Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, văn bản đề nghị Bộ trưởng Đinh La Thăng cung cấp thông tin cụ thể về vụ mua "lốt" vào bến xe Mỹ Đình là nhằm thu thập thông tin để kiểm tra, xác minh báo cáo UBND TP Hà Nội...
Liên quan đến vụ việc Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu trong một cuộc họp rằng, “có người nói với tôi, xin một "lốt" xe vào bến Mỹ Đình mất đến 500 - 600 triệu đồng”, đại diện Sở GTVT Hà Nội và bến xe Mỹ Đình khẳng định, từ năm 2013 đến nay, không cấp thêm mà chỉ duy trì ổn định 1.642 "lốt" xe bến Mỹ Đình. Còn việc mua bán "lốt" xe như thế nào, 2 đơn vị này hoàn toàn không nắm được.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết, đơn vị này không có thẩm quyền cấp "lốt" xe ra vào bến. Bến xe chỉ quản lý ô tô ra vào bến theo hồ sơ từ đơn vị cấp trên chuyển xuống. Còn khi có thay đổi hợp đồng thì phải kiểm tra các phương tiện, nếu đáp ứng các yêu cầu thì mới được thực hiện.
Trước thông tin phản ánh hiện tượng mua bán "lốt" xe tại bến Mỹ Đình, ông Tuấn nói: “Thông tin mua bán "lốt" xe chúng tôi hoàn toàn không nắm được”.
Đề cập vấn đề trên, ông Nguyễn Tuyển - Phó phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) - cho biết, từ cuối tháng 6 vừa qua, Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến 2020, định hướng 2030. Theo đó, 3 bến xe trên địa bàn Hà Nội gồm Mỹ Đình, Giáp Bát, Lương Yên giữ ổn định tần suất và phương tiện hoạt động đến 2020, chỉ tăng cường vào các dịp lễ, tết.
Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ năm 2013 đến nay không cấp mới "lốt" xe vào bến Mỹ Đình. |
Theo ông Tuyển, quy trình cấp "lốt" xe ra vào các bến thuộc thẩm quyền của Sở GTVT. “Doanh nghiệp có nhu cầu, có thể gửi hồ sơ qua đường bưu điện hay đến nộp trực tiếp ở phòng một cửa. Sau đó, chúng tôi sẽ có văn bản lấy ý kiến Sở GTVT tỉnh bạn (đầu đến và đi của xe khách). Khi có sự thống nhất giữa hai bên, chúng tôi sẽ ra văn bản chấp thuận cho xe khách vào bến hoạt động”, ông Tuyển giải thích quy trình cấp "lốt" xe vào bến.
Riêng bến xe Mỹ Đình, ông Tuyển khẳng định từ năm 2013 đến nay, không cấp thêm, chỉ duy trì ổn định 1.642 "lốt" xe mỗi ngày. UBND TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo Sở GTVT và Tổng công ty Vận tải Hà Nội, Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội không bổ sung tăng tần suất hoạt động của các tuyến vận tải khách liên tỉnh đi và đến bến xe Mỹ Đình (trừ những ngày lễ, tết).
Trước đó, trong cuộc họp giải quyết các kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nói: “Có người nói với tôi, xin một "lốt" xe vào bến Mỹ Đình mất đến 500 - 600 triệu đồng”.
Một ngày sau đó, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đã có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cung cấp thông tin cụ thể về “vụ 600 triệu đồng” này.
Có nhiều ý kiến cho rằng đề nghị trên của Sở GTVT không khác gì "đánh đố" Bộ trưởng Thăng. Khi nhận được thông tin về dấu hiệu tiêu cực như vậy, lẽ ra Sở nên chủ động điều tra, xác minh thay vì "đòi" Bộ trưởng cung cấp chứng cứ.
Tuy nhiên Sở GTVT Hà Nội giải thích, đề nghị trên là nhằm thu thập thông tin để kiểm tra, xác minh báo cáo UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT xử lý nghiêm theo đúng quy định. Qua đó, Sở GTVT Hà Nội cũng hướng đến việc đổi mới công tác quản lý, vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp.
* Ông Lương Quang Tuấn (nguyên kiểm sát viên Vụ kiểm sát điều tra án trị an xã hội và thực hành quyền công tố, Viện KSND tối cao): Quy trình ngược
Bộ trưởng phát biểu có nghĩa là việc đó có xảy ra. Nhiệm vụ của Sở GTVT Hà Nội là phải cho người đến tận nơi xác minh chứ không phải đi làm công văn yêu cầu bộ trưởng cung cấp thông tin.
Sở GTVT yêu cầu bộ trưởng cung cấp thông tin là theo quy trình ngược. Lẽ ra bộ trưởng phát biểu, thấy có cơ sở thì cấp dưới phải đi làm.
Theo các quy định của pháp luật, Sở GTVT có thể cho người đi xác minh bằng nhiều nguồn, nhiều cách khác nhau. Ví dụ như đến bến xe Mỹ Đình kiểm tra tất cả công ty có xe khách vào bến xem họ có mất lệ phí gì không.
Tuy nhiên muốn có được thông tin thì người đi xác minh phải khéo léo, phải để họ hiểu việc mình đi xác minh là để xử lý cái sai, bảo vệ quyền lợi của họ. Chứ nếu cứ hùng hổ đi theo đoàn, xác minh không khéo thì chủ xe có chết cũng không khai ra.
Cái hay của người đi điều tra và xử lý tin báo điều tra là ở chỗ đó.
* Luật sư Phạm Văn Thạnh (Đoàn luật sư TP.HCM): Sở phải có trách nhiệm đi xác minh
Dựa trên các nguồn tin doanh nghiệp, người dân cung cấp hay các cơ quan khác chuyển đến về nội dung muốn có một lốt trong bến xe Mỹ Đình phải mất đến 500 - 600 triệu đồng, ông Đinh La Thăng với tư cách là người đứng đầu ngành GTVT có trách nhiệm xác minh vấn đề này.
Vì vậy, ngày 15-10 trong cuộc làm việc với các đơn vị liên quan về giải quyết các kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, ông Thăng phát biểu là không có gì sai.
Việc ông Thăng phát biểu như vậy trong buổi họp là ý kiến phát biểu chỉ đạo cấp dưới và các ngành liên quan phải có trách nhiệm xác minh thông tin, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những thông tin này (nếu có).
Sau phát biểu này, thay vì tiếp thu ý kiến để xác minh kiểm tra thực hư vấn đề thì Sở GTVT Hà Nội lại có văn bản đề nghị ông Thăng cung cấp chứng cứ để làm rõ ý kiến phát biểu chỉ đạo là không đúng quy định của pháp luật cũng như mối quan hệ cấp dưới - cấp trên.
Bởi Sở GTVT phải có trách nhiệm làm sáng tỏ vấn đề đúng hay sai, chứ ai lại đề nghị bộ trưởng đi cung cấp thông tin.
Trong trường hợp này, ông Đinh La Thăng không có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của Sở GTVT mà trách nhiệm của sở là phải làm rõ, thẩm tra vấn đề này và báo cáo lên bộ trưởng.
Khi nào bộ trưởng phát biểu và nêu rõ cụ thể một cá nhân nào đó mà sai sự thật thì mới vi phạm pháp luật về hành vi vu khống.
(Theo Dân trí, Tuổi trẻ)
Ý kiến bạn đọc