Thách thức lớn trong quản lý thông tin công cộng qua biên giới

15:03, 10/06/2015
|

(VnMedia) - Trong thế giới Internet vô cùng năng động và phát triển như hiện nay, việc quản lý nhà nước trong việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới trở thành thách thức rất lớn. Việc quản lý cần có sự hài hòa phù hợp để vừa thúc đẩy phát triển nhưng vẫn đảm bảo về mặt an ninh.

Trên thực tế, cùng với tốc độ phát triển của ứng dụng Internet, hoạt động cung cấp thông tin công cộng qua biên giới đang ngày càng diễn ra sâu rộng không chỉ góp phần tăng cường trao đổi thông tin, văn hoá mà còn thúc đẩy thương mại và phát triển kinh tế. Hoạt động này cũng đặt ra vấn đề về an ninh thông tin, an ninh mạng không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước mà cả cộng đồng mạng quan tâm.

Ảnh minh họa

Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã soạn thảo và công bố “Dự thảo thông tư quy định chi tiết về hoạt động cung cấp thông tin công cộng qua biên giới”. Theo dự thảo, cung cấp thông tin công cộng qua biên giới là việc tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài thiết lập hệ thống thiết bị tại nước ngoài hoặc sử dụng dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ trên mạng ở nước ngoài và cung cấp thông tin công cộng cho người sử dụng tại Việt Nam hoặc có truy nhập từ Việt Nam bằng các hình thức khác nhau như: trang thông tin điện tử; mạng xã hội; công cụ tìm kiếm thông tin (searching); các ứng dụng trên mạng (Application) và các loại hình tương tự khác cung cấp thông tin công cộng cho phép người sử dụng truy cập, tải về…

Để đóng góp thêm ý kiến cho Dự thảo này, sáng nay (10/6), Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) đã tổ chức tọa đàm lấy ý kiến đóng góp về “Dự thảo thông tư quy định chi tiết về hoạt động cung cấp thông tin công cộng qua biên giới”.

Tham dự tọa đàm, đại diện Cục Phát thanh – Truyền hình (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã trình bày về nội dung dự thảo của Thông tư. Bên cạnh đó, các đơn vị như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Hiệp hội Thương mại Điện tử ViệtNam; Hiệp hội các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài  đã có những đóng góp những ý kiến cho dự thảo từ góc độ doanh nghiệp trong nước, góc độ thương mại điện tử, góc độ Internet, góc độ doanh nghiệp nước ngoài...

Từ góc độ doanh nghiệp trong nước, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng quản lý nhà nước trong lĩnh vực Internet là thách thức rất lớn, không hề dễ dàng. Việc quản lý phải phù hợp với sự phát triển nhưng vẫn đảm bảo quốc phòng an ninh, đảm bảo các mục tiêu quản lý nhà nước quan trọng khác.

Trong thông tư quy định, các tổ chức, doanh nghiệp cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội có lượng thành viên là người sử dụng tại Việt Nam từ 5000 trở lên phải có đại diện pháp lý tại Việt Nam. Về quy định này, ông Tuấn cho rằng, thông tư cần quy định rõ các doanh nghiệp này cần phải thành lập văn phòng hay chỉ cần một người đại diện ủy quyền…Hoặc chế tài xử lý trong thông tư cũng  chưa rõ ràng và có nguy cơ gây lạm quyền, cũng như quá trình phối hợp gỡ bỏ thông tin cũng phải chặt chẽ hơn…

Trong khi đó, ông Alex Long, đại diện Liên minh Internet Châu Á rất quan ngại về việc thông tư yêu cầu phải có đại diện pháp lý tại Việt Nam.

“Chúng tôi rất hiểu lý do tại sao chính phủ Việt Nam phải có quy định như vậy. Nhưng môi trường Internet là môi trường rất năng động và phát triển liên tục. Có đến 60.000 tỷ trang web đang hoạt động. Internet rất năng động, có những trang web hôm nay hoạt động nhưng ngay mai đã biến mất. Nếu có những quy định cụ thể cho môi trường Internet phát triển như thế này thì rất khó để đảm bảo chúng vẫn hoạt động liên tục và phản ánh đúng thực tại của Internet. Đối với quy định như vậy của thông tư sẽ có ảnh hưởng nhất định nào đó tới môi trường kinh doanh cũng như sự phát triển của Internet của Việt Nam”, ông Alex Long nhận định.

Theo ông Alex Long, các nước trên thế giới, đặc biệt các nước ASEAN chưa có nước nào đưa ra cách tiếp cận dựa trên liệt kê một số loại dịch vụ, sản phẩm để có quy định cụ thể như ở Việt Nam. Đối với các nước khác, cách tiếp cận không phải dựa trên các loại dịch vụ mà dựa trên các tiêu chí. Chẳng hạn nếu liên quan tới quyền riêng tư hay thông tin email thì họ phải tuân thủ quy định về quyền riêng tư và không có quy định riêng cho từng loại dịch vụ mà phải chịu quy định chung. Do đó, việc đưa ra các quy định dựa trên mối nguy hại thì có lẽ sẽ đảm bảo được sự phát triển của Internet Việt Nam tốt hơn.

Hiện Dự thảo này đang được Bộ TT&TT lấy ý kiến công chúng từ ngày 13/4/2015 đến hết ngày 12/6/2015. Độc giả quan tâm có thể xem Dự thảo này tại đây  và đóng góp ý kiến tại đây .


Tuệ Minh

Ý kiến bạn đọc