Sản phẩm chip thương mại 32-bit đầu tiên của Việt Nam

07:21, 29/05/2015
|

(VnMedia) - Từng rất nổi tiếng khi chế tạo thành công con chip thương mại 8 bit đầu tiên của Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC), trường Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, đã thiết kế thành công chip 32-bit cao cấp hơn, có giá trị lớn trong ứng dụng thực tế.

>>
Quán quân 2007 bất ngờ trở lại “tiếp sức” NTĐV 2015

Báo Điện tử VnMedia đã có cuộc phỏng vấn với anh Ngô Quang Vinh - Phó Giám đốc ICDREC về thành quả này. 

- Giành giải Nhất Nhân tài Đất Việt 2014 với sản phẩm “Chip vi điều khiển 8 bit thương mại của Việt Nam SG8V1”, anh có thể chia sẻ những bước phát triển tiếp theo của sản phẩm ở thời điểm này?

Ngô Quang Vinh - Phó Giám đốc ICDREC : SG8V1 là sản phẩm 8 bit thương mại được chúng tôi thiết kế cho những ứng dụng mang tính phổ quát. Trong đó, tự bản thân ICDREC cũng đã có 2 dòng sản phẩm ứng dụng thành công trên thị trường hiện nay là sản phẩm thiết bị giám sát hành trình cho xe hơi/xe máy và thiết bị thu thập dữ liệu điện kế điện tử từ xa. Trên cơ sở SG8V1, chúng tôi dự kiến sẽ ra mắt sản phẩm 8 bit hiệu năng cao và 8 bit giá rẻ trong tương lai gần. Đồng thời chúng tôi cũng đã triển khai một dự án 8 bit công suất cực thấp để hướng tới các ứng dụng cho mạng cảm biến không dây hoặc IoT (Internet of Things).

Ảnh minh họa
Con chip thương mại đầu tiên của Việt Nam.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đã hoàn thành việc thiết kế chip 32 bit để đưa vào các ứng dụng thương mại phức tạp hơn đòi hỏi vi xử lý 32 bit.

- Nhóm tác giả có thể chia sẻ giá trị mà Giải thưởng NTĐV mang lại cho sự phát triển của sản phẩm là gì (kể cả sản phẩm “Vi mạch điều khiển Vn08-0” ICDREC của đã đạt giải Nhì năm 2009 và “Chip vi điều khiển 8 bit thương mại của Việt Nam SG8V1” đạt giải Nhất năm 2014)?

Mặc dù còn nhiều khó khăn để thiết kế và thương mại hoá sản phẩm chip, sự vinh danh của Giải thưởng NTĐV đã tạo động lực lớn cho các kỹ sư trẻ của trung tâm tiếp tục dấn thân vào con đường vi mạch này.

Ngoài ra nhờ sức lan toả của Giải thưởng, sản phẩm vi mạch Việt Nam đã được công chúng biết đến nhiều hơn. Nhiều sinh viên ra trường đã tìm đến với lĩnh vực vi mạch giúp bổ sung nguồn nhân lực đáng kể tuy vẫn chưa đủ. Sản phẩm dùng chip Việt cũng đã được xem như một số yếu tố tăng thêm đối với một số lĩnh vực. Nhiều doanh nghiệp đã trực tiếp liên lạc và đặt vấn đề hợp tác phát triển các sản phẩm thương mại mới.

Ảnh minh họa
Nhóm tác giả đến từ ICDREC nhận giải Nhất sản phẩm CNTT thành công của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2014.

- Anh có thể chia sẻ thị trường ứng dụng “Chip vi điều khiển 8 bit thương mại của Việt Nam SG8V1” hiện nay?

Hiện nay chúng tôi triển khai khoảng 20 sản phẩm khác nhau sử dụng chip SG8V1. 3 thị trường chủ lực của chúng tôi hiện nay là thiết bị giám sát hành trình, thiết bị điện kế điện tử, các hệ thống quản lý có tích hợp công nghệ RFID. Ngoài ra, chúng tôi cũng bán chip trắng SG8V1 để doanh nghiệp tự thiết kế nên sản phẩm của riêng họ.

Thiết bị giám sát hành trình xe hơi và xe máy được thiết kế dựa trên chip SG8V1 đang có mặt trên thị trường là 10.000 bộ. Đối với thiết bị thu thập dữ liệu điện kế điện tử sử dụng chip SG8V1, chúng tôi đã cung cấp 3.000 bộ cho điện lực Thành phố  HCM. Ngoài ra chúng tôi cũng đã cung cấp vài ngàn chip SG8V1 cho các ứng dụng khác như điện kế điện tử, bộ điều khiển tiết kiệm công suất đèn đường, khoá container, thiết bị giám sát nguồn phóng xạ.

Theo số liệu của hải quan và các đầu mối nhập khẩu, hiện nay nước ta nhập khẩu khoảng 1 triệu chip 8 bit mỗi năm. Nếu thay thế được nguồn cung này thì mỗi năm doanh thu chip 8 bit đạt hơn 2 triệu USD/năm. Thực ra số lượng và doanh thu chip 8 bit này còn khiêm tốn so với thị trường Việt Nam. Chỉ tính riêng ngành điện lực, toàn quốc có trên 20 triệu hộ dân sử dụng điện, tính riêng Tp. HCM là 2 triệu hộ.  Trong đó mỗi năm thay thế, bảo trì khoảng 10% điện kế các loại.

Khó khăn lớn nhất của chúng tôi hiện nay là vừa đóng vai trò nghiên cứu thiết kế, vừa tổ chức sản xuất kinh doanh. Chúng tôi vừa làm vừa khắc phục sự thiếu kinh nghiệm trong mảng sản xuất kinh doanh.

- Được biết ICDREC đang liên kết để xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch rộng 10 hecta tại khu công nghệ cao quận 9 Tp.HCM . Anh có thể chia sẻ thêm về kế hoạch này?

Lĩnh vực vi mạch Việt Nam đã có nhiều sự phát triển trong những năm gần đây. Một hệ sinh thái vi mạch đang dần hình thành với nhiều công ty thiết kế, các viện, trường, nhóm nghiên cứu, các chương trình đào tạo. Tp. HCM có hẳn một chương trình riêng để phát triển ngành công nghiệp vi mạch. Cái chúng ta còn thiếu hiện nay đó là một nhà máy chế tạo để hoàn thiện và làm chủ toàn bộ quy trình thiết kế và chế tạo. Đứng ở góc độ đơn vị thiết kế, việc có nhà máy chế tạo cũng sẽ tạo ảnh hưởng tích cực tới khâu thiết kế, góp phần thiết kế ra các sản phẩm đặc thù khác, chỉ dùng riêng cho Việt Nam.

- ICDREC thể chia sẻ mục tiêu của nhóm trong năm 2015 này?

Năm nay chúng tôi sẽ tham dự Nhân tài Đất Việt và chắc chắn sẽ nỗ lực nhiều hơn để được giải năm nay. Mục tiêu của chúng tôi vẫn là thông qua Giải thưởng để quảng bá và thương mại hoá thành công sản phẩm chip Việt Nam.

- Xin cảm ơn anh!


Tuệ Minh

Ý kiến bạn đọc