Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Nguyễn Anh Quân vừa kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các đơn vị chức năng tạm dừng hoạt động phương tiện taxi không phù hiệu, tem mào của Uber và Grab nhằm đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, công bằng với taxi truyền thống.
Lý do mà Hiệp hội Vận tải Hà Nội đưa ra là hiện nay Uber và Grab taxi sử dụng xe không biển hiệu, logo, tem mào. Điều này trái với các quy định về vận chuyển hành khách công cộng, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong điều hành và điều tiết giao thông.
“Tại các tuyến phố cấm taxi nhưng Uber và Grab vẫn hoạt động tự do gây nên ùn tắc, không phù hợp với hạ tầng và phá vỡ quy hoạch giao thông của thành phố”, ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhận định.
Đề cập đến giá cước vận tải, ông Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, hiện nay doanh nghiệp tự xây dựng giá dưới sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên Hiệp hội này cho rằng taxi Uber và Grab tự đặt ra giá vận chuyển và không có sự quản lý của Nhà nước, thậm chí có thể tăng giá tùy từng thời điểm, không phù hợp với Luật giá và không đảm bảo quyền lợi khách hàng.
Theo đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội, phương tiện và người lái của taxi Uber và Grab chưa có chế tài để kiểm soát về tập huấn nghiệp vụ của lái xe và niên hạn sử dụng phương tiện.
“Grab công khai trên trang web của mình là công ty không có trách nhiệm hay nghĩa vụ pháp lý nào đối với các hành vi và sai sót của bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ vận tải nào đang cung cấp cho khách hàng thông qua ứng dụng Grab taxi. Như vậy chất lượng dịch vụ taxi của Uber và Grab cũng như quyền lợi của khách hàng khi sử dụng dịch vụ không minh bạch”, ông Quân cho hay.
Ô tô, xe máy chen nhau trong đám tắc đường ở những tuyến phố đang xây dựng đường sắt của Hà Nội. |
Theo Hiệp hội Vận tải Hà Nội, taxi được công nhận là loại hình vận tải hành khách công cộng, với những phương tiện vận tải không phù hiệu, tem mào, logo của Uber và Grab đang vượt tầm kiểm soát của cơ quan chức năng so với quy định hiện hành.
“Đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng có thẩm quyền kịp thời ban hành văn bản pháp luật quy định đầy đủ và rõ ràng về hoạt động của taxi Uber, Grab; đồng thời tạm dừng hoạt động phương tiện không phù hiệu, không tem mào của taxi Uber và Grab tại Việt Nam trong thời gian chờ ban hành văn bản pháp luật quy định, nhằm đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, lành mạnh với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi”, Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhấn mạnh.
Dịp này, Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng khuyến cáo các đơn vị doanh nghiệp taxi truyền thống cần đổi mới phương pháp quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, giảm hệ số xe chạy rỗng để giảm giá thành vận tải và khẩn trương áp dụng giải pháp công nghệ mới nhằm kết nối 3 chủ thể là khách hàng - lái xe - doanh nghiệp để nâng cao chất lượng dịch vụ, không làm tăng thêm hệ số xe cá nhân.
Uber phải hoạt động đúng pháp luật Việt Nam
Liên quan đến vấn đề này, ngày 22/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã có buổi làm việc với ông Michael Brown, Giám đốc Uber khu vực Đông Nam Á.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá cao việc Uber đã quan tâm đến dịch vụ kết nối vận tải trên thị trường Việt Nam; dịch vụ của Uber được nhiều người dân sử dụng, tạo công ăn việc làm cho đội ngũ lái xe, thể hiện sự hội nhập khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng nếu Uber không đăng ký kinh doanh, không thực hiện các nghĩa vụ về thuế đối với Chính phủ Việt Nam sẽ tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, không khống chế được lượng xe tăng trong thành phố, không đảm bảo ATGT cho hành khách sử dụng dịch vụ của Uber.
Lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị Uber xây dựng khung pháp lý cho hoạt động dịch vụ vận tải của Uber tại Việt Nam; nếu Uber trực tiếp tham gia vào quá trình điều hành vận tải tại Việt Nam (điều hành xe, quyết định giá cước, thu tiền…) thì phải đăng ký kinh doanh, được cấp có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.
(Theo Infonet)
Ý kiến bạn đọc