Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn VNPT lần thứ XXIII

14:09, 26/08/2015
|

(VnMedia) - Sáng nay, 26/8, Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã khai mạc tại Hà Nội. Đại hội đại biểu Đảng bộ VNPT lần thứ XXIII diễn ra trong hai ngày, 26-27/8. Đây là đại hội của “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Phát triển”.

 

Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng đã nhấn mạnh, Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT lần thứ XXIII có ý nghĩa rất quan trọng, định hướng cho Đảng bộ Tập đoàn, cán bộ, đảng viên, người lao động trong Tập đoàn nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; đột phá về năng lực cạnh tranh; khẳng định vị thế chủ lực của Tập đoàn; góp phần vào sự nghiệp hiện đại hóa đất nước.

 

Tại Đại hội, đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long đã trình bày Báo cáo chính trị của Ban Chấp hàng Đảng bộ Tập đoàn VNPT. Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn VNPT lần thứ XXII nhiệm kỳ 2010-2015 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của nhiệm kỳ XXIII năm 2015-2020.

 

Trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng ủy Tập đoàn VNPT đã tập trung lãnh đạo, chủ động, sáng tạo trong đổi mới, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị . Đảng ủy Tập đoàn VNPT cũng đã lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; duy trì tốc độ tăng trưởng, ổn định bền vững nguồn lực tài chính, hoàn thành tốt nộp nghĩa vụ ngân sách Nhà nước.

 

Giai đoạn 2010-2015, tổng doanh thu của toàn Tập đoàn VNPT đạt 561.855 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch của cả giai đoạn, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 4%/năm, trong đó doanh thu của công ty mẹ đạt 379.881 tỷ đồng, đạt 101,3% kế hoạch của cả giai đoạn, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5%/năm.

 

Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 37.458 tỷ đồng, đạt 101,2% kế hoạch của cả giai đoạn, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 2%/năm; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân 5 năm toàn Tập đoàn đạt 10%/năm, hoàn thành chỉ tiêu Nhà nước giao; Tổng nộp ngân sách Nhà nước 5 năm đạt 34.046 tỷ đồng, đạt 111% kế hoạch, hoàn thành vượt chỉ tiêu Nhà nước giao.


  Ảnh minh họa
Đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Đại hội. Ảnh: Quốc Minh.


Tăng cường năng lực, chất lượng hạ tầng, mạng lưới

 

Năm năm qua, VNPT đã đầu tư 92,8 nghìn tỷ đồng cho các dự án thông tin di động, dịch vụ băng rộng và dịch vụ giá trị gia tăng, nhằm tập trung nguồn lực, tối ưu hóa, hiện đại hóa hạ tầng mạng lưới, phát triển các dịch vụ có hiệu quả cao, đảm bảo an ninh thông tin và an toàn mạng lưới. Một số dự án lớn hoàn thành trong nhiệm kỳ: Dự án vệ tinh viễn thông VINASAT-2, phủ sóng thông tin di động 2G, 3G tới hầu hết các khu vực dân cư, mở rộng hệ thống truyền dẫn đường trục; phủ sóng biển đảo, vùng sâu, vùng xa, phục vụ phát triển kinh tế biển; tham gia xây dựng hệ thống cáp quan biển quốc tế Asia-Pacific Gateway (APG); Asia - Arica - Europe (AAE1) để tăng cường năng lực mạng lưới kết nối với quốc tế.

 

Kết quả đầu tư phát triển mới đã đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường, mở rộng kinh doanh của VNPT. Mạng di động VinaPhone năm 2010 mới có 6.367 trạm 3G, tới tháng 7/2015 đã phát triển đến 15.316 trạm, dự kiến cuối năm 2015, tổng số sẽ có khoảng 20.000 trạm 3G. Vùng phủ sóng 2G tăng gấp đôi từ khoảng 10.000 trạm tới hơn 20.000 trạm; Đạt các chỉ tiêu phục vụ như đã đề ra phủ sóng 3G đến 90% dân số, 2G đến 94% dân số; Số thuê bao di động hiện nay là 27 triệu thuê bao, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 1,4%/năm; Tổng số thuê bao Internet băng rộng của VNPT đến hết năm 2015 dự kiến đạt 3,8 triệu thuê bao, tăng hơn 2 triệu thuê bao so với cuối năm 2010, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 18,2%/năm.


  Ảnh minh họa
Đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long trình bày Báo cáo chính trị của Ban Chấp hàng Đảng bộ Tập đoàn VNPT.

 

Với chiến lược chuyển dịch từ nhà mạng viễn thông thuần túy sang nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và CNTT, VNPT bước đầu thực hiện đàu tư phát triển các hệ thống quản lý, lưu trữ và xử lý dữ liệu tập trung DataCenter; các giải pháp phần mềm trong lĩnh vực cổng thông tin điện tử cho các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, ứng dụng quản trị trong lĩnh vực y tế - giáo dục; ký kết các thỏa thuận hợp tác chiến lược về CNTT với 41 UBND chính quyền địa phương; một số Bộ, Ban, ngành và hầu hết các Ngân hàng… Góp phần chủ động và tích cực trong công cuộc ứng dụng CNTT và xây dựng Chính quyền điện tử.

 

2020: Xuất khẩu nước ngoài đạt 100 triệu USD

 

Tại Hội nghị, mục tiêu tổng quát trong nhiệm kỳ 2015-2020 của Tập đoàn VNPT đã được đồng chí Phạm Đức Long nêu rõ, “nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ - Đột phá về năng lực cạnh tranh - Khẳng định vị thế chủ lực của Tập đoàn - Góp phần vào sự nghiệp hiện đại hóa đất nước”.

 

Với mục tiêu xuyên suốt nêu trên, các chỉ tiêu chủ yếu trong giai đoạn 2015-2020 đã được đặt ra: tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân đạt trên 8%/năm ; tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân đạt trên 15%/năm ; tốc độ tăng trưởng nộp ngân sách Nhà nước đạt vượt mức kế hoạch Nhà nước giao hàng năm; tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu phấn đấu đến cuối năm 2020 đạt trên 10% .

 

Để hoàn thành các chỉ tiêu, Tập đoàn VNPT cũng đặt ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Tập đoàn sẽ triển khai mô hình quản trị hiện đại nhằm tăng cường năng lực, đổi mới, kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý, đội ngũ cán bộ chủ chốt. Nhiệm vụ trong giai đoạn 2015-2015 của VNPT là hoàn thành Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn VNPT theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông; triển khai mô hình quản trị hiện đại trong việc điều hành, phối hợp các hoạt động kinh doanh của VNPT.


  Ảnh minh họa
Với những thành tích đã đạt được trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ Tập đoàn VNPT đã vinh dự được nhận cờ "Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực đổi mới phát triển doanh nghiệp bền vững" từ Ban chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương. Ảnh: Quốc Minh.

 

VNPT tiếp tục đẩy mạnh triển khai mô hình quản trị kênh bán hàng hiện đại, đảm bảo các mục tiêu: khoán quản địa bàn phường/xã cho từng nhân viên kinh doanh; xây dựng kênh bán hàng xuyên suốt; phát huy được sức mạnh của đội ngũ kinh doanh của VNPT - VinaPhone; Kế thừa kết quả tái cơ cấu giai đoạn 2014-2015, trong giai đoạn 2016-2020 phát huy vai trò lực lượng chuyên biệt về đội ngũ kỹ thuật của khối VNPT-Net và VNPT tỉnh, thành phố, đẩy mạnh tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng phục vụ đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng, không ngừng tăng năng suất lao động; Đẩy mạnh việc triển khai mô hình bán hàng một cửa, phát huy được các lợi thế đa dịch vụ - quy mô lớn - chất lượng cao của VNPT, tạo sự đột phá về tăng trưởng doanh thu các dịch vụ.

 

Đổi mới công tác quy hoạch cán bộ các cấp thông qua việc triển khai, rà soát, xây dựng lại, quy hoạch, tổ chức đạo tạo, sàng lọc và sắp xếp lao động theo mô hình tổ chức doanh nghiệp viễn thông hiện đại với các nội dung xây dựng chức năng nhiệm vụ, tiêu chuẩn, mô tả công việc… cho từng đơn vị, vị trí lao động.

 

Tập đoàn VNPT cũng sẽ triển khai ứng dụng các công cụ quản trị hiện đại với các nội dung công việc: triển khai công cụ quản trị hiện đại thẻ điểm cân bằng BSC trong quản trị các mục tiêu chiến lược của Tập đoàn, đơn vị thành viên; ứng dụng CNTT trong quy trình phối hợp giữa kỹ thuật, kinh doanh để giám sát việc triển khai công việc, giám sát tiến độ lắp đặt/cung cấp dịch vụ cho khách hàng, vật tư hàng hóa tồn kho, tối ưu hóa chi phí, nguồn lực của Tập đoàn…

 

2015-2020 cũng là giai đoạn VNPT tiếp tục triển khai tái cơ cấu khối công nghiệp và CNTT với mục tiêu xây dựng các trụ cột về sản phẩm công nghệ cao. Việc thực hiện tái cấu trúc khối công nghiệp của VNPT nhằm tạo nền tảng phát triển công nghệ, công nghiệp mạnh, giúp Tập đoàn đột phá về năng lực cạnh tranh trên thị trường; Đẩy mạnh việc tự thiết kế và sản xuất các thiết bị, sản phẩm công nghệ đáp ứng nhu cầu của VNPT và thị trường như: thiết bị truy nhập, thiết bị quang, thiết bị đầu cuối.

 

Tập đoàn đặt mục tiêu phấn đấu 100% thiết bị đầu cuối cung cấp cho khách hàng do VNPT tự thiết kế, sản xuất trong nước ; mục tiêu sản phẩm công nghiệp trong nước của VNPT được sử dụng trên mạng lưới đạt bình quân 2000 tỷ đồng/năm ; xuất khẩu nước ngoài đạt 100 triệu USD đến năm 2020 . VNPT sẽ không ngừng nâng cao tính năng tích hợp các dịch vụ viễn thông, CNTT thông minh trên thiết bị đầu cuối sản xuất ra để đáp ứng mức độ trải nghiệm cho khách hàng, đảm bảo an ninh, an toàn mạng lưới và chủ động trong triển khai các hoạt động kinh doanh.


Hiền Mai

Ý kiến bạn đọc