(VnMedia) - Để triển khai hiệu quả công cuộc bảo vệ quyền SHTT cần sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý SHTT, các cơ quan thực thi quyền SHTT trong bảo hộ và thực thi quyền SHTT; các cơ quan thông tấn báo chí trong việc tuyên truyền các vấn đề liên quan đến SHTT; trách nhiệm của chủ thể quyền trong việc tự bảo vệ quyền SHTT cũng như trách nhiệm của người tiêu dùng…
Sáng nay, 25/5, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với BSA - Liên minh Phần mềm tổ chức Lễ tổng kết “Tháng hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới”. Đây là hoạt động chuyên đề về sở hữu trí tuệ (SHTT) được triển khai do Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các Bộ là thành viên của Chương trình phối hợp hành động về phòng, chống xâm phạm quyền SHTT (gọi tắt Chương trình 168).
Tại lễ tổng kết, ông Trần Minh Dũng, Chánh thanh tra Bộ KH&CN cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ KH&CN, Thanh tra Bộ KH&CN là đầu mối, phối hợp với BSA Liên minh phần mềm triển khai các hoạt động của “Tháng hưởng ứng ngày sở hữu trí tuệ thế giới” gắn giữa tuyên truyền, giáo dục và hoạt động thực thi để góp phần huy động sự tham gia của toàn xã hội vào công tác này, đặc biệt nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý SHTT, các cơ quan thực thi quyền SHTT trong bảo hộ và thực thi quyền SHTT; các cơ quan thông tấn báo chí trong việc tuyên truyền các vấn đề liên quan đến SHTT; trách nhiệm của chủ thể quyền trong việc tự bảo vệ quyền SHTT cũng như trách nhiệm của người tiêu dùng đối với công tác này, nhằm triển khai hiệu quả công cuộc bảo vệ quyền SHTT đang là mục tiêu ưu tiên của Việt Nam.”
Trong tháng tuyên truyền, hàng loạt các hoạt động đã được triển khai, như sự kiện Tọa đàm doanh nghiệp với các cơ quan thực thi đã thu hút nhiều chia sẻ, ý kiến của các doanh nghiệp, các đại diện chủ thể quyền, các tổ chức quốc tế về cơ chế chính sách và hoạt động thực thi quyền SHTT. Ngày 14/4, Bộ KH&CN chủ trì tổng kết Chương trình 168 gồm 11 bộ, ngành liên quan; ngày 12/5, Bộ KH&CN phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức hội thảo “Sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh và chuyển giao công nghệ”. Ngoài ra, còn rất nhiều các hoạt động khác như hội thảo về SHTT cho phóng viên, các tọa đàm về triển khai hiệu quả thực thi bảo hộ SHTT trên Cổng thông tin chính phủ; treo băng rôn đường phố tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; thư gửi trực tiếp tới 5.000 doanh nghiệp.
Phó Chánh Thanh tra Bộ KH&CN, ông Phạm Văn Toàn cho biết thêm: Sau hoạt động tuyên truyền, Thanh tra Bộ KH&CN đã chủ trì phối hợp với lực lượng chuyên ngành tiến hành thanh tra, xử lý vi phạm theo đề nghị của chủ thể quyền. Chỉ tính riêng trong “Tháng hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới”, Thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra, xử lý đối với 12 đơn vị, cá nhân có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 đối tượng vi phạm, xử phạt với tổng số tiền phạt là 254 triệu đồng; chuyển hồ sơ để cơ quan điều tra xử lý 01 trường hợp. Ngoài ra, Thanh tra Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành thanh tra đối với 07 tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp.
Là một trong thành viên của Chương trình phối hợp hành động về phòng, chống xâm phạm quyền SHTT, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTTDL) trong những năm qua đã có những bước tiến mạnhmẽ đối với công tác thực thi bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan, đặc biệt là bản quyền phần mềm máy tính. Ông Trần Văn Minh, Phó Chánh thanh tra, Bộ VHTTDL cho biết : “Ngay sau Tháng hưởng ứng ngày SHTT thế giới, chúng tôi đã triển khai mạnh mẽ các các đợt thanh tra tại các đối tượng doanh nghiệp khác nhau, trải rộng trên toàn quốc. Cụ thể, Thanh tra Bộ VHTTD đã phối hợp với C50, Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) tiến hành thanh tra đột xuất 15 doanh nghiệp tại các tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và Bà Rịa-Vũng Tàu. Đã kiểm tra 822 máy tính, số tiền xử phạt gần 500 triệu đồng. Sau thanh tra, các doanh nghiệp đã chủ động làm việc với đại diện chủ sở hữu để mua phần mềm hợp pháp nhằm khắc phục hậu quả đồng thời bồi thường cho chủ sở hữu theo yêu cầu”.
“Công tác thanh tra không chỉ được triển khai quyết liệt sau Tháng hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới, mà tiếp đó, các hoạt động thực thi sẽ được cơ quan thanh tra liên ngành đẩy mạnh hơn trong thời gian tới. Đây cũng là một nhiệm vụ được xác định tại Nghị quyết của Đảng về “Củng cố và tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý và cơ quan thực thi quyền tác giả từ Trung ương đến địa phương”, ông Minh cho biết thêm.
Ông Roland Chan, Giám đốc cấp cao phụ trách Chương trình tuân thủ, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của BSA - Liên minh Phần mềm đã đánh giá rất cao quyết tâm rất lớn của Bộ KH&CN và các thành viên Chương trình 168, đặc biệt là Bộ VHTTDL trong nỗ lực thực thi hiệu quả quyền SHTT tại Việt Nam. Đại diện của BSA tin tưởng với chiến lược tuyên truyền kết hợp với thực thi mạnh mẽ, hiệu quả, công cuộc bảo hộ quyền SHTT của Việt Nam sẽ tiến được những bước dài trong những năm tới, tạo động lực cho sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.
Ý kiến bạn đọc