biển động nên không thể cho tàu ra khơi.
"Có khoảng 80 khách đang mắc kẹt trên huyện đảo. Số ít ở khách sạn, còn lại ở nhờ nhà dân và nhà người quen. Huyện sẽ chỉ đạo các khách sạn giảm giá từ 10- 15% cho những khách có nhu cầu trú tại đây đến khi thời tiết ổn định và tuyến Lý Sơn - Sa Kỳ hoạt động bình thường trở lại"- bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn thông tin.
Còn theo VOV, sáng nay, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định đã họp triển khai công tác đối phó với bão. Hiện, tỉnh Bình Định còn 43 tàu cá với hơn 300 ngư dân đang hoạt động trên vùng biển quần đảo Trường Sa và 125 tàu cá với gần 900 ngư dân trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Ban Chỉ huy huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định chủ động thông báo tới tất cả các tàu về hướng di chuyển của cơn bão, tìm nơi trú tránh an toàn.
Ông Phan Xuân Hải, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết: “Hiện nay, chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi và hỗ trợ ngư dân trong việc di chuyển tránh bão. Tàu ở khu vực Trường Sa có 2 hướng, một là neo đậu lại tại các đảo trong khu vực quần đảo Trường Sa, thứ hai là di chuyển về hướng Philippines”.
Đến sáng nay, tỉnh Phú Yên còn hơn 150 tàu thuyền với hơn 1.000 lao động đang đánh bắt trên biển. Hiện tất cả tàu thuyền của ngư dân Phú Yên đã nhận được thông tin về đường đi của bão và tìm nơi neo đậu, phòng tránh tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã chuẩn bị các phương án đối phó với bão. Các lực lượng trên đảo khẩn trương giúp ngư dân chằng néo tàu, tránh va đập khi bão quét qua.
Ông Nguyễn Viết Thuân, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Hiện nay, lực lượng tàu cá gồm hơn 1.000 tàu đã vào các âu tàu, các lòng hồ. Có thể nói, ngư dân ta cũng tham gia cứu hộ cứu nạn cùng bộ đội, cũng có các phương án phối hợp giữa tàu quân sự với tàu cá với các lực lượng trên điểm đảo để cùng chống bão khi bão qua đảo, làm sao đảm bảo an toàn tuyệt đối”.
Ý kiến bạn đọc