(VnMedia) - Ngày 29/10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật An toàn thông tin mạng. Hai vấn đề được các đại biểu tham gia góp ý nhiều nhất là thông tin cá nhân và mật mã dân sự.
Nhận xét về Luật An toàn thông tin mạng, hầu hết các đại biểu đều đánh giá sự cần thiết ban hành Luật với hy vọng sẽ có công cụ hữu hiệu điều chỉnh hoạt động an toàn thông tin trên mạng, đảm bảo một môi trường an toàn cho người sử dụng và tạo môi trường bình đẳng cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, góp phần nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và góp phần phù hợp với thông lệ quốc tế.
Các đại biểu cũng đánh giá cao Ban soạn thảo luật đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng như các chuyên gia, chuẩn bị dự thảo trình lên lần này khá chi tiết và đầy đủ.
Riêng về vấn đề thông tin cá nhân, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, việc xây dựng những quy định về bảo vệ thông tin riêng là vấn đề rất khó về mặt công nghệ, nhưng nó thực sự cần thiết cho đời sống ngày nay khi việc trao đổi, chia sẻ thông tin riêng qua mạng đã trở thành một phần không thể thiếu được trong cuộc sống của đa số mọi người. Đây là vấn đề không chỉ riêng của Việt Nam mà được nhiều nước trên thế giới quan tâm.
Ghi nhận sự cố gắng của ban soạn thảo khi đã đề cập tới các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân - một vấn đề rất mới và khó, đai biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thêm các quy định về bảo vệ thông tin riêng để dự án luật mang tính hoàn thiện và bao quát hơn.
Dẫn chứng trường hợp một nữ sinh 15 tuổi bị phát tán hình ảnh riêng tư trên mạng, sau đó bị lan truyền với tốc độ chóng mặt ngay cả khi em đã tự vẫn vì không chịu được áp lực, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, nếu có những biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa, cảnh báo người dùng, ứng cứu khẩn cấp, ngăn chặn kịp thời việc phát tán, lan truyền các thông tin trên mạng thì sẽ không xảy ra những hậu quả đau lòng như vậy.
Để thực thi được điều khoản về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng là một thách thức rất lớn |
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh) cũng đánh giá, để thực thi được điều khoản về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, trên thực tế là một thách thức rất lớn.
“Trong dự thảo luật có quy định khi cá nhân, doanh nghiệp có mục đích sử dụng thông tin cá nhân đã thu thập được phải xin ý kiến lại với cá nhân đó, có quy định các tổ chức, doanh nghiệp nhà nước phải hủy bỏ các thông tin cá nhân đã lưu trữ khi hết mục đích sử dụng, hết thời hạn lưu trữ, khi tiến hành thu thập thông tin cá nhân; sau khi hủy bỏ các tổ chức cá nhân đó phải thông báo cho chủ thể biết về việc hủy bỏ. Tôi nghĩ những quy định này rất khó khả thi, rất khó kiểm soát. Việc tuân thủ những quy định này phụ thuộc cá nhân tổ chức có liên quan. Tôi đề nghị trước mắt các cơ quan, quản lý nhà nước định kỳ, đột xuất có thanh tra, kiểm tra các tổ chức doanh nghiệp tổ chức thông tin cá nhân, cần thiết lập kênh thông tin trực tuyến, xử lý phản ánh của người dân về các vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân, bên cạnh đó có hình thức phù hợp, tuyên truyền quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân, tiến hành xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tạo thói quen chấp hành vi phạm pháp luật” - đại biểu Nguyễn Thùy Trang nói.
Góp ý về các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (TP Hà Nội) đề nghị cần nghiên cứu, rà soát, đối chiếu để bổ sung, điều chỉnh, thống nhất giữa các hành vi bị nghiêm cấm của dự thảo này với các hành vi tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, mạng Internet trong dự thảo Bộ luật hình sự cũng đang được sửa đổi, để khi các dự luật này được thông qua thì đảm bảo đồng bộ và đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm khi phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật mới được bổ sung trong dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi).
Về cập nhật sửa đổi và hủy bỏ thông tin cá nhân thể hiện tại Khoản 1, Điều 18 là chủ thể thông tin cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân, xử lý thông tin cá nhân cập nhật sửa đổi, hủy bỏ thông tin cá nhân của mình do tổ chức, cá nhân xử lý thông tin đó thu thập, lưu trữ hoặc ngừng cung cấp thông tin cá nhân của mình cho bên thứ ba trong trường hợp trước đó đã đồng ý, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà cho rằng, việc pháp luật bảo vệ thông tin cá nhân là vấn đề cần được khuyến khích. Tuy nhiên, cũng cần xem xét đến quyền và lợi ích của các bên, đặc biệt bên thứ ba.
“Trong trường hợp chủ thể cung cấp thông tin đã đồng ý và thỏa thuận bằng một hợp đồng với tổ chức lưu trữ, xử lý thông tin về việc cung cấp thông tin của mình cho bên thứ ba thì các bên phải tuân thủ các nội dung đã thỏa thuận tại hợp đồng đó. Ví dụ như hiện nay chúng ta biết trên thế giới việc bán thông tin cá nhân trên cơ sở giao dịch dân sự cho bên thứ ba không phải là việc hiếm, đặc biệt xảy ra nhiều trong giới showbiz. Do vậy, nên cân nhắc khi quy định vấn đề này nhằm tránh sự can thiệp quá sâu của nhà nước vào một quan hệ pháp luật dân sự” - đại biểu đoàn thành phố Hà Nội nói.
Vấn đề thứ hai trong dự thảo Luật được các đại biểu quan tâm góp ý, đó là vấn đề mật mã quốc gia. Góp ý cho điều này, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho biết, ông đồng tình cao với dự thảo luật là giao cho cơ quan mật mã quốc gia là Ban cơ yếu Chính phủ chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong việc thực hiện nhà nước về quản lý mật mã dân sự.
Đại biểu Nguyễn Thùy Trang (TP. Hồ Chí Minh) cũng đồng ý với quan điểm của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong báo cáo giải trình, tiếp thu, đó là giao cho cơ quan mật mã quốc gia là Ban cơ yếu Chính phủ chịu trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về mật mã dân sự nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và quan trọng hơn đảm bảo an ninh quốc gia, đồng thời phù hợp với thực tế là mật mã dân sự đã và đang được Ban cơ yếu Chính phủ quản lý có hiệu quả.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc