(VnMedia) - Theo đuổi chiến lược "moi" tiền càng nhiều càng tốt từ người dùng - đó là tất cả những gì mà Apple đang làm hiện nay.
Tại Apple, câu hỏi "Tôi kiếm được bao nhiều tiền khi bán sản phẩm này?" luôn đặt ra đầu tiên. Tất cả các sản phẩm như đồng hồ Apple Watch, TV, máy tính để bàn, laptop, điện thoại, tablet hay thậm chỉ cả chiếc iPad Pro kích cỡ siêu khủng vừa ra mắt đều vận hành theo đúng nguyên lý này - càng tạo ra nhiều lợi nhuận càng tốt. Đó là hướng tiếp cận đơn giản, rất thực dụng trong bối cảnh thị trường công nghệ phức tạp và đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Kinh doanh kiểu "khác người"
Khi các công ty công nghệ bị ép về doanh số bán hàng ngày càng giảm, giống như kiểu Apple đối mặt với tình trạng sa sút của iPad trong thời gian gần đây. Họ thường giảm giá sản phẩm để kích cầu, hoặc bổ sung thêm tính năng, nâng cấp sản phẩm nhưng vẫn giữ nguyên giá. Nói tóm lại là họ sẽ làm mọi thứ để thu được lợi nhuận, dù có phải sản xuất với số lượng lớn.
Đó chính là cách vận hành của tất cả các sản phẩm công nghệ trên thị trường hiện nay như TV, điện thoại Android, hay thậm chí cả thanh RAM trên bo mạch máy tính. Chỉ mỗi Apple là "khác người" khi "không thèm" đi theo hướng này. Các sản phẩm của Apple luôn đắt đỏ và kể cả có ế thì cũng không có chuyện giảm giá bán.
Câu trả lời của Apple đối với tình trạng ế ẩm của iPad là nâng hẳn chiếc tablet này lên thị trường cao cấp. Thay vì giảm giá iPad để cạnh tranh với các đối thủ Samsung và thế giới Android còn lại, Apple lại tăng giá bán sản phẩm và tạo ra một chiếc iPad Pro "2-trong-1" (giá tính cả phụ kiện bàn phím rời là 1.248USD). Giá iPad Pro thậm chí còn cao hơn cả Surface Pro của Microsoft và ngang ngửa với dòng MacBook.
Tim Cook, CEO của Apple, từng nói rằng ông không sợ làm giảm doanh số bán hàng máy Mac. Mục đích của iPad Pro là nhằm cạnh tranh và đe dọa sự tồn vong của Windows PC. Cũng không phải vô cớ mà phó chủ tịch phụ trách marketing toàn cầu của Apple, Phil Schiller, lại so sánh chip A9X mới trên iPad Pro mạnh hơn cả laptop. iPad Pro được cho có khả năng xử lý nhanh hơn 80% so với những chiếc laptop bán ra thị trường năm qua.
Với Apple Watch, sự hợp tác giữa Apple và hãng thời trang Hermès cũng được xem là bước tiến mới. Không gì có thể dễ kiếm tiền hơn khi nhắm vào giới sành điệu lắm tiền nhiều của. Đó cũng là cách Beats, với dòng headphone Dre siêu sang, đang thực hiện. Những chiếc Apple Watch giờ có thêm dây đeo bằng da thời trang của Hermès dành cho giới trẻ sành điệu ưa thích phong cách đẳng cấp.
Chiếc iPhone đắt đỏ
Với giá bán iPhone 6S và iPhone 6S Plus vừa công bố, rõ ràng Apple không khuyến khích người dùng sở hữu một chiếc iPhone mới. Tại sao? Vì giá luôn quá cao cho một chiếc smartphone. Nhưng tại sao nhiều người vẫn đổ xô vào iPhone? Apple cũng rất biết cách khai thác sự thu hút đối với người dùng khi tạo ra các phiên bản màu sắc bắt mắt cho iPhone mới. iPhone 6S và iPhone 6S Plus có thêm màu mới là vàng hồng, chủ yếu nhắm vào giới nữ thích thời trang sành điệu.
Hầu hết lợi nhuận ngày nay của Apple đều đến từ iPhone, vốn dựa chủ yếu trên thiết kế và trải nghiệm người dùng, chứ không chỉ là sức mạnh phần cứng đơn thuần. Apple đã mất cả năm trời để phát triển phần mềm và dịch vụ để tạo nên hệ sinh thái iOS hấp dẫn, đủ sức "trói buộc" người mua các sản phẩm của hãng. Từ Apple Music, tới iCloud, iTunes và giờ có thêm cả kho game và ứng dụng chạy ngay trên chiếc Apple TV màn hình rộng.
Tuy kinh doanh phần mềm cũng có thể mang lại lợi nhuận cao, nhưng chưa bao giờ Apple có ý định đi theo hướng đó. Chức năng thanh toán Apple Pay hiện vẫn hoàn toàn miễn phí. Nó có thể dùng trên Apple Watch, iPhone hoặc iPad. Miễn là người dùng còn mua các sản phẩm này thì Apple vẫn vui vì kiếm được nhiều tiền.
Từ trước tới nay, nguyên lý bất di bất dịch của Apple luôn vì một chữ: Tiền, với bất cứ sản phẩm nào từ điện thoại, tablet, laptop tới đồng hồ hay thậm chí cả xe hơi.
Ý kiến bạn đọc