Nộp lại tiền tham nhũng, Dương Chí Dũng có cơ hội thoát án tử hình?

18:49, 27/11/2015
|

(VnMedia) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho biết: “Bộ luật Hình sự không có hiệu lực hồi tố. Những trường hợp xảy ra trước thời điểm Bộ luật có hiệu lực thì không được áp dụng. Với những vụ án đang trong quá trình chuyển tiếp thì sẽ có Nghị quyết của Quốc hội để giải quyết những vấn đề quá độ".

Chiều nay (27/11), Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13 đã bế mạc sau hơn một tháng làm việc, với một khối lượng công việc hết sức đồ sộ.

họp báo Quốc hội
Họp báo phiên sau bế mạc Quốc hội

Theo đó, tại kỳ họp, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để xem xét, thảo luận, thông qua 16 Luật, 15 Nghị quyết  và cho ý kiến về 10 dự án luật .

Các Bộ luật, Luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế trên tinh thần đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cụ thể hóa và bảo đảm các quyền hiến định của con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chế độ, trật tự, an toàn xã hội, tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

Cụ thể, Quốc hội thông qua Bộ luật dân sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật hình sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật tố tụng hành chính (sửa đổi); Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật tạm giữ, tạm giam nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp; tiếp tục hoàn thiện các quy trình, thủ tục về tố tụng, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp; tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong công tác giải quyết, xét xử các khiếu kiện hành chính, các vụ việc dân sự; bảo đảm hiệu quả công tác quản lý giam giữ phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; cụ thể hóa và bảo đảm các quyền hiến định của con người, của công dân, sự công tâm, khách quan của các cơ quan tố tụng...

Quốc hội cũng thông qua dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, góp phần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện tốt hơn chức năng giám sát của các cơ quan quyền lực nhà nước; khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật hiện hành về giám sát và thực tiễn hoạt động giám sát trong thời gian qua, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong thời gian tới, bảo đảm Hiến pháp và pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Đồng thời, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Nội quy kỳ họp Quốc hội, nhằm cụ thể  hóa các quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội và nhiều đạo luật khác góp phần bảo đảm đầy đủ nguyên tắc, quy trình, thủ tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội tại kỳ họp để thực hiện các quyền lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng, giám sát tối cao của Quốc hội .

Ngoài ra, tại kỳ họp này, các luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến nhằm tập trung thể chế hóa Hiến pháp 2013 về quyền cơ bản của con người, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, tín ngưỡng... để làm cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện dự án trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau...

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch, ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia, quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 vào ngày Chủ nhật, 22/5/2016.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã bầu Tổng thư ký để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội có hiệu lực từ 1/1/2016.

Để chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tại kỳ họp này, Quốc hội đã dành thời gian một ngày để các Đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận, góp ý kiến dự thảo Báo cáo chính trị và dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020. Đây là các văn kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho giai đoạn phát triển mới của đất nước...

Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, Kỳ họp thứ 10 đã thành công tốt đẹp, tiếp tục khẳng định niềm tin, trách nhiệm và sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân. Quốc hội trân trọng ghi nhận sự tham gia tích cực, trí tuệ, tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, trách nhiệm của Chính phủ; tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong suốt quá trình chuẩn bị và tiến hành kỳ họp.

Dương Chí Dũng có cơ hội thoát án tử hình?

Như VnMedia đã đưa tin, sáng nay, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi), trong đó có quy định “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.

Tại cuộc họp báo ngay sau phiên bế mạc, trả lời câu hỏi: “Với trường hợp bị kết án tử hình trước thời điểm 1/7/2016 (thời điểm Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực) như Dương Chí Dũng, Vũ Quốc Hảo… nếu nộp lại 3/4 số tiền tham ô thì có được áp dụng quy định này không?", ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: “Theo báo cáo hàng năm về công tác phòng chống tham nhũng, chúng ta thường chỉ thu hồi được từ 10 đến 30%, năm nay nhiều nhất là 50% số tiền thất thoát do hành vi tham nhũng gây ra. Trong một thời gian khá dài, tỷ lệ này rất thấp, chỉ trên dưới 10%. Vì vậy, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định việc phục hồi thiệt hại cho nhà nước thì có thể được xem xét về hình phạt.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho biết: “Bộ luật Hình sự không có hiệu lực hồi tố. Những trường hợp xảy ra trước thời điểm Bộ luật có hiệu lực thì không được áp dụng. Với những vụ án đang trong quá trình chuyển tiếp thì sẽ có Nghị quyết của Quốc hội để giải quyết những vấn đề quá độ.”

Điểm e, khoản 1, Nghị quyết về thi hành Bộ luật hình sự vừa thông qua sáng nay (ngay sau khi thông qua Bộ luật Hình sự), quy định như sau:

Đối với hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật hình sự năm 1999 xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để xử lý; trường hợp vụ án đã được xét xử và đã có bản án, quyết định của Toà án, thì không được căn cứ vào việc Bộ luật hình sự này không quy định tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng để kháng cáo, kháng nghị.

Nghị quyết cũng nêu rõ, trong trường hợp người bị kết án đang chấp hành án về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã chấp hành xong bản án thì vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật hình sự có hiệu lực trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 để giải quyết;

Nếu sau thời điểm 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật hình sự năm 1999 mà áp dụng quy định của Bộ luật hình sự này để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo tội danh tương ứng.

 


Ý kiến bạn đọc