Hoang mang khi thấy Bộ Giáo dục tham khảo chương trình của... hơn 40 nước!

14:59, 25/10/2015
|

(VnMedia) - Khi biết Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tham khảo hệ thống giáo dục của trên 40 nước để xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, nhiều chuyên gia vừa mừng lại vừa lo, vì không biết rốt cuộc Bộ đi theo đường nào?

Không cẩn thận “tẩu hỏa nhập ma”

Tại buổi tọa đàm “Góp ý cho chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể” diễn ra hôm 23/10 vừa qua, TS. Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam bày tỏ: “Khi biết Bộ GD&ĐT tham khảo hệ thống giáo dục của trên 40 nước, chúng tôi vừa mừng vừa lo, vì các hệ thống khác nhau, rõ nhất là trong việc phân luồng học sinh”.

TS. Lê Viết Khuyến phân tích, hiện nay trên thế giới có hai xu hướng phân luồng học sinh. Thứ nhất là phân luồng sau THPT, phổ biến ở các nước phát triển, có nguồn lực lớn phổ cập THPT, như Hoa Kỳ. Ông  khẳng định “nếu theo luồng này, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể phải xây dựng theo kiểu khác”.

Xu hướng thứ hai là thực hiện phân luồng học sinh từ THCS, xu hướng này thường ở các nước đang phát triển và cả các nước phát triển. Luồng 1 vào hướng hàn lâm, luồng 2 vào tập trung vào công nghệ ứng dụng và thực hành hơn.

Theo ông Khuyến: “Việc tham khảo quốc tế là đúng. Nhưng chúng tôi ngần ngại không biết chính xác Bộ theo luồng nào. Không cẩn thận sẽ có hậu quả khôn lường. Tinh thần Nghị quyết 29 là triệt để phân luồng sau THCS, nhưng chúng tôi chưa thấy có khẳng định rõ ràng về việc này. Bộ GD&ĐT phải làm rõ xem đi theo luồng nào, không thể lấy phần đầu mô hình này, phần sau lại theo mô hình kia. Trước đây, chúng ta chỉ theo một mô hình của Liên Xô (cũ) nên không có sự trục trặc như hiện nay. Đến khi mở cửa, có cơ hội tiếp cận nhiều, nên lại thành ra chắp vá. Giáo dục không cẩn thận, không có phân tích, sẽ dẫn đến tình trạng tẩu hỏa nhập ma”.

Nhà giáo ưu tú Hồ Quang Diệu, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định, người có 55 năm trong nghề giáo dục, cũng lo lắng "nếu các cán bộ của Bộ GD&ĐT cứ đi 40-50 nước tham khảo rồi xào xáo thành một chương trình giáo dục thì sẽ chẳng đi đến đâu".

Còn theo PGS. TS. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người, Chương trình giáo dục phổ thông được Bộ GD&ĐT xây dựng có vẻ tiếp cận với thế giới nhưng nhìn tổng thể trong nội dung thì còn thiếu rất nhiều. Việc lấy học sinh làm trung tâm, công nghệ trong dạy học vẫn mờ nhạt, cái cần đổi mới căn bản chương trình, sách giáo khoa thì không thấy nói…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những việc cần làm ngay

Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam có bản góp ý chung gửi Bộ GD&ĐT về Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Trong đó, đặc biệt lưu ý về vấn đề phân luồng học sinh sau THCS vẫn đang bỏ ngỏ và đề nghị Việt Nam cần đặc biệt ưu tiên học tập kinh nghiệm của những nước có hệ thống giáo dục phổ thông tương tự.

Cũng theo các thành viên của các hiệp hội trên, những việc mà ngành giáo dục cần làm ngay bây giờ là: Đổi tên trường Trung cấp nghề thành Trung học nghề, điều chỉnh lại mục tiêu và chương trình đào tạo. Bảo đảm học sinh tốt nghiệp vừa có trình độ học vấn (để có thể học lên khi có cơ hội) vừa có nghề thành thạo;

Cần chuyển đổi các trường Trung cấp chuyên nghiệp theo 2 hướng: cao đẳng thực hành hoặc trung học nghề; Hợp nhất một phần trường THPT với các cơ sở dạy nghề ở địa phương để chuyển thành các trường trung học nghề.

Bộ GD&ĐT cần quy hoạch lại nhiệm vụ cho các trường đại học theo 2 hướng; nghiên cứu và nghề nghiệp - ứng dụng. Hướng nghiên cứu chủ yếu dành cho các trường đại học trọng điểm; các trường địa phương và trường của các Bộ ngành chủ yếu đi theo hướng nghề nghiệp ứng dụng, bám sát nhu cầu nhân lực của địa phương. Đồng thời Bộ cần ban hành chuẩn quốc gia về giáo dục; Khẩn trưởng xây dựng mạng lưới các trung tâm kiểm định độc lập.

Tiếp theo đó, đại diện của các Hiệp hội cho rằng, ngành giáo dục cần từng bước sáp nhập một số viện nghiên cứu khoa học vào các trường đại học trọng điểm để hình thành các đại học nghiên cứu. Xây dựng một số học viện công nghệ dựa trên việc hợp nhất và tổ chức lại các cơ sở giáo dục và các viện nghiên cứu chuyên ngành theo hướng công nghệ mũi nhọn trực thuộc trung ương. Cần tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại từng địa phương để hình thành các cao đẳng/đại học cộng đồng; Tiếp tục điều chỉnh phân luồng người học căn cứ dịch chuyển cơ cấu kinh tế cả ở tầm quốc gia lẫn tầm địa phương…

Thùy Hoa


Ý kiến bạn đọc