(VnMedia) - Trong báo cáo gửi Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Hà Nội lý giải một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tồn tại tình trạng vỉa hè lộn xộn, giao thông ùn tắc là do quy định mức phạt vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường quá cao, không khả thi…
Báo cáo gửi Ủy ban pháp luật Quốc hội của UBND TP Hà Nội cho biết, lưu lượng phương tiện giao thông trên địa bàn quản lý tính đến tháng 2/2012 là hơn hơn 446 nghìn xe ô tô và hơn 4,4 triệu xe mô tô, nhưng nhiều công trình giao thông trọng điểm thi công thời gian hoàn thành thường chậm, luôn trong tình trạng và thi công vừa sử dụng, nhưng diện tích đất cho bãi đỗ xe mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu.
Với hơn 446 nghìn xe ô tô và hơn 4,4 triệu xe mô tô, giao thông Hà Nội đang quá tải - ảnh: Tuệ Khanh |
Trong khi đó, mạng lưới đường giao thông còn chưa hoàn thiện, hoàn chỉnh để kết nối liên thông tạo thành mạng lưới đồng bộ, các tuyến đường có mặt cắt ngang đường phần lớn lại hẹp. Cùng với đó, hệ thống vận tải hành khách công cộng chủ yếu là loại hình xe buýt, mới đáp ứng được 9% nhu cầu đi lại.
Trong 3 năm qua, tình hình ùn tắc và TNGT đường bộ tại Hà Nội “tuy có giảm nhưng vẫn phức tạp” với 3.343 vụ TNGT làm 2.421 người chết và 1.452 người bị thương; 104 vụ TNGT đường sắt làm 114 người chết, 16 người bị thương. Ngoài ra, trong 3 năm cũng xảy ra 112 vụ chống người thi hành công vụ (chỉ tính những vụ nghiêm trọng, bị khởi tố).
Ngoài ra, trong báo cáo gửi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, lãnh đạo Thành phố cũng phản ánh tình trạng di dời các cơ quan, trường học… ra khỏi khu vực nội thành còn chậm so với tiến độ quy định trong Nghị quyết 16/NQ-CP. Chính vì vậy mà tình trạng tai nạn giao thông nghiêm trọng và ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp.
Theo UBND TP Hà Nội, tính trong 3 năm, toàn thành phố có gần 2,6 triệu trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ bị các lực lượng chức năng phát hiện trong đó phạt tiền hơn 2,5 triệu trường hợp, còn lại là cảnh cáo. Tổng số tiền phạt là hơn 494 tỷ đồng; 13.905 trường hợp vi phạm TTATGT đường thuỷ nội địa với số tiền phạt hơn 9,2 tỷ đồng.
Đối với việc xử phạt các hành vi lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán, theo UBND Thành phố, năm 2011 giảm so với năm 2010. Lý do không của việc giảm này không phải vì ít người vi phạm hơn, mà là do mức xử phạt “rất lớn”, từ 20 triệu đến 30 triệu đồng. “Mức phạt này không khả thi đối với các hoạt động buôn bán nhỏ, trong khi các hoạt động này là nguyên nhân quan trọng làm ùn tắc giao thông” – lãnh đạo Thành phố cho biết. Ngoài ra, việc có một tỷ lệ lớn người dân sinh sống nhờ vỉa hè, lòng đường, gắn liền với mưu sinh của họ nên việc làm trật tự, giải tỏa giao thông rất khó thực hiện, cưỡng chế xong lại vi phạm.
Một tỷ lệ lớn người dân sinh sống nhờ vỉa hè, lòng đường, nên việc làm trật tự, giải tỏa giao thông rất khó thực hiện - ảnh:Ngọc Lân |
Từ thực tiễn nói trên, UBND TP Hà Nội đề nghị riêng lĩnh vực TTATGT, cho phép cấp trưởng có thẩm quyền xử phạt có thể uỷ quyền cho cấp phó xử phạt mà không cần văn bản vì thực tế cấp phó xử phạt nhiều và phổ biến, nếu hồ sơ nào cũng yêu cầu giấy uỷ quyền thì sẽ thêm công đoạn. Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 34/2010 theo hướng tăng nặng đối với một số hành vi vi phạm; cho phép áp dụng thêm một số biện pháp như tạm giữ biển số xe ôtô...
Lãnh đạo TP cũng đề nghị giảm mức phạt tiền với một số hành vi như lấn chiếm, sử dụng vỉa hè, lòng đường để buôn bán để tăng tính khả thi; kiến nghị các Bộ ngành có văn bản hướng dẫn, giải quyết để Hà Nội giải quyết tình trạng quá tải trong việc tạm giữ, quản lý xe ba bánh, bốn bánh vi phạm; xem xét quy định về tịch thu tàu thuyền vi phạm giao thông đường thủy vì đây thường là nơi cư trú của cả gia đình người vi phạm, về giá trị kinh tế lại gấp nhiều lần so với hình phạt chính và thường là tài sản thế chấp tại ngân hàng. Bên cạnh đó, hiện tại lực lượng cảnh sát đường thủy Hà Nội chưa có kho chứa tang vật, bãi tạm giữ phương tiện, nên việc thu giữ tang vật, phương tiện vi phạm gặp nhiều khó khăn.
Ý kiến bạn đọc