(VnMedia) - Từ những ngày đầu thành lập, ngành Bưu điện Việt Nam đã vinh dự được khoác lên mình vai trò và sứ mệnh thiêng liêng qua câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc liên lạc là việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó bảo đảm thắng lợi”.
>> Bộ trưởng Bộ TT&TT: Quyết tâm đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT&TT
Tới dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Ngành Bưu điện, 68 năm thành lập Công đoàn Thông tin và Truyền thông vừa diễn ra hôm qua, 14/8 tại Hà Nội, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương đã đánh giá, ngành Thông tin và Truyền thông là ngành đi đầu trong sự nghiệp đổi mới đất nước.
Theo đồng chí Lê Hồng Anh, lịch sử Ngành Bưu điện Việt Nam trong 70 năm luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Được rèn luyện trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, chiến tranh bảo vệ tổ quốc đầy gian khổ, hy sinh, các thế hệ cán bộ Ngành Bưu điện đã sống và chiến đấu với những khẩu hiệu lịch sử như: “Cùng nhau giữ trọn lời nguyền/Thề đem xương máu nối liến đường dây”; “Đứt dây như đứt ruột, gẫy cột như gẫy xương”; “Đường thư là mặt trận, xe thư là vũ khí”... Đó chính là những lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của cán bộ NgànhBưu điện. Bề dày lịch sử của Ngành Bưu điện đã hun đúc, kết tinh nên phẩm chất của người cán bộ Bưu điện là “Trung thành, Dũng cảm, Tận tụy, Sáng tạo, Nghĩa tình”. Bề dày lịch sử ấy cũng đã thử thách trách nhiệm và bản lĩnh của người cán bộ Bưu điện để hình thành nên phương châm của Ngành Bưu điện là “Nhanh chóng, Chính xác, An toàn, Tiện lợi, Văn minh”.
Các dấu mốc phát triển đáng tự hào
70 năm qua, trong quá trình xây dựng và phát triển của mình, ngành Bưu điện đã nhiều lần thay đổi về cơ cấu quản lý và tổ chức hoạt động phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng mà Đảng và Nhà nước giao. Từ Nha Bưu điện - Vô tuyến điện, Tổng cục Bưu điện - Truyền thanh, Tổng cục Bưu điện thuộc Bộ Giao thông Bưu điện, Tổng cục Bưu điện thuộc Chính phủ, Bộ Bưu chính - Viễn thông và hiện nay là Bộ Thông tin và Truyền thông.
|
Với tinh thần tự lực tự cường, năng động sáng tạo, sau 5 năm từ 1987-1992, Ngành Bưu điện đã trở thành Ngành đi tiên phong trong thực hiện đường lối Đổi mới, tự đổi mới mình cả về tư duy lý luận và tư duy kinh tế. Với phương châm “Tự vay - tự trả - tự chịu trách nhiệm” và “Đi thẳng vào công nghệ hiện đại, số hóa, đa dịch vụ”, ngành Bưu điện bắt tay thực hiện chiến lược "tăng tốc" cho giai đoạn 1993 - 2000.
Giai đoạn tăng tốc lần thứ nhất 1993 -1995, đứng trước khó khăn do bao vây cấm vận, Tổng cục Bưu điện đã thành lập Công ty Viễn thông Quốc tế VTI, triển khai các hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC với đối tác nước ngoài nhằm tiếp cận được nguồn vốn và công nghệ. Qua đó, hạ tầng mạng lưới viễn thông của Việt Nam đã được đầu tư lớn với công nghệ hiện đại dần trên phạm vi cả nước, nâng cao được chất lượng dịch vụ và mạng lưới phục vụ.
Chỉ sau 2 năm từ 1993 - 1995, như một kỳ tích, hạ tầng mạng viễn thông Việt Nam đã được số hoá hoàn toàn. Mật độ điện thoại đạt 01 máy/100 người dân, rút ngắn 5 năm so với kế hoạch. Từ Việt Nam đã có thể liên lạc viễn thông với 240 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Đây cũng là những tiền đề quan trọng để ngành Bưu điện tiếp tục thực hiện chiến lược tăng tốc giai đoạn 2 (1996-2000) với nhiệm vụ tập trung nâng cao năng lực mạng lưới với công nghệ đồng bộ và hiện đại, phát triển các dịch vụ mới, mở rộng vùng phục vụ xuống nông thôn. Cũng trong giai đoạn này, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông lần lượt ra đời như Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam, VDC, Mobifone, Vinaphone, Viettel, FPT, SPT, dần hình thành một thị trường bưu chính, viễn thông đa dạng, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và toàn xã hội.
Với mục tiêu “Nâng cao chất lượng đội ngũ hiện tại, chuẩn bị tốt cho tương lai và sống nghĩa tình với người đi trước”, đến cuối năm 2000, ngành Bưu điện kết thúc thắng lợi Chiến lược tăng tốc độ phát triển. Cơ sở hạ tầng BCVT và CNTT Việt Nam được nâng cấp hiện đại và đồng bộ, mở rộng tới khắp các vùng nông thôn, biên giới và hải đảo, kết nối Việt Nam với toàn thế giới, các dịch vụ Internet, di động ra đời đáp ứng được yêu cầu phát triển hạ tầng kinh tế xã hội của đất nước cũng như nhu cầu thông tin liên lạc của người dân.
Bước sang giai đoạn 2001 - 2010, hướng phát triển của ngành được chuyển sang chiến lược “Hội nhập và phát triển” nhằm tiếp tục tăng tốc, đổi mới quản lý, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, hạ giá thành và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng với đó là chiến lược xây dựng Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công, đa dạng hoá các loại hình dịch vụ phục vụ mọi mặt đời sống của người dân và nhu cầu phát triển của nền kinh tế.
Năm 2002, Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông được ban hành, Bộ Bưu chính- Viễn thông được thành lập. Đây được coi là một bước phát triển vô cùng quan trọng trong sự phát triển của Ngành, nhằm tiếp tục tăng cường đổi mới quản lý, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, hạ giá thành và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Năm 2006, Chính Phủ đã quyết định thành lập Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT với vai trò là Tập đoàn kinh tế chủ lực của Nhà nước trong lĩnh vực Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin, khẳng định vai trò của ngành Bưu chính Viễn thông là một trong những trụ cột của nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đóng góp không nhỏ cho ngân sách nhà nước.
Tháng 8/2007, Chính phủ có quyết định thành lập Bộ Thông tin và Truyền thông, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của Bộ Bưu chính, Viễn thông và tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Bộ Văn hóa - Thông tin. Lịch sử ngành Bưu chính Viễn thông tiếp tục bước sang một trang mới. Việc thành lập Bộ Thông Tin và Truyền Thông thể hiện tư duy mới của Chính Phủ trong quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng tinh gọn bộ máy quản lý hành chính, tăng tính trách nhiệm và hiệu quả quản lý phù hợp với xu thế phát triển và hội tụ giữa công nghiệp nội dung và hạ tầng truyền thông của thế giới.
Với chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Thông và Truyền thông đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản Luật như: Luật Viễn thông, Luật Tần số Vô tuyến điện, Xây dựng Đề án đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về viễn thông công nghệ thông tin, truyền thông.
Trong giai đoạn từ năm 2010-2014, ngành Thông tin và Truyền thông đã có bước đi dài trong việc tái cơ cấu lại các doanh nghiệp trực thuộc, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu và thực tế của nền kinh tế trong giai đoạn mới.
Bắt đầu với việc chuyển Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam - Vietnam Post, Công ty TNHH một thành viên Thông tin di động VMS (MobiFone) và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông về Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý. Từ đó thành lập Tổng công ty Bưu điện Việt Nam - Vietnampost, Tổng công ty Thông tin di động Mobifone.
VNPT vững bước, nối tiếp xứng đáng truyền thống
Đồng hành với những thành tựu to lớn là những thách thức không nhỏ đối với Ngành Thông tin và Truyền thông, nhất là trong bối cảnh thị trường cạnh tranh và yêu cầu hội nhập quốc tế, xác định rõ điều này, VNPT cùng các doanh nghiệp trong toàn Ngành đã và đang thực hiện quá trình tái cấu trúc, trong đó việc chia tách độc lập hai lĩnh vực truyền thống là Bưu chính và Viễn thông, tạo cơ hội cho cả hai lĩnh vực cùng phát triển đồng đều.
Với việc thực hiện Quyết định 888 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn 2014-2015, VNPT đã nhanh chóng hoàn thành quá trình xây dựng điều lệ, quy chế, nhân sự và ra quyết định thành lập 3 Tổng công ty gồm: Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông(VNPT - Vinaphone), Tổng công ty Truyền thông (VNPT - Media), Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT - Net). Từ ngày 1/7/2015, 3 Tổng Công ty đã chính thức đi vào hoạt động.
Sự ra đời của 3 Tổng công ty giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn là một chuỗi giá trị từ Nội dung đến Hạ tầng rồi tới Khách hàng. Theo nhận định của Chủ tịch Hội đồng thành viên Trần Mạnh Hùng, đây sự thay đổi quan trọng, giúp Tập đoàn khắc phục được rất nhiều những tồn tại trước đây là sử dụng hạ tầng không hiệu quả, bộ máy chăm sóc khách hàng không hiệu quả, sử dụng đội ngũ kinh doanh không hiệu quả mặc dù lực lượng rất đông.
Xác định rõ phương châm, mục tiêu, nên dù vừa phải hoàn thiện mô hình hoạt động trong quá trình tái cơ cấu, vừa đảm bảo duy trì, phát triển công tác kinh doanh, phục vụ, khách hàng, VNPT đã đạt được kết quả doanh thu với mức tăng trưởng tốt, góp phần chung vào kết quả khả quan của toàn Ngành.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng lợi nhuận toàn Tập đoàn VNPT tăng trưởng 30,1% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó lợi nhuận công ty mẹ tăng 30,4%.Tổng doanh thu toàn Tập đoàn tăng 9,7% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu từ khách hàng Công ty mẹ tăng 8,7%. Tổng số thuê bao Vinaphone phát triển mới tăng 34,6%, tổng số thuê bao băng rộng cố định (FTTx) tăng gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2014. Tổng nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn tăng 7,4% so với cùng kỳ 2014.
Cùng với các doanh nghiệp trong ngành Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn VNPT sau khi tái cấu trúc, đã đi vào hoạt động và nâng cao được hiệu quả sản xuất kinh doanh, khẳng định tính đúng đắn trong chủ trương tái cấu trúc doanh nghiệp của Chính phủ và sự quyết liệt, sâu sát trong chỉ đạo điều hành của Bộ Thông tin Truyền thông, góp phần vào sự phát triển CNTT- truyền thông của nước nhà.
Ý kiến bạn đọc