(VnMedia) - Việt Nam bảo lưu các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông, trong đó có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các quyền và lợi ích tại các vùng biển được xác định theo Công ước.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình |
Hôm nay (31/10), trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam trước việc ngày 29/10, Tòa trọng tài vụ Philippines kiện Trung Quốc đã ra Phán quyết về vấn đề thẩm quyền và Tuyên bố ngày 30/10 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ Phán quyết trên, trong đó tiếp tục khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo tại Biển Đông cũng như các quyền lợi của Trung Quốc hình thành trong lịch sử tại Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ:
“Trước hết, tôi xin khẳng định một lần nữa chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Là quốc gia ven biển ở Biển Đông và thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình được xác định phù hợp với Công ước.
“Liên quan đến vụ kiện của Philippines, Việt Nam đã nhiều lần thể hiện quan điểm của mình, đặc biệt là trong Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài ngày 05/12/2014. Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi sát tiến trình tiếp theo của vụ kiện và bảo lưu quyền sử dụng mọi biện pháp hòa bình phù hợp và cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích pháp lý của mình ở Biển Đông.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết thêm quan điểm của Việt Nam được nêu trong Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài ngày 05/12/2014, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết: “Tôi xin tóm tắt các quan điểm chính của Việt Nam đã nêu trong Tuyên bố đó, như sau: Việt Nam ủng hộ việc tuân thủ và thực thi đầy đủ tất cả các quy định và thủ tục của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, kể cả việc giải quyết mọi tranh chấp có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước bằng các biện pháp hoà bình.
Việt Nam bảo lưu các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông, trong đó có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các quyền và lợi ích tại các vùng biển được xác định theo Công ước.
Việt Nam mong rằng Tòa giải thích và áp dụng các quy định liên quan của Công ước trong vụ kiện để đưa ra phán quyết công bằng và khách quan.
Việt Nam đề nghị Toà đặc biệt quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông và Việt Nam sẽ xem xét các bước đi tiếp để bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia”.
Hôm 29/10, Trung Quốc đã đón nhận tin không vui khi một tòa án trọng tài ở Hà Lan tuyên bố họ có thẩm quyền thụ lý vụ án do Philippines đệ trình lên liên quan đến những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây được xem là thất bại đầu tiên của Trung Quốc trong cuộc chiến pháp lý với nước láng giềng Philippines xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông.
Manila chính thức “ra đòn" pháp lý với Bắc Kinh ở Biển Đông sau khi xảy ra một cuộc tranh chấp nóng bỏng ở bãi cạn Scarborough được châm ngòi từ một vụ va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippines với hai tàu hải giám Trung Quốc hồi tháng 4 năm 2012. Bãi cạn Scarborough nằm cách đảo chính Luzon của Philippines chỉ khoảng 230km. Trong khi đó, khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc là tỉnh Hải Nam cũng cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km. Sau vụ va chạm năm 2012, Trung Quốc trên thực tế đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough vốn là ngư trường đánh cá truyền thống của Philippines.
Trước diễn biến trên, vào tháng 1 năm 2013, Manila đã quyết định đưa vụ tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông ra tòa án quốc tế với lý do họ đã “dùng mọi biện pháp hòa bình” có thể để giải quyết tranh chấp với Bắc Kinh nhưng không có tác dụng.
Bắc Kinh luôn chủ trương giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông trong khuôn khổ song phương, với từng nước một để dễ bề gây sức ép với các nước nhỏ hơn. Hành động quốc tế hóa cuộc tranh chấp ở Biển Đông của phía Manila đương nhiên không được Trung Quốc chấp nhận.
Kiệt Linh
Ý kiến bạn đọc