Quyết liệt giải bài toán ngăn chặn tin nhắn rác

07:31, 20/04/2015
|

(VnMedia) - Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son, trong thời gian tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan thanh tra của Bộ, của các sở, ngành và các cơ quan chức năng tiếp tục thanh tra, giám sát chặt chẽ hơn nữa và nâng cao vai trò trách nhiệm của toàn xã hội nói chung, trực tiếp là các nhà mạng để ngăn chặn nạn tin nhắn rác bất hợp pháp một cách kịp thời.


>> VinaPhone mạnh tay “xử” tin nhắn rác, lừa đảo

Tối qua, 19/4, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã trao đổi một số vấn đề về Kiểm soát thông tin trên hệ thống viễn thông trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời”.


  Ảnh minh họa

  Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trả lời trong chương trình "Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời" tối 19/4.


                
- Thưa Bộ trưởng, thời gian gần đây, chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” có nhận một bức thư từ khán giả cao tuổi gửi tới: tình hình phát tán thông tin giả mạo, thông tin độc hại vi phạm pháp luật ở thời điểm này diễn biến khá phức tạp và công khai. Ông đặt câu hỏi: Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về thực trạng này? Tại sao lại công khai như vậy?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son : Chúng ta đã có trên 30 triệu người sử dụng Internet và trên 100 triệu thuê bao di động. Những đối tượng xấu đã lợi dụng môi trường mở này, thế giới phẳng này của Internet để phát tán những thông tin xấu, độc để thu lợi bất chính. Các thế lực thù địch cũng lợi dụng môi trường của Internet để chống phá chúng ta. Khi đất nước chúng ta diễn ra các sự kiện quan trọng, các thế lực thù địch cũng tăng cường phát tán các thông tin sai trái.


  Ảnh minh họa


- Có một băn khoăn khá thú vị, thưa Bộ trưởng, các trang mạng phát tán thông tin độc hại này trên thực tế vẫn thu hút được một số lượng nhất định người đọc của họ. Điều này rõ ràng đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến chúng ta. Với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông, xin Bộ trưởng cho biết chúng ta có giải pháp gì để đối phó với tình trạng này?

Có thể nói trong thời gian vừa qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, và đặc biệt là sự vào cuộc của các cơ quan báo chí truyền thông, đã tuyên truyền giúp người dân thấy được những mặt tích cực của Internet, nhưng ngược lại, cũng thấy được những mặt trái của Internet, thấy được những thủ đoạn của kẻ xấu và những thế lực thù địch, dùng Internet để phương hại tới cá nhân, công dân và phương hại đến quốc gia. Người đọc đã quay lưng lại với các trang thông tin xấu, độc.

Ví dụ những trang như: Quan làm báo, Dân làm báo, trước đây có thể cũng gây hiệu ứng xã hội nhưng sau này, nhờ các cơ quan truyền thông báo chí vào cuộc, người dân đã cảnh tỉnh và thấy rằng nếu không cẩn thận bị mắc lừa. Cho nên người dân đã quay lưng lại với các trang thông tin xấu độc. Nghị định 72 được Chính phủ ban hành năm 2013 về quản lý dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, và Thông tư 09 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành năm 2014 quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của những người cung cấp thông tin trên mạng và sử dụng thông tin trên mạng, giúp làm sao ngăn chặn và nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân, của tổ chức xã hội khi cung cấp dịch vụ thông tin trên mạng và sử dụng các dịch vụ thông tin trên mạng, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Năm 2015 này, trong chương trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội sẽ xem xét và thông qua Dự án Luật An toàn thông tin. Đây là dự án luật rất quan trọng, góp phần hoàn thiện dần hành lang pháp lý, quản lý trên môi trường mạng, góp phần bảo đảm những quyền lợi, nghĩa vụ của người tham gia trên môi trường mạng.

- Còn việc ngăn chặn các công cụ phát tán khác như tin nhắn rác, thư rác thì sao?

Để ngăn chặn nạn phát tán thư rác, tin nhắn rác, ngay từ năm 2008, Nghị định số 90 về ngăn chặn tin nhắn rác và Nghị định số 17 năm 2012 bổ sung một số điều của Nghị định này, cùng với đó, để thực hiện vấn đề tin nhắn rác, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra những thông báo, đã ban hành văn bản, văn bản thứ nhất là vào tháng 4/2014, Thông tư số 14 để quản lý thuê bao di động trả trước. Thông tư quy định, mọi người sử dụng thuê bao di động trả trước đều phải kê khai danh tính của mình. Khi họ kê khai danh tính thì sẽ hạn chế tin nhắn rác, thậm chí không dám nhắn tin rác ở sim mà mình đã kê khai với cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ hai là vào tháng 8/2012, Bộ đã ra Thông tư số 04 nhằm hạn chế sim rác, hạn chế sim ảo. Hai thông tư số 14 và 04 rất quan trọng, góp phần ngăn chặn tin nhắn rác. Ngoài các giải pháp như trên, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang sử dụng một giải pháp thân thiện với người dân đó là xây dựng đầu số 456, khi người dân nhận được tin nhắn rác thì chuyển tiếp tin nhắn rác này đến đầu số 456 miễn phí hoàn toàn, đến Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam.

- Khi Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam nhận được, phân loại các tin nhắn rác đó thì họ sẽ làm gì với nó?

Trung tâm này có trách nhiệm thu thập, tổng hợp các thông tin về tin nhắn rác, từ đó thấy được sự bức xúc của xã hội, thấy được loại hình, nội dung, những phương thức, thủ đoạn nhắn tin rác, từ đó đưa ra những giải pháp, biện pháp hợp lý, đề xuất phương án, xây dựng chính sách để góp phần quản lý tin nhắn rác.

- Có một số người dân điện thoại đến tỏ ý băn khoăn, sau một khoảng thời gian khá dài nhất là cao điểm Tết Ất Mùi vừa rồi, tình trạng tin nhắn rác đã giảm đi sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông vào cuộc mạnh tay. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, dường như nó đang quay trở lại và phát tán khá mạnh mẽ. Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp gì mạnh tay hơn để thực sự chấn chỉnh được tình trạng này trong thời gian tới?

Có thể nói sau quá trình thực hiện triển khai Thông tư 14, Thông tư 04, vẫn còn tình trạng tin nhắn rác phát triển bùng phát. Vì vậy, ngày 24/12/2014 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra Chỉ thị số 82 để góp phần ngăn chặn tin nhắn rác. Chúng tôi thấy rằng sự hợp tác của các doanh nghiệp di động và doanh nghiệp cung cấp nội dung số chưa chặt chẽ. Trong thời gian tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan thanh tra của Bộ, của các sở, ngành và các cơ quan chức năng khác để tiếp tục thanh tra, giám sát chặt chẽ hơn nữa và nâng cao vai trò trách nhiệm của toàn xã hội nói chung, trực tiếp là các nhà mạng để chúng ta ngăn chặn nạn tin nhắn rác bất hợp pháp một cách kịp thời.

- TP Hồ Chí Minh đã ngăn chặn được 256 ngàn thuê bao có dấu hiệu vi phạm pháp luật về phát tán tin nhắn rác. Hay chỉ riêng mạng VinaPhone đã cắt hợp đồng với 12 doanh nghiệp cung cấp nội dung số. Điều đó cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể làm được, có thể ngăn chặn được vấn nạn tin nhắn rác…

Chúng ta đã có nghị định số 74/2013 về xử phạt các hành vi vi phạm trong hoạt động thông tin điện tử. Quy định cụ thể, bất kỳ ai vi phạm, kể cả các nhà mạng đều bị xử lý nghiêm khắc. Vì tối đa hóa lợi ích, lợi nhuận của mình, nhà mạng đã không quản lý chặt chẽ đại lý của mình, thậm chí có sự hợp tác với nhau nên dẫn đến tin nhắn rác có thời điểm được ngăn chặn, có thời điểm lại bùng phát. Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường quản lý, tăng cường thanh tra nói chung, đặc biệt là các hoạt động của nhà mạng để kịp thời chấn chỉnh và có chế tài xử phạt theo đúng quy định của pháp luật.

- Trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ, trong khi các thông tin xấu và độc hại vẫn hàng ngày, hàng giờ thậm chí từng phút được cập nhật, lan truyền trên mạng. Với trách nhiệm của mình, theo Bộ trưởng, lực lượng báo chí của chúng ta nên làm gì?

Ngoài báo chí truyền thống, một số tờ báo, một số nhà báo cũng đã tham gia hoạt động trên môi trường mạng rất tích cực. Như ở Trung Quốc người ta nói đây là những dư luận viên trên mạng thì các nhà báo của chúng ta đã tham gia tích cực trên môi trường mạng, điển hình như Facebook. Trên môi trường ảo này, báo chí sẽ luôn phát huy được vai trò của mình để làm tốt chức năng tuyên truyền đường lối của Đảng, Nhà nước và cũng là những người lính trực tiếp va đập với những thông tin sai trái.

Sắp đến ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam và 90 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2015), qua làn sóng đài truyền hình Việt Nam, cho phép tôi thay mặt Bộ Thông tin và Truyền thông kính gửi đến các nhà báo lão thành, các hội viên hội Nhà báo Việt Nam, các nhà báo trong toàn thể hệ thống báo chí Việt Nam lời cám ơn, một lời chúc mừng sức khỏe, hạnh phúc.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!


Hiền Mai - (ghi)

Ý kiến bạn đọc