Nữ Thủ tướng quyền lực nhất thế giới coi trọng Việt Nam

11:42, 26/11/2015
|

(VnMedia) - Tiếp tục chương trình thăm cấp Nhà nước tới Đức, chiều ngày hôm qua (25/11), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Thủ tướng Angela Merkel. Ảnh: TTXVN.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Thủ tướng Angela Merkel. Ảnh: TTXVN.

Thủ tướng Đức Merkel hoan nghênh Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp Nhà nước tới Đức đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đánh dấu một mốc mới trong quan hệ Đối tác chiến lược đang phát triển rất tốt đẹp giữa Việt Nam và Đức.

Thủ tướng Đức khẳng định Đức coi trọng vị thế của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á, mong muốn củng cố quan hệ nhiều mặt cùng có lợi với Việt Nam và thông qua Việt Nam tăng cường quan hệ với ASEAN.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn những tình cảm tốt đẹp và sự đón tiếp trọng thị của Bà Thủ tướng và Chính phủ Đức đã dành cho Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Chủ tịch nước đã thông báo cho Thủ tướng Đức về định hướng phát triển và chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới, theo đó Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ; hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm sử dụng hiệu quả mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững của đất nước.

Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam đặc biệt coi trọng phát triển quan hệ Đối tác chiến lược với Đức và mong muốn Đức duy trì vị trí đối tác châu Âu hàng đầu của Việt Nam trong các lĩnh vực thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, đào tạo nghề và hợp tác lao động. Việc Đức phát triển quan hệ sâu rộng với Việt Nam có ý nghĩa lớn trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh hội nhập và tham gia liên kết kinh tế quốc tế, thúc đẩy các Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương quan trọng, trong đó Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU được ưu tiên cao.   

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Merkel đánh giá cao sự phát triển nhanh và bền vững của trao đổi thương mại song phương. Trong vòng 5 năm trở lại đây, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp đôi, từ 4,1 tỷ USD năm 2010 lên 7,8 tỷ USD năm 2014; Đức luôn duy trì vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU, chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU. Nhiều doanh nghiệp lớn của Đức đã có mặt và hoạt động hiệu quả tại Việt Nam như Siemens, Mercedes-Benz, Bosch, B.Braun, Messer, Allianz... Tuy nhiên, đầu tư trực tiếp của Đức vào Việt Nam còn khiêm tốn, hiện mới đạt 1,41 tỷ USD, đứng thứ 5 trong EU.

Hai nhà Lãnh đạo nhất trí rằng Việt Nam và Đức có thế mạnh và cơ cấu kinh tế mang tính bổ trợ cho nhau. Với quy mô kinh tế lớn và thế mạnh về khoa học - công nghệ hiện đại của Đức cùng sự phát triển ổn định, năng động và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam, hai nước đang có môi trường và điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác thương mại - đầu tư. Nâng cao trao đổi thương mại và hợp tác đầu tư giữa hai nước, hiện đang trên đà tăng trưởng tích cực, là chủ trương nhận được sự đồng thuận của Lãnh đạo hai nước và kỳ vọng lớn của cộng đồng doanh nghiệp hai bên. Ngoài những hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU khi được ký kết và có hiệu lực, chắc chắn sẽ tạo động lực quan trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với Đức phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Hai nhà lãnh đạo nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại lên 20 tỷ và đầu tư của Đức tại Việt Nam lên 5 tỷ trong vòng 5 năm tới.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Merkel vui mừng trước sự tiến triển tốt đẹp của dự án Ngôi nhà Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh, một biểu tượng của mối quan hệ tin cậy và bền chặt giữa Việt Nam và Đức. Hai bên nhất trí sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, đầu tư, kinh doanh nhất là trong các lĩnh vực hai nước có thế mạnh và nhu cầu như công nghiệp chế tạo, kỹ thuật điện và điện tử, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, hàng tiêu dùng, hàng nông thủy sản…Thủ tướng Merkel nhất trí Đức sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Đức. 

Hai nhà Lãnh đạo cũng đã trao đổi sâu rộng về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; nhất trí tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc, ASEM, ASEAN - EU. Thủ tướng Đức khẳng định ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ với EU, trong đó có việc thúc đẩy sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và EU công nhận quy chế thị trường của Việt Nam. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam sẽ là cầu nối thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với EU và Đức.

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Đức Merkel khẳng định Đức ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam và ASEAN giải quyết vấn đề Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC).


Ý kiến bạn đọc