(VnMedia) - Tiếp xúc cử tri, tôi rất đau đầu khi họ đặt vấn đề trồng bù rừng ở các dự án thủy điện. Nhưng hai Bộ trưởng trả lời như thế, tôi biết phải trả lời thế nào với cử tri? - đại biểu Trương Văn Vở chia sẻ sau phiên chất vấn đầu tiên của Kỳ họp.
Hôm qua (16/11), phiên chất vấn “chưa từng có” với sự đổi mới về cách thức được kỳ vọng sẽ đem đến một làn gió mới trong hoạt động chất vấn. Tuy nhiên, chất lượng chưa thực sự làm hài lòng các đại biểu và cử tri, kể cả về câu hỏi cũng như câu trả lời.
Với các Kỳ họp trước, thường có ý kiến phàn nàn rằng, có những vấn đề, có những vị Bộ trưởng mà đại biểu muốn đặt câu hỏi chất vấn nhưng đã không được lựa chọn bởi mỗi kỳ họp, nhiều nhất chỉ có 4 vị Bộ trưởng, trưởng ngành được lựa chọn đăng đàn.
Còn trong với hoạt động chất vấn của kỳ họp này, không một vị Bộ trưởng, trưởng ngành nào được lựa chọn trước, cũng đồng nghĩa với việc không một vị Bộ trưởng, trưởng ngành nào có cơ hội “thoát” sự chất vấn, truy đuổi của các đại biểu. Bất kỳ vấn đề nào, thuộc lĩnh vực nào cũng có thể được các đại biểu yêu cầu làm rõ ngay tại nghị trường, vào bất cứ thời điểm nào trong phạm vi thời gian diễn ra các phiên chất vấn.
Giữa phiên chất vấn chiều qua, một số vị đại biểu đã chia sẻ với báo chí đánh giá của họ về phiên chất vấn đầu tiên này.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời chất vấn ngày 16/11 |
Đại biểu Trương Văn Vở (Đông Nai): Bộ trưởng trả lời như thế, tôi biết trả lời cử tri thế nào?
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn và Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời chất vấn đề diện tích trồng rừng thay thế ở các dự án thủy điện, tôi thấy xác định chưa rõ. Mà xác định chưa rõ thì việc giải quyết tiếp theo khiến cử tri càng bức xúc.
Phải xác định diện tích trồng rừng để làm dự án thủy điện là bao nhiêu? Khả năng bố trí trồng rừng thay thế hoặc thu tiền để thay thế diện tích rừng bị mất là bao nhiêu? Phải cụ thể!. Phải xác định trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp đến đâu, Bộ Công Thương đến đâu, giải pháp tiếp theo ra sao...? Tôi cho rằng, đến nay thực hiện chưa đầy đủ Nghị quyết của Quốc hội là phải giải quyết dứt điểm trong năm 2015. Tôi rất mong hai Bộ trưởng trên tinh thần xác định trách nhiệm của mình.
Trước mắt, phải xác định rõ, phải báo cáo rõ trước Quốc hội, để Quốc hội bổ sung vào Nghị quyết để chỉ ra giải pháp, thời gian hoàn thành, vì lỡ không thực hiện đúng nghị quyết của Quốc hội một năm rồi. Để lửng lơ như thế chắc cử tri chưa hài lòng. Tôi rất đau đầu khi tiếp xúc cử tri họ đặt vấn đề này. Hai Bộ trưởng trả lời như thế, tôi không biết phải trả lời như thế nào với cử tri.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Bộ Giáo dục đã quá tự tin
Tôi quan tâm đến vấn đề giáo dục. Tất nhiên tôi rất thông cảm với Bộ, đây là công việc rất lớn. Chúng tôi luôn lưu ý Bộ trưởng cần rất thận trọng, vì đối tượng tác động vào là cả một thế hệ. Không chỉ tác động đến đối tượng học sinh, gắn với học sinh là cha mẹ, con cái với con đường học hành.
Nhưng hình như Bộ đã quá tự tin nên cảm giác đổi mới giáo dục, triển khai một chủ trương rất lớn mà như là triển khai một dự án nên dẫn tới sự chênh trong nhận thức xã hội, dẫn đến bức xúc không đáng có.
Ví dụ trong tích hợp môn lịch sử có liên quan đến bộ môn Giáo dục Quốc phòng An ninh, là đạo luật vừa thông qua. Tích hợp là xóa sổ một đạo luật, đây không phải là quyền hạn của một Bộ. Vì vậy phải thận trọng, không thể nói giờ tôi làm xong rồi tôi mới trình chỉnh sửa luật. Đây không phải tư duy của hành pháp.
Tôi cho rằng, điều bất cập của Bộ trưởng chính là cách làm việc. Ví dụ đưa thông tin, nguy cơ dẫn đến khai tử, xóa sổ môn lịch sử, vì Bô trưởng nói thời lượng rất nhiều, vẫn là môn bắt buộc nhưng không thi thì các cháu không học nữa. Trên thực tế là khai tử.
Tôi không nói khai tử là ở cái tên, tất nhiên tên cũng quan trọng, nhưng quan trọng nhất là một bộ môn truyền thống mà chúng ta không vực dậy, lại thay thế bằng môn chưa biết nó là cái gì, mới là ý tưởng thôi, ai có thể tin để ủng hộ? Riêng lĩnh vực này, Bộ Giáo dục nên cân nhắc, thận trọng, lắng nghe.
Đại biểu Lê Như Tiến(Quảng Trị): Chất vấn còn dàn trải
Những kỳ trước chất vấn giữa 2 kỳ họp, giờ tổng hợp lại từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thời gian dài ra, nội dung phong phú hơn, có tính chất tổng hợp, khái quát đánh giá cả quá trình 5 năm. Vì thế, kể cả câu hỏi và trả lời phải mang tính khái quát cao, đánh giá nhận định, có giải pháp cho cả nhiệm kỳ, đòi hỏi người hỏi và trả lời có tư duy khái quát.
Vừa qua, bên cạnh vị đại biểu hỏi tương đối trọng tâm thì có một số vị phát biểu như kiểu phát biểu lại của báo cáo Kinh tế - xã hội. Nếu phát biểu lại cũng đánh giá tình hình thì không còn ý nghĩa chất vấn.
Chất vấn là quy trách nhiệm người đứng đầu, những người do Quốc hội bầu và phê chuẩn chứ không phải là đi đánh giá lại tình hình, nói lại báo cáo của Chính phủ. Người trả lời cũng phải trả lời theo tinh thần ấy, có hay không việc các vị đại biểu Quốc hội chất vấn trước đây, đến nay sau 5 năm thực hiện đầy đủ chưa.
Người hỏi cũng thế, chẳng hạn từ kỳ trước tôi đã hỏi thì xử lý đến đâu, đã có câu trả lời chưa? Đã trả lời rồi thì có thực hiện đúng lời hứa trước Quốc hội? Như thế thiết thực hơn. Trả lời cũng phải theo hướng ấy. Bộ trưởng có thể trả lời đại biểu Quốc hội, rằng trước đây chất vấn tôi từng này vấn đề, chúng tôi đã xử lý từng này vấn đề, như Công Thương chất vấn về vấn đề hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, buôn lậu… trả lời đúng nội dung thế mới đúng trọng tâm, đúng chất vấn. Nếu nói tình hình của ngành thì không được.
Tôi có cảm giác chất vấn còn dàn trải, sa vào đánh giá lại toàn bộ hoạt động của Bộ mình, ngành mình trong cả thời gian dài. Ý nghĩa của việc truy đến cùng trách nhiệm không được bao nhiêu.
Chất vấn, ý nghĩa cuối cùng là truy rõ trách nhiệm của người do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Phải tìm ra, nếu chưa làm thì vì sao, trách nhiệm thuộc về ai. Trả lời, hỏi na ná giống báo cáo Kinh tế - xã hội, có cảm giác như thảo luận lần hai về kinh tế xã hội là không cần thiết.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (thành phố Hải Phòng):
Đây là sự cải tiến của Quốc hội trong việc đánh giá thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội trong nhiệm kỳ vừa qua, để đánh giá những gì chưa làm được, và làm được từ kỳ họp thứ 2 đến kỳ họp thứ 10, để chỉ đạo phát triển nền kinh tế của mình, bảo đảm an sinh xã hội.
Qua chất vấn tôi thấy cần khắc phục, phạm vi câu hỏi của đại biểu rất rộng, trong khi không đủ thời gian để các Bộ trưởng trả lời cặn kẽ. Một số câu hỏi của đại biểu đặt ra rất sắc sảo, đi vào cụ thể như việc thi cử, bổ nhiệm cán bộ nhưng cũng có một số câu hỏi mang tính chất sự vụ, trong phạm vi rất hẹp không đáp ứng được mong mỏi của cử tri.
Quan trọng nhất là qua chất vấn thì phải đề cao trách nhiệm cá nhân, nếu cứ còn tình trạng chung chung vẫn không khắc phục được tồn tại…
Ý kiến bạn đọc