(VnMedia) - Quốc hội quyết định tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới…
Tại Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, Ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, báo cáo kết quả với Quốc hội khóa XIV; tập trung vào 8 nội dung quan trọng.
Một trong các nội dung đó là thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bảo đảm mục tiêu, yêu cầu và nội dung của Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trong đó, Quốc hội quyết định tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới.
Quốc hội cũng yêu cầu hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nghiên cứu xây dựng chương trình giáo dục gắn với hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh; phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Trước đó, trả lời chất của các đại biểu Quốc hội về việc có để môn Lịch sử là môn độc lập hay tích hợp vào các môn khác? Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận khẳng định: Môn lịch sử không bị coi nhẹ mà được coi trọng hơn so với chương trình hiện hành.
“Hiện nay các cháu học lịch sử 1 tiết rưỡi một tuần, còn trong chương trình dự kiến, các cháu không học chuyên ban Khoa học Xã hội thì tăng thêm 1 tiết, thành 2,5 tiết, còn các cháu chuyên ban thì sẽ học 4 tiết một tuần và đều là tiết bắt buộc. Như vậy nội dung khối lượng kiến thức về lịch sử tăng lên" - Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết, Dự thảo hiện nay do Ban soạn thảo chương trình đưa ra sau khi có nhiều hội thảo, có các chuyên gia lịch sử tham gia. Hiện Ban soạn thảo và Bộ đang lắng nghe, trên cơ sở đó sẽ thảo luận tiếp thu, báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận trung ương, Ủy ban Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội và sau đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
“Đây là chuyện hệ trọng, nếu tích hợp làm nhẹ vai trò của môn lịch sử thì không tích hợp, còn nếu làm tăng thì sẽ tích hợp. Chúng tôi sẽ làm việc với các chuyên gia giáo dục và chuyên gia lịch sử trước khi quyết định” - Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, vấn đề quan trọng không phải là thời lượng mà là dạy môn lịch sử như thế nào. “Hiện nay môn lịch sử dạy độc lập, có hệ thống, có thày giáo chuyên ngành mà vẫn có nhiều hạn chế bộc lộ rõ. Học sinh làm bài thì “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, phòng thi đại học chỉ có một thí sinh. Liệu rằng khi chuyển sang học mới có nâng cao chất lượng hay không? cá nhân tôi cho rằng rất khó”- đại biểu Lê Văn Lai nói.
Ý kiến bạn đọc